Thời điểm thích hợp mua vàng
Vàng là tài sản chiến lược, phù hợp với nhà đầu tư có kỷ luật, nắm giữ trong dài hạn, không quan tâm biến động giá trong ngắn hạn. Nếu uốn chốt lời nhanh trong ngắn hạn, nhà đầu tư cần tránh thời điểm giá vàng neo cao, tránh hiệu ứng đám đông (FOMO).
“Đến hẹn lại lên”, cơn sốt vàng lại diễn ra trong ngày vía Thần Tài (Mùng 10 tháng Giêng), kéo tăng giá vàng lên mức cao mới. Theo thống kê, giá vàng SJC và vàng nhẫn các thương hiệu trong ngày 7/2 (10 tháng Giêng âm lịch) đang dao động quanh ngưỡng 90 triệu đồng/lượng. Cũng thành thói quen, mỗi khi giá vàng tăng cao, vấn đề được quan tâm hơn hết là: Có nên mua vàng?
Vàng vẫn là tài sản chiến lược
Trong báo cáo mới nhất, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) nhận định, vàng là tài sản chiến lược trong dài hạn vì kim loại quý này là tài sản có tính thanh khoản cao, không có rủi ro tín dụng, sản lượng khan hiếm và về mặt lịch sử, lưu trữ giá trị theo thời gian.
Theo báo cáo mới đây của WGC, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của giá vàng thế giới 8%, kể từ năm 1971. Đây là hiệu suất thực, sau khi trừ đi lạm phát, tương đương với hiệu suất của Chỉ số S&P 500 ở thị trường chứng khoán Mỹ nhưng cao hơn hiệu suất của trái phiếu chính phủ Mỹ. Nếu đầu tư dài hạn, vàng có hiệu suất tăng giá vượt trội so với nhiều hạng mục tài sản khác trong khoảng thời gian đầu tư 3, 5, 10 và 20 năm trước năm 2024, ngay cả trong thời kỳ lạm phát hay giảm phát.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp vàng duy trì hiệu suất tăng giá ổn định là sản lượng của kim loại quý này tăng rất chậm. Trong 20 năm qua, sản lượng vàng trên toàn cầu chỉ tăng trung bình hàng năm 1,7%, theo WGC.
Giá trị chiến lược của vàng xuất phát từ tính độc đáo của kim loại quý này. Đây là loại hàng hóa có nguồn cung hữu hạn và không thể dễ dàng in ra như tiền tệ. Tuy nhiên, không giống như các mặt hàng khác, vàng thường có mối quan hệ nghịch đảo với thị trường chứng khoán trong thời kỳ tài sản rủi ro bị bán tháo. Do đó, khi thị trường cổ phiếu giảm mạnh, vàng sẽ tăng giá.
Tuy nhiên, khi thị trường cổ phiếu tích cực, vàng vẫn thường ghi nhận mức tăng. Điều đó cho thấy, vàng không chỉ là một tài sản phòng thủ đơn thuần trong thời kỳ khủng hoảng tài chính.
Đối với thị trường vàng trong nước, thống kê cho thấy, năm 2024 giá vàng tăng 25%; trong vòng 3 năm gần đây, giá vàng trong nước tăng khoảng 12% mỗi năm. Tuy nhiên, nếu xét tại thị trường Việt Nam, không chỉ phụ thuộc vào mức độ lạm phát, giá vàng còn phụ thuộc tỷ giá, do nhập khẩu vàng bằng USD. Như vậy, hiệu suất đầu tư vàng tại Việt Nam sẽ trừ thêm tốc độ trượt giá của đồng VND so với USD.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng Giám đốc của AFA Capital, trong vòng 10 năm gần đây, đồng VND bị mất giá khoảng 20% so với đồng USD. Như vậy, trừ đi rủi ro tỷ giá, tốc độ tăng trưởng bình quân của giá vàng trong 10 năm qua là 9%-10%. Con số này cho thấy, vàng là kênh đầu tư cho hiệu suất ổn định trong dài hạn.
Thời điểm thích hợp mua vàng
Bởi có tính tăng trưởng ổn định, phòng thủ cao, nên vàng là một kênh tài sản được nhiều nhà đầu tư lựa chọn nhằm đa dạng hóa danh mục và phân tán rủi ro. Theo WGC, danh mục đầu tư cổ điển sẽ bao gồm: 50% cổ phiếu, 40% trái phiếu vào 10% là tài sản khác như tiền gửi ngân hàng, vàng, bất động sản…
Giống như các kênh đầu tư khác, việc phân bổ danh mục đầu tư vào vàng còn phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.
Theo ông Phan Lê Thành Long - Người sáng lập và CEO của AFA Group, nhà đầu tư có thể phân bổ khoảng 10% danh mục đầu tư vào vàng. Song giải ngân cho vàng vào thời điểm nào thì nhà đầu tư nên cân nhắc, tránh thời điểm giá vàng lên cao, trở thành chủ đề “nóng” trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Bởi đây thường là thời điểm tạo đỉnh của thị trường vàng, nhà đầu tư tránh hiệu ứng FOMO, “đu đỉnh”.
“Sau 1-2 tháng neo ở mức giá cao, giá vàng thường sẽ có sự điều chỉnh nhẹ. Khi đó, nhà đầu tư có thể mua vào. Còn lúc giá vàng đang cao, ai, ai cũng hỏi có nên mua vàng không thì nên cân nhắc”, ông Long chia sẻ.
Ngoài ra, ông Long cho rằng, giá vàng cũng rất “ưa thích” biến động, do tính chất phòng thủ, là kênh trú ẩn an toàn của vàng. Do đó, khi thị trường xuất hiện những thông tin bất lợi về địa chính trị, chiến tranh thương mại…, giá vàng sẽ thường tăng rất nhanh. Khi đó, nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng. Vì tính thanh khoản của thị trường vàng trong nước thường yếu hơn các thị trường vàng khác trên thế giới; cộng thêm, chênh lệch giá mua vào, bán ra khá lớn.