Thông dòng tín dụng

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Theo ông Bùi Đằng Phong – Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Sao Mai Phương Nam, doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn của ngân hàng đã dễ dàng hơn, thể hiện trong việc cách thức tiếp cận của ngân hàng với khách hàng đã cải thiện qua việc thay đổi những điều kiện và giản ước thủ tục của ngân hàng với DN.

Thông dòng tín dụng
Doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn của ngân hàng đã dễ dàng hơn. Nguồn: internet

Ngân hàng chào vốn

Ông Trần Trường Sơn – Chủ tịch Công ty Owtek Thien Hoa cho biết, “mỗi ngày qua, tôi nhận được rất nhiều tin nhắn của các Ngân hàng thương mại (NHTM) đề nghị hỗ trợ cho vay vốn. Còn lãi suất hiện nay đã “mềm” hơn trước, chỉ còn ở mức từ 8%-10%/năm. Là thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp quận 4 (TP. Hồ Chí Minh), thời gian gần đây tôi cũng thấy nhiều hội viên đã tiếp cận được vốn ngân hàng. Không chỉ ngân hàng trong nước chào vốn mà ngay cả các ngân hàng nước ngoài cũng liên tục mời các DN Việt vay vốn”.

Theo ông Bùi Đằng Phong – Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Sao Mai Phương Nam (Sao Mai Phương Nam), DN tiếp cận vốn của ngân hàng đã dễ dàng hơn, thể hiện trong việc cách thức tiếp cận của ngân hàng với khách hàng đã cải thiện qua việc thay đổi những điều kiện và giản ước thủ tục của ngân hàng với DN.

Chẳng hạn, Sao Mai Phương Nam đang vay vốn của Sacombank và được ngân hàng này chủ động, tạo điều kiện cho chúng tôi có được vốn để kinh doanh dựa trên từng thương vụ. Trong thời gian tới, với việc hỗ trợ vốn từ phía Sacombank, chúng tôi sẽ phát triển ở lĩnh vực sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc.

Lý giải sự khởi sắc trên, ông Trần Trường Sơn cho rằng, thời điểm này của ngành Ngân hàng cũng đang tương tự như ngành bất động sản (BĐS). Đó là khi thị trường trầm lắng không bán được hàng thì bắt buộc các DN BĐS phải tung hàng và chào mời khách hàng mua bằng nhiều hình thức, vì nhà đã xây lên rồi nếu không bán được chỉ còn cách “đắp chiếu”, vốn đọng. Hiện nay “vấn đề” của ngành Ngân hàng chắc chắn cũng như vậy: các NHTM đang dư thừa vốn huy động.

Các NHTM đang chào mời vay vốn bằng nhiều hình thức phòng ngừa rủi ro, trong đó, mới nhất là chấp nhận tín chấp bằng dòng tiền cũng được nhiều NHTM thực hiện. Những DN được vay theo hình thức tín chấp này là những DN uy tín, có lịch sử tín dụng lành mạnh và có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, việc chưa thể đẩy mạnh vốn cho vay bằng phương thức này khiến nhiều DN băn khoăn.

Ông Bùi Đằng Phong cho rằng, ngân hàng phải cho DN vay với góc độ thẩm định kỹ chiến lược, phương án kinh doanh của DN. Nếu phương án đó hiệu quả thì nên cho DN vay vốn trước tiên ở dạng tín chấp để các DN mới, nhỏ nhưng tiềm năng có những động lực vốn để phát triển được. Vì nhiều DN có phương án sản xuất kinh doanh rất tốt nhưng vốn tự có chưa tương xứng.

Chẳng hạn, một DN có 100 triệu đồng vốn tự có và đang triển khai một phương án đầu tư có tiềm năng và cần vốn tới 2-3 tỷ đồng, nhưng tài sản của họ không đủ để vay vốn ngân hàng ở mức đó. Trong trường hợp này, ngân hàng cần có những đội ngũ đánh giá sát sao hơn về chiến lược đầu tư, phương án kinh doanh của từng DN và nếu thấy hiệu quả thì nên cho DN đó vay vốn cả bằng tín chấp dòng tiền tương lai.

