Thông quan hàng hóa: Chi tiết hóa chỉ số đo thời gian

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Tổng cục Hải quan vừa tổ chức công bố chỉ số đo thời gian thông quan hàng. Mặc dù các chỉ số chưa đưa ra phân tích chuyên sâu thời gian tác nghiệp của các đơn vị quản lý chuyên ngành nhưng bước đầu đã ghi nhận sự tích cực trong công tác cải cách thủ tục hành chính.

Thông quan hàng hóa: Chi tiết hóa chỉ số đo thời gian
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo bà Lê Như Quỳnh – Phó ban Thường trực Ban Cải cách Hiện đại hóa Hải quan, cái được nhất của việc đo thời gian thông quan là xác định được cụ thể tỉ lệ % về khoảng thời gian tác động của cơ quan Hải quan và của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Hải quan chỉ chiếm 28%

Kết quả đo cho thấy, đối với hàng nhập khẩu, thời gian từ khi hàng đến cảng, cửa khẩu cho đến khi hàng đã có quyết định thông quan, giải phóng hàng ra khỏi khu vực giám sát hải quan là 115 giờ 00 phút 17giây. Trong đó, thời gian từ khi đăng ký tờ khai cho đến khi cơ quan Hải quan ra quyết định thông quan, giải phóng hàng là 32 giờ 37 phút 55 giấy (chiếm khoảng 28% tổng thời gian từ khi hàng đến cảng/cửa khẩu đến khi hàng có quyết định thông quan, giải phóng hàng rời khỏi khu vực giám sát hải quan). 72 % còn lại là thời gian tác nghiệp của các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động XNK hàng hóa. Bà Quỳnh khẳng định đây là kết quả đo khách quan và đáng tin cậy bởi việc đo được thực hiện tại 11 cửa khẩu gồm 6 cửa khẩu đường biển, 2 cửa khẩu đường hàng không và 3 cửa khẩu đường bộ theo phương pháp nghiên cứu thời gian giải phóng hàng (TRS) của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), Phiên bản 2.0 - 2011. Kết quả được thu thập, tổng hợp, phân tích, báo cáo từ dữ liệu thời gian về quá trình làm thủ tục hải quan cho các lô hàng thuộc 7.441 tờ khai hải quan (NK là 4.317, XK là 3.124) được đăng ký trong khoảng thời gian 1 tuần làm việc liên tục từ 9/9/2013 đến 14/9/2013).

Để thực hiện cuộc đo thời gian giải phóng hàng năm 2013, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với 9 Bộ quản lý chuyên ngành và 2 Hiệp hội ngành nghề có liên quan. Đây là sự đổi mới về chất vì việc đo này Tổng cục Hải quan đã thực hiện từ các năm trước đây nhưng điểm khác biệt là không có sự tham gia của các cơ quan ban ngành.

Cần sự phối hợp của các bộ ngành

Báo cáo của Tổng cục Hải quan chỉ rõ, 72% còn lại là khoảng thời gian từ khi hàng đến tới khi đăng ký tờ khai và khoảng thời gian từ khi hoàn thành thủ tục thông quan, giải phóng hàng đến khi lấy được hàng hóa đưa ra khỏi cảng/cửa khẩu. Như vậy, ngoài các hạn chế về thời gian lưu thông hàng hóa trên đường (đối với những xe cồng kềnh), theo từng tuyến (bộ, biển, hàng không…) thì cơ bản nó nằm trong quy trình xử lý của các bộ ngành liên quan như cơ quan kinh doanh cảng, quản lý cửa khẩu, cơ quan làm các thủ tục giao nhận, logistics các cơ quan quản lý chuyên ngành có liên quan đến quá trình làm thủ tục hàng hóa của DN với các cơ quan này.

Đồng quan điểm với báo cáo của Tổng cục Hải quan, đại diện của VCCI cho rằng, trong cuộc đo này, Tổng cục Hải quan cần xác định rõ được cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong 72% thời gian giải phóng hàng chịu sự tác động của các cơ quan, tổ chức khác và đưa ra kiến nghị đối với các cơ quan này vì bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của ngành Hải quan thì rất cần có sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành quản lý khác, các DN liên quan đến hoạt động XNK hàng hóa, để giảm thiểu các giấy tờ trong bộ hồ sơ, giảm thời gian và chi phí làm các thủ tục có liên quan đến quá trình XNK hàng (thủ tục kiểm dịch, thủ tục kiểm tra chất lượng nhà nước, thủ tục liên quan đến logistics…).

Tăng tính chi tiết

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, việc tổ chức đo thời gian giải phóng hàng sẽ được thực hiện định kỳ 3 lần/5 năm (đầu kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ) nhằm đánh giá việc thực hiện Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan theo giai đoạn 5 năm. Như vậy, vào năm 2015 sẽ thực hiện cuộc đo tiếp theo.  Đại diện của các bên liên quan đều đánh giá cao các chỉ số đo thu được qua lần đo đầu tiên này. Tuy nhiên, nó chỉ là khởi đầu thuận lợi giúp cho DN ước tính được thời gian cho hoạt động XNK, minh bạch hóa các thông tin, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK.

Về lâu dài, đại diện Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW cho rằng, các chỉ số đo cần phải khắc phục tính chung chung. Ví dụ như cần chỉ rõ các chỉ số đo trung bình được đưa ra trong báo cáo là cao hay thấp và được so sánh với chuẩn nào, thời gian đo được tính theo 8 tiếng làm việc hay 24 tiếng/ngày… Tất cả cần phải rõ vì điều này sẽ liên quan tới những kiến nghị trực tiếp trong cải cách hành chính hải quan.

Đặc biệt, sau khi có kết quả đo thời gian giải phóng hàng, Tổng cục Hải quan cần chỉ ra được phải tiếp tục cải cách ở các khâu nào, thuộc về bộ ngành nào từ đó đưa ra các kiến nghị cụ thể để các chỉ số đo tiếp theo được cải thiện hơn. Đại diện Viện cũng cho rằng, nếu có một cuộc đo độc lập thì tính khách quan của các chỉ số sẽ có tính thuyết phục hơn.