Thông tư số 134/2017/TT-BTC đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư
Việc áp dụng Thông tư số 134/2017/TT-BTC từ ngày 01/3/2018 được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển một cách ổn định và bền vững của tất cả các thành viên tham gia thị trường nói riêng và cho thị trường chứng khoán (TTCK) nói chung.
Thông tư số 134/2017/TT-BTC ra đời và thay thế cho Thông tư số 87/2013/TT-BTC là một sự thay đổi toàn diện và đi vào thực chất dựa trên cơ sở lợi ích của nhà đầu tư, thị thường và có lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa thành viên tham gia thị trường cũng như sự chọn lựa của nhà đầu tư.
Việc áp dụng Thông tư số 134/2017/TT-BTC từ ngày 01/3/2018 được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển một cách ổn định và bền vững của tất cả các thành viên tham gia thị trường nói riêng và cho TTCK nói chung. Thông qua việc thúc đẩy các khâu từ hệ thống chính sách quản lý, quy trình và cách tổ chức vận hành, đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về áp dụng các tiêu chuẩn công nghệ kỹ thuật tiên tiến vào các khâu vận hành và giao dịch mà vẫn đảm bảo tính linh hoạt trong việc chọn lựa triển khai đối với từng thành viên.
Mặt khác, Thông tư số 134/2017/TT-BTC cũng đảm bảo quyền lợi tối đa của nhà đầu tư tham gia giao dịch điện tử, bằng các quy định gắn các yếu tố xác thực lên từng giao dịch điện tử, bằng việc yêu cầu công bố các yếu tố rủi ro, phạm vi trách nhiệm của những đơn vị cung cấp dịch vụ, bằng việc yêu cầu thông báo tức thời trạng thái giao dịch của nhà đầu tư cũng như các các thông tin số dư, hạn mức trong các lưu trữ tra cứu.
Về cơ bản, những điều này tạo nên tính minh bạch, an toàn cho các giao dịch tài chính của khách hàng, giảm thiểu rủi ro từ việc lạm dụng tài sản của khách hàng hoặc thực hiện giao dịch mạo danh mà khách hàng không để ý hoặc không thể biết.
Đồng thời, những điều khoản được quy định trong Thông tư sẽ tạo ra những thay đổi về mặt quy trình, cơ chế kiểm soát thay đổi, các nguyên tắc thông tin, báo cáo, những thay đổi lớn về tính năng của hệ thống front, và chính sách rà soát an toàn bảo mật đối với những giao dịch điện tử. Những thay đổi này là những tiêu chuẩn nền tảng để hướng đến một cấp độ trưởng thành mới với một hệ thống hoạt động giao dịch ổn định, an toàn, ít rủi ro, điều mà các TTCK luôn hướng đến.
Thông tư số 134/2017/TT-BTC cũng có những điều khoản quy định cả trách nhiệm và nguyên tắc hoạt động của không chỉ nhà đầu tư hay CTCK mà còn áp dụng cho cả các đơn vị vận hành thị trường như Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán... tạo nên một môi trường mang tính công bằng không phân biệt đối xử giữa các thành viên.
Nhìn chung, Thông tư số 134/2017/TT-BTC sẽ mang thêm sự chọn lựa, an toàn hơn, giảm thiểu rủi ro trong giao dịch, tăng cường minh bạch, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu khi tham gia thị trường.
Thông tư số 134/2017/TT-BTC cũng giúp tất cả các thành viên cung cấp dịch vụ có một hệ thống ở một chuẩn mực cao hơn không chỉ về hệ thống công nghệ, mà còn về con người, về quy trình quản lý, từ đó giúp chính các thành viên này nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường tính ổn định, bền vững của chính mình và thị trường.
Thông tư số 134/2017/TT-BTC cũng đem đến những cơ chế thực tiễn và hiệu quả hơn trong công tác vận hành, theo dõi giám sát và điều tiết hoạt động cung cấp dịch vụ của TTCK - nơi chất lượng dịch vụ và sự ổn định của các thành viên tạo nên chất lượng và sự ổn định của thị trường.
Bên cạnh những lợi ích rõ ràng mà Thông tư số 134/2017/TT-BTC mang lại, những điều khoản yêu cầu của Thông tư số 134/2017/TT-BTC đòi hỏi các thành viên tham gia thị trường phải triển khai những thay đổi ở diện rộng bao gồm con người, quy trình, đặc biệt là về phần mềm - kỹ thuật - hạ tầng, thậm chí cả truyền thông. Những thay đổi này đòi hỏi thời gian, sự tập trung cũng như phối hợp nhiều nguồn lực con người ở các bộ phận khác nhau để hoàn thành.
Các công ty cung cấp giải pháp giao dịch điện tử luôn đưa ra những cam kết điều chỉnh phần mềm miễn phí và đồng bộ, đáp ứng thay đổi theo yêu cầu của quy định thị trường.
Đây là một thuận lợi cho những công ty như BVSC, nhưng cũng là một khó khăn đối với những thành viên sử dụng những giải pháp tự phát triển và có ít nguồn lực để thực hiện thay đổi hệ thống khi mà thời gian chỉ có 06 tháng để thực hiện điều chỉnh theo yêu cầu của Thông tư.
Bên cạnh đó, sự triển khai không đồng loạt hay sự “chậm hoặc lách” tuân thủ quy định pháp luật, có thể bắt nguồn từ sự khác biệt về trình độ phát triển hoặc từ chiến lược kinh doanh riêng của một số thành viên, sẽ tạo nên sự thiệt thòi về cơ hội kinh doanh, thậm chí cả về doanh thu thực tế đối với những thành viên tuân thủ một cách nghiêm túc (ví dụ như một số thành viên cho khách hàng giao dịch qua hình thức xác thực đơn giản nhưng không an toàn để thu hút khách hàng, các thành viên khác do đó có thể bị mất khách hàng hoặc giảm giao dịch do việc xác thực nghiêm túc đầy đủ sẽ tốn nhiều thao tác hơn...).
Việc áp dụng Thông tư số 134/2017/TT-BTC vào thực tiễn là một bước tiến rất lớn trong việc tạo ra một nền tảng hệ thống hoạt động ổn định, an toàn và bền vững. Nhưng chìa khóa cho việc phát huy hiệu quả thực tiễn nằm ở việc áp dụng đồng loạt, nghiêm túc, quyết liệt và đại trà, đặc biệt ở quy mô toàn bộ các CTCK và các SGDCK, TTLKCK.
Thực tế cho thấy việc giám sát, hỗ trợ thi hành của cơ quan quản lý đóng vai trò đặc biệt quan trọng để Thông tư số 134/2017/TT-BTC có thể phát huy tối đa hiệu quả và đạt mục tiêu mà Thông tư này hướng đến.
Tôi rất mong cơ quan quản lý có thêm những nội dung truyền thông ở cấp lãnh đạo điều hành của các thành viên để toàn bộ thành viên thị trường có thể nắm bắt được mục đích, ý nghĩa của việc triển khai thông tư là vì quyền lợi, lợi ích, sự an toàn của khách hàng, của chính các thành viên và TTCK để việc áp dụng những quy định tại Thông tư số 134/2017/TT-BTC vào thực tế được nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Tôi cũng mong muốn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với vai trò và chức năng của mình, tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản liên quan để góp phần định hướng và đảm bảo tính tuân thủ một cách tốt nhất.