Trên thực tế, việc DN thuyết phục ngân hàng thành công về dòng tiền ở những phương án được cho là hiệu quả của mình vẫn còn rất khó khăn. Vì theo ông Phong, mỗi hoạt động sản xuất, kinh doanh bao hàm những hiểu biết riêng của mỗi DN. Còn phía ngân hàng ở góc độ tài chính cũng chưa thể hiểu hết hoạt động kinh doanh của những đơn vị cụ thể, nên đây cũng là một rào cản trong cho vay tín chấp bằng dòng tiền hiện nay.

Để được vay tín chấp, đứng ở góc độ DN, ông Trần Trường Sơn chia sẻ, các DN phải tìm cách tạo niềm tin đối với ngân hàng. Mà để có niềm tin này thì đòi hỏi cả một chuỗi dài hoạt động chứng minh cho ngân hàng thấy “lịch sử pháp nhân” này an toàn vì phía ngân hàng cũng không thể cho vay đối với DN mà họ chưa nắm rõ và chính xác về lịch sử hoạt động cũng như hồ sơ tín dụng của DN trong quá khứ. “Điều này, riêng đối với tôi, cũng phải chia sẻ với ngân hàng”, lãnh đạo một DN cũng thừa nhận.

Về đích nhưng cảnh giác với rủi ro

Tính đến 20/9/2013, tăng trưởng tín dụng toàn ngành Ngân hàng đạt mức 6,05% so với tháng 12/2012, trong khi đó, so với cùng kỳ thì mức tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2,35%. Như vậy, tín dụng đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại khi so với cùng kỳ tăng trưởng tín dụng đã gấp 2,5 lần.

Phải chăng, tín dụng đang tăng trưởng trở lại? Mặc dù vẫn còn những NHTM có mức tăng trưởng tín dụng âm như Navibank (-15,4%), OCB (-5,8%), SouthernBank (-1,6%)… thì có những ngân hàng lớn dòng vốn tín dụng đã tăng lên sau nhiều tháng không tăng trưởng như Vietcombank tính đến tháng 8/2013 tín dụng đã tăng được 2,8%, Agribank tăng khoảng 4,2%, có những NHTM tính đến nay đã tăng trưởng tín dụng khoảng 10% như: HDBank, NamABank, VietCapitalBank và VIB cũng tăng ở mức 6% so với tháng 12/2012.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đề ra cho cả năm nay là 12% nên bình quân mỗi tháng còn lại của năm 2013, tăng trưởng tín dụng toàn Ngành cần đạt khoảng 2%, đây là một thách thức hay cơ hội cho các NHTM? Thế nhưng, đã có những NHTM xin nới “room” tín dụng, chẳng hạn như VIB xin điều chỉnh lên 20%, NamABank xin tăng 30%, Co-opBank điều chỉnh lên 15%…

Theo báo cáo của NHNN, đến nay, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm khoảng 9-12%/năm so với thời điểm giữa năm 2011 và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006, thấp hơn năm 2007, lãi suất đã không còn là cản trở đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và người dân. Hiện lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7-9%/năm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở mức 9-11%/năm, trong đó, đối với khách hàng tốt lãi suất cho vay chỉ từ 6,5-7%/năm.

Mặc dù lãi suất hiện đã thấp hơn năm 2007 nhưng tăng trưởng tín dụng lại là bài toán không dễ đối với các ngân hàng, khi các chuẩn mực trong cho vay được nâng lên, những rủi ro đã được đúc rút thì việc chọn lọc khách hàng vay là chắc chắn. Và tín dụng vẫn “chảy” khi ngân hàng đang thực sự tìm kiếm khách hàng.