Thống nhất khai hải quan với cáp thép nhập khẩu chịu thuế chống bán phá giá

Trần Huyền

Tổng cục Hải quan đã có văn bản hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố về việc thực hiện quy định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm cáp thép dự ứng lực có xuất xứ từ Malaysia, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm cáp thép dự ứng lực có xuất xứ từ Malaysia, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ảnh: internet
Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm cáp thép dự ứng lực có xuất xứ từ Malaysia, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ảnh: internet

Tổng cục Hải quan nhận được Quyết định số 143/QĐ-BCT ngày 14/01/2025 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm cáp thép dự ứng lực có xuất xứ từ Malaysia, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Để đảm bảo thực hiện đúng quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố nghiên cứu kỹ nội dung quy định tại Quyết định số 143/QĐ-BCT và nghiên cứu thực hiện quy định về đối tượng áp dụng thuế chống bán phá giá theo tên gọi, đặc tính cơ bản và mã số hàng hóa cũng như quy định về thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá.

Về kê khai thuế chống bán phá giá trên tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu, Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp chống bán phá giá nghiên cứu bảng mã thuế chống bán phá giá dùng trong VNACCS đã được đăng tải trên website: https://www.customs.gov.vn để thực hiện kê khai.

Trong đó, trường hợp người khai hải quan không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì người khai hải quan thực hiện khai báo theo mã G171 tương ứng mức thuế chống bán phá giá là 28%. Trường hợp người khai hải quan nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ nước, vùng lãnh thổ không phải Malaysia, Thái Lan hoặc Trung Quốc thì không phải nộp thuế chống bán phá giá, người khai hải quan khai báo trên tờ khai hải quan nhập khẩu chỉ tiêu 1.95 Mã miễn/giảm/không chịu thuế và thu khác mã GK theo bảng mã đối tượng không chịu thuế chống bán phá giá đã được đăng tải trên website: https://www.customs.gov.vn.

Trường hợp người khai hải quan nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ Malaysia, Thái Lan hoặc Trung Quốc nhưng không nộp được bản gốc Giấy chứng nhận nhà sản xuất hoặc nộp được Giấy chứng nhận nhà sản xuất nhưng tên tổ chức, cá nhân trên Giấy chứng nhận không trùng với tên tổ chức, cá nhân nêu tại Cột 1 Mục 3 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 143/QĐ-BCT thì người khai hải quan thực hiện khai báo mã G160 đối với hàng hóa có chứng từ chứng nhận xuất xứ từ Malaysia tương ứng mức thuế chống bán phá giá là 12,06%; G163 đối với hàng hóa có chứng từ chứng nhận xuất xứ từ Thái Lan tương ứng mức thuế chống bán phá giá là 11%; G170 đối với hàng hóa có chứng từ chứng nhận xuất xứ từ Trung Quốc tương ứng mức thuế chống bán phá giá là 28%

Bên cạnh đó, trường hợp người khai hải quan nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ Malaysia, Thái Lan hoặc Trung Quốc và nộp được bản gốc Giấy chứng nhận nhà sản xuất và tên nhà sản xuất trên Giấy chứng nhận trùng với tên của nhà sản xuất nêu tại Cột 1 Mục 3 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 143/QĐ-BCT, đồng thời có tên nhà xuất khẩu (dựa trên hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại) trùng với tên nhà sản xuất nêu tại Cột 1 hoặc trùng với tên tổ chức, cá nhân tương ứng theo hàng ngang tại Cột 2 Mục 3 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 143/QĐ-BCT thì mức thuế suất thuế chống bán phá giá là mức thuế tương ứng theo hàng ngang tại Cột 3 Mục 3 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 143/QĐ-BCT. Người khai hải quan khai báo mã tương ứng với mức thuế suất đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, công ty thương mại liên quan theo bảng mã thuế chống bán phá giá đã được đăng tải trên website https://www.customs.gov.vn (từ mã G158 đến G169).

Trường hợp người khai hải quan nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ Malaysia, Thái Lan hoặc Trung Quốc và nộp được bản gốc Giấy chứng nhận nhà sản xuất và tên nhà sản xuất trên Giấy chứng nhận trùng với tên của nhà sản xuất nêu tại Cột 1 Mục 3 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 143/QĐ-BCT nhưng tên nhà xuất khẩu (dựa trên hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại) không trùng với tên nhà sản xuất tại Cột 1 Mục 3 hoặc không trùng với tên tổ chức, cá nhân tương ứng theo theo hàng ngang Cột 2 Mục 3 thì khai báo mã như hướng dẫn nêu trên.

Theo Tổng cục Hải quan, việc kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, Giấy chức nhận chất lượng (bản gốc) của nhà sản xuất để xác định hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng áp dụng thuế chống bán phá giá thực hiện theo quy định tại Mục 5 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 143/QĐ-BCT. Việc kê khai, thu thuế, nộp thuế thực hiện theo quy định tại Điều 39 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 23 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính.