Đạo lý của các quy định

Trong những năm qua, Nhà nước đã có sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác quản lý giá, mang lại hiệu quả cao, đáp ứng theo yêu cầu hội nhập. Giá cả hàng hóa cơ bản đang vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Tuy nhiên, thực tế trong các hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ không phải bao giờ giá thị trường cũng xuất hiện và vận động đúng với giá trị thực của nó, bởi do nhiều yếu tố tiêu cực chi phối như: Liên minh độc quyền bán, độc quyền mua; Móc ngoặc đầu cơ, gian lận thương mại… do đó khi thực hiện các hoạt động giao dịch, mua bán, đầu tư… phía người mua, người bán đều muốn nắm được giá trị đích thực của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Với những lý do trên việc thẩm định giá trở thành nhu cầu thực sự, không thể thiếu của nền kinh tế thị trường; Công tác thẩm định giá đã và đang trở thành một hoạt động đòi hỏi tính chuyên nghiệp, chuyên sâu cần thiết cho hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực giá cả, ngân sách nhà nước, tài sản… góp phần xây dựng mặt bằng giá cả hợp lý, chống giá cả độc quyền hoặc phá giá; Làm lành mạnh hóa thị trường và công tác quản lý ngân sách nhà nước được sát thực, hiệu quả, tiết kiệm hơn.

Để giải quyết những yêu cầu trên, ngày 06/8/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá. Theo đó, Nghị định thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động thẩm định giá. Nội dung quản lý nhà nước về hoạt động thẩm định giá gồm: Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển nghề thẩm định giá ở Việt Nam; Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thẩm định giá, tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; Thẩm định giá tài sản nhà nước theo quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; Quy định chế độ báo cáo, thu thập, tổng hợp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cung cấp thông tin và quản lý nhà nước về thẩm định giá; Quản lý đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá; Quản lý và tổ chức thi, cấp và thu hồi Thẻ thẩm định viên về giá; Quản lý, cấp và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về thẩm định giá; Tổ chức và quản lý công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về thẩm định giá.

Đồng thời, quy định hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, gồm các tiêu chuẩn hướng dẫn về những quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá tài sản; Những nguyên tắc kinh tế chi phối hoạt động thẩm định giá tài sản; Giá trị thị trường và giá trị phi thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá tài sản...

Cùng với việc quy định hệ thống những tiêu chuẩn thẩm định Việt Nam, Chính phủ cũng quy định những tiêu chuẩn bắt buộc đối với thẩm định viên về giá, bao gồm: Phải có năng lực hành vi dân sự; Có thẻ thẩm định viên về giá do Bộ Tài chính cấp; Có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học chuyên ngành vật giá, thẩm định giá... Thẩm định viên về giá còn cần có thời gian công tác thực tế theo chuyên ngành đào tạo từ 36 tháng trở lên tính từ ngày có bằng tốt nghiệp đại học theo các chuyên ngành nói trên; có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá do cơ quan, tổ chức có chức năng đào tạo chuyên ngành thẩm định giá cấp theo quy định của Bộ Tài chính, trừ các trường hợp: Người đã có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học trong nước hoặc nước ngoài về chuyên ngành vật giá, thẩm định giá; Người đã có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ngành kinh tế, kinh tế - kỹ thuật, kỹ thuật, luật liên quan đến nghiệp vụ thẩm định giá và đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành thẩm định giá.

Hướng dẫn cụ thể các quy định

Nhằm sớm đưa các quy định của về thẩm định giá vào cuộc sống, ngày ngày 28/3/2014 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 38/2014/TT-BTC về việc hướng dẫn một số điều của Nghị định 89/2013/NĐ-CP ngày 6/8/2013 của Chính phủ. Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2014, Thông tư 38/2014/TT-BTC thay thế Thông tư số 17/2006/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 101/2005/NĐ-CP của Chính phủ về thẩm định giá.

Thẩm định viên về giá cần có thời gian công tác thực tế theo chuyên ngành đào tạo từ 36 tháng trở lên tính từ ngày có bằng tốt nghiệp đại học theo các chuyên ngành nói trên; có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá do cơ quan, tổ chức có chức năng đào tạo chuyên ngành thẩm định giá cấp theo quy định của Bộ Tài chính.

Về điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, Thông tư quy định, trong quá trình hoạt động, DN thẩm định giá phải duy trì và đảm bảo các điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; không sửa chữa, tẩy xóa nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; không cho thuê, cho mượn, cầm cố, mua bán, chuyển nhượng và sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá vào các mục đích khác mà pháp luật cấm hoặc không quy định...

Đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, trích lập và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp, DN thẩm định giá phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thẩm định giá hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp để tạo nguồn chi trả bồi thường thiệt hại (nếu có) do DN thẩm định giá gây ra cho người sử dụng kết quả thẩm định giá.

DN thẩm định giá được mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thẩm định giá của tổ chức kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoạt động ở Việt Nam chưa cung cấp dịch vụ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thẩm định giá, DN thẩm định giá có thể được mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thẩm định giá của DN bảo hiểm ở nước ngoài theo quy định của pháp luật. Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thẩm định giá của DN bảo hiểm ở nước ngoài phải được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về kinh doanh bảo hiểm.

Chi phí mua bảo hiểm được tính vào chi phí kinh doanh của DN thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập DN. Trường hợp DN thẩm định giá không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thẩm định giá thì phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp với mức trích tối thiểu hàng năm là 1% trên doanh thu dịch vụ thẩm định giá (doanh thu không có thuế giá trị gia tăng), được hạch toán như trường hợp trích lập dự phòng phải trả và được tính vào chi phí kinh doanh theo quy định của pháp luật; Khi quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp có số dư cuối năm tài chính tương đương 10% doanh thu về dịch vụ thẩm định giá của năm tài chính thì không tiếp tục trích quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp cho năm đó. Nếu đến cuối năm tài chính DN không sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp thì DN thực hiện hoàn nhập số dư quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp và sang năm tài chính tiếp theo lại thực hiện trích lập. Trường hợp DN chấm dứt hoạt động thẩm định giá, DN phải thực hiện hoàn nhập khoản chi phí dự phòng rủi ro nghề nghiệp đã trích và thực hiện nộp thuế thu nhập DN theo quy định.

Khi phải bồi thường thiệt hại do DN thẩm định giá gây ra cho người sử dụng kết quả thẩm định giá thì DN thẩm định giá được tổ chức kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoạt động ở Việt Nam bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm đã cam kết. DN thẩm định giá không mua bảo hiểm thì sử dụng quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp để bồi thường thiệt hại; Nếu số tiền phải chi trả bồi thường lớn hơn số tiền được bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm hoặc lớn hơn quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp của DN thì phần thiếu sẽ được tính vào chi phí kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng quy định, công khai trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính danh sách các DN thẩm định giá, chi nhánh DN thẩm định giá đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá và thẩm định viên về giá đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá; Danh sách các DN thẩm định giá, chi nhánh DN thẩm định giá bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá hoặc bị cảnh báo về điều kiện kinh doanh trong thời gian DN thẩm định giá, chi nhánh DN thẩm định giá không đảm bảo điều kiện hành nghề thẩm định giá theo quy định.

Thông tư 38/2014/TT-BTC: Hiện thực hóa các quy định về thẩm định giá

TS. LƯU ĐỨC TUYÊN

(Tài chính) Sau khi Luật Giá được ban hành, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá với các nội dung đã được quy định trong Luật Giá. Ngày 28/3/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 38/2014/TT-BTC với những hướng dẫn, quy định cụ thể Luật và Nghị định trên.

Xem thêm

Video nổi bật