Thông quan 1-3 giây luồng vàng, 194 dịch vụ công ngành thuế trực tuyến mức độ 3, 4
Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2020 do Bộ Tài chính phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 27/11, tại TP. Hồ Chí Minh. Hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 300 doanh nghiệp (DN) khu vực phía Nam.
Bộ Tài chính luôn xếp trong nhóm 3 bộ đứng đầu về chỉ số Cải cách hành chính
Hội nghị tập trung vào 2 nội dung chính là thông tin tổng hợp về những thay đổi chính sách, thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực thuế, hải quan. Đồng thời, dành thời gian giải đáp những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy định trong lĩnh vực thuế, hải quan cho doanh nghiệp.
Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trong những năm qua. Bộ Tài chính luôn chủ động cải cách và tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục hải quan và thuế. Hiện tại, đã có 97,6% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử, góp phần rút ngắn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong lĩnh vực thuế, với mục tiêu cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh triển khai các ứng dụng quản lý thuế hiện đại, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Theo đó, đã cung cấp 194 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và 63 cục thuế, trong đó đã tích hợp 150 thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Về lĩnh vực hải quan, Tổng cục Hải quan hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia nhằm giảm thời gian thông quan, tiết kiệm chi phí cho DN xuất nhập khẩu, phù hợp với sự phát triển của thương mại quốc tế.
Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) được vận hành tốt với sự tham gia của hơn 99,65% DN tại 100% các đơn vị hải quan. Thời gian tiếp nhận và thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1 - 3 giây, đối với hàng luồng vàng, thời gian xử lý và kiểm tra hồ sơ không quá 2 giờ làm việc.
Tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp
Trên tinh thần cầu thị, thời gian qua các cơ quan chức năng, cục thuế, hải quan các địa phương đã trả lời kịp thời, đầy đủ các thắc mắc của doanh nghiệp, từ đó giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trả lời câu hỏi của ông Vũ Thái Sơn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Long Sơn, một trong những doanh nghiệp chế biến hạt điều lớn nhất Việt Nam. Hàng năm công ty xuất 200 triệu USD hạt điều/ năm, trong quá trình sản xuất chúng tôi có rất nhiều nguồn hàng hạt điều, trước đây mua chúng tôi mua bán thô, sau đó chúng tôi mua cổ phần của một công ty tinh chế dầu điều và bán dầu điều cho họ, chúng tôi được hưởng lợi nhuận trên số cổ phần đó. Vậy chúng tôi có bị quy là công ty liên kết không? Câu hỏi thứ 2 là chúng tôi bán 30% cổ phần của công ty cho một công ty kinh doanh hạt điều khác, sau đó công ty Long Sơn bán hạt điều cho họ và chúng tôi có lợi nhuận từ việc chia cổ phần đó, như vậy chúng tôi có bị xem là công ty liên kết không?
Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế cho rằng, Nghị định 132 quy định hoạt động giữa các công ty liên kết ..trong quan hệ giao dịch mua bán giữa các chi nhánh thì liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp và phải tuân thủ nguyên tắc giao dịch giữa các công ty độc lập và các hợp đồng giao dịch đó tuân thủ theo quy định về thuế.
Công ty Đồ hộp Việt Cường kiến nghị: Doanh nghiệp nhập khẩu thủy, hải sản về chế biến xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề kiểm ra chuyên ngành khi hàng hóa phải chờ kết quả kiểm dịch lâu làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, lưu kho, ảnh hưởng chất lượng...Doanh nghiệp đề nghị khi nhập nguyên liệu về được đưa về nhà máy phục vụ cho việc sản suất, sau dó khi xuất khẩu nếu hàng hóa vi phạm có thể xử lý doanh nghiệp"
Ông Mai Xuân Thành- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan trả lời: Vấn đề kiểm tra chuyên ngành cũng là vấn đề quá khó với ngành hải quan và cả doanh nghiệp vì còn liên quan đến các bộ ngành khác. Cụ thể ở đây là bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vì thế các DN cũng cần cùng ngành hải quan phải có văn bản kiến nghị với các bộ ngành khác để cùng tháo gỡ khó khăn, cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành sao cho hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đề nghị lãnh đạo Cục Thuế địa phương có mặt tại Hội nghị nắm bắt các vụ việc phát sinh vướng mắc của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý. Chủ động mời doanh nghiệp đến cơ quan để giải quyết kỹ hơn một số câu hỏi mang tính kỹ thuật chưa được giải quyết tại Hội nghị.