Nhận về 2 ngân hàng yếu kém, cổ phiếu MBB và VCB sẽ ra sao?
Việc nhận chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng được coi là thông tin tích cực cho ngành Ngân hàng nói chung và 2 cổ phiếu VCB, MBB nói riêng.
Sau khi được chuyển giao bắt buộc, 2 ngân hàng 0 đồng là Ngân hàng Xây dựng (CB) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) sẽ là các ngân hàng thương mại do Vietcombank (HOSE: VCB) và Ngân hàng Quân đội (MB – HOSE: MBB) sở hữu 100% vốn điều lệ. Mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, quyền, nghĩa vụ của khách hàng tại CB và OCeanBank được đảm bảo theo quy định pháp luật.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, mục tiêu của chuyển giao bắt buộc là đưa các tổ chức tín dụng yếu kém trở lại hoạt động bình thường, khắc phục hết lỗ lũy kế, tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn hoạt động, chấm dứt kiểm soát đặc biệt và từng bước góp phần đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô.
“Đây là những kết quả quan trọng của quá trình thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, đồng thời yêu cầu các ngân hàng nhận chuyển giao thực hiện đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, tận dụng tối đa nguồn lực, luôn trong tâm thế sẵn sàng để triển khai hiệu quả các mục tiêu đã đề ra”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Việc nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém đang được kiểm soát đặc biệt là chưa có tiền lệ. Do đó, những thách thức, khó khăn là không tránh khỏi. Tuy nhiên, với năng lực kinh nghiệm và nền tảng vững chắc cùng với những kế hoạch chi tiết đã được hoạch định, các ngân hàng nhận chuyển giao đều tự tin vào phương án chuyển giao.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng – Chủ tịch HĐQT Vietcombank, Ngân hàng Xây dựng sẽ được nhận đầy đủ những biện pháp hỗ trợ về tài chính và cơ chế theo quy định pháp luật và sự hậu thuẫn mạnh mẽ của toàn hệ thống Vietcombank. Trong quá trình triển khai phương án chuyển giao bắt buộc, tùy tình hình thực tế, Vietcombank sẽ thiết kế mô hình hoạt động, hình thức pháp lý của Ngân hàng Xây dựng một cách tối ưu.
Về phía MB, ông Lưu Trung Thái – Chủ tịch HĐQT MB tự tin, với năng lực, kinh nghiệm và nền tảng vững chắc, MB rất tin tưởng vào sự thành công khi triển khai phương án chuyển giao bắt buộc này, đồng thời, cũng tạo ra cho MB cơ hội mới trong việc phát triển, đặc biệt là mở rộng quy mô hoạt động.
Nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, Vietcombank và MB được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, đã được Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định. Ngoài ra, Vietcombank sẽ có quyền định đoạt, xử lý tổ chức chuyển giao bắt buộc, nếu tìm được tổ chức nước ngoài phù hợp, có thể bán tổ chức nhận chuyển giao, duy trì hoặc có phương án khác như chuyển đổi, cải cách (chẳng hạn như chuyển sang ngân hàng số).
Nhận định về tương lai của 2 cổ phiếu VCB và MBB, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, đây là thông tin tích cực cho ngành Ngân hàng nói chung và 2 cổ phiếu này nói riêng. Bởi việc gánh lại ngân hàng 0 đồng và bước vào tái cơ cấu mất khoảng từ 3 đến 5 năm. Khi mà việc cơ cấu thành công chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho MBBank khi nhận sáp nhập Oceanbank và lấy được tệp khách hàng. Qua đó, tạo ra cho MBBank thế lực nhất định về mặt khách hàng và vị thế tài chính.
Ngoài ra, lợi ích theo quy định của pháp luật khi nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém như: MB không phải thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của Ngân hàng được chuyển giao bắt buộc; MB được loại trừ OceanBank khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất; khoản góp vốn vào OceanBank được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của MB…
Theo nhận của Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), cổ phiếu MBB có thể tăng 13 % lên 29.000 đồng/cổ phiếu trong thời gian tới. Về định giá, mức P/B mục tiêu của MBB là 1,44 lần cũng là mức trung bình giữa P/B so sánh (1,48 lần) và P/B lịch sử (1,40 lần).
Đối với cổ phiếu VCB, Công ty Chứng khoán Vietcap khuyến nghị mua và giá mục tiêu là 110.000 đồng/cổ phiếu, tức là sẽ tăng 19% so với giá ngày 24/10 là 92.000 đồng/cổ phiếu. VCB đã giao dịch ở mức cao hơn trung vị ngành là 130% trong 3 năm qua và hiện đang giao dịch ở mức chênh lệch khoảng 76% so với mức P/B dự phóng năm 2024 của trung vị các ngân hàng khác là 1,24 lần.