Thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới: Chờ đến tháng 7?

Theo Hanoimoi.com.vn

Sau 29 phiên tổ chức đấu thầu, đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cung ứng ra thị trường hơn 28 tấn vàng. Nguồn cung không còn căng thẳng, khiến giá vàng duy trì ổn định hơn hai tháng nay. Tuy nhiên, tốc độ tăng, giảm của giá vàng trong nước không còn theo sau giá thế giới mà vẫn tự điều tiết theo cung - cầu thị trường…

Nguồn cung không còn căng thẳng, khiến giá vàng duy trì ổn định hơn hai tháng nay. Nguồn: tuoitre.vn
Nguồn cung không còn căng thẳng, khiến giá vàng duy trì ổn định hơn hai tháng nay. Nguồn: tuoitre.vn
Cuối tháng 3, trước và sau phiên đấu thầu vàng đầu tiên, chênh lệch giá vàng giữa thị trường trong nước và thế giới ở ngưỡng 7 triệu đồng/lượng. Thời điểm đó, giá vàng trong nước ở ngưỡng gần 44 triệu đồng/lượng, bất chấp giá thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt.

Sự kỳ vọng quá lớn vào vàng, niềm tin của giới đầu tư với những kênh khác không còn đã khiến họ tìm đến vàng để bảo toàn vốn và vàng lại trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn. Một số nhà đầu tư lao vào tìm kiếm lợi nhuận từ vàng, nhiều người dân chỉ đơn thuần mua vàng để tích lũy. Giá vàng nhờ thế cứ nới dần khoảng cách với thế giới.

Nếu như thời kỳ đầu, khoảng cách 1 triệu đồng/ lượng giữa hai thị trường cũng đủ để người ta đặt dấu hỏi thì mức chênh 5 triệu đồng/ lượng, thậm chí là 7 triệu đồng/ lượng càng khiến cho người ta "lao" vào vàng. Chênh lệch giá lập hết kỷ lục này đến kỷ lục khác kể từ trước đến nay, nhưng khoảng cách 7 triệu đồng/lượng thì khó có thể tưởng tượng.

"Cơn sốt" vàng của người dân, cũng như giới đầu tư đã khiến những phiên đấu thầu đầu tiên của NHNN chẳng khác gì "muối bỏ biển", bởi không thỏa mãn được nhu cầu trước mắt về vàng. Bởi thế, ở phiên đấu giá cuối tháng 3 và đầu tháng 4, người mua vàng giống như những kẻ "khát nước" trong khi nguồn cung chỉ được coi là nhỏ giọt nên càng khát. Không chỉ có nhà đầu tư, người dân, bản thân các ngân hàng cũng "khát". Thời hạn tất toán vàng theo quy định đến gần đẩy các ngân hàng vào thế không thể không gom vàng. Vẫn biết khoảng cách về giá vàng giữa hai thị trường càng ngày càng bị nới rộng, nhưng hầu hết người mua vẫn phải chấp nhận.

Tuy nhiên, sau nhiều ngày duy trì ở mức cao, giá vàng cũng dần hạ nhiệt, có thời điểm mức chênh lệch còn khoảng 3 triệu đồng/ lượng. Từ 7 triệu đồng/lượng, rút xuống 5 triệu đồng/lượng rồi 3 triệu đồng/lượng đủ để người ta "mơ" về khoảng chênh chỉ còn 1 triệu đồng/lượng. Song, với những ai am hiểu thị trường này thì đó chỉ là kỳ vọng. Chênh lệch của giá vàng xuống 3 triệu đồng/lượng trong một thời gian ngắn đã vội lấy lại biên độ khi nới mức chênh trở lại ngưỡng 5 triệu đồng/lượng.

Thực tế, thời gian qua, giá vàng thế giới biến động nhanh và quá mạnh, giá trong nước đã không thể tuân theo những quy luật của thị trường thế giới. Nếu như cách đây vài năm, khi giá thế giới tăng thì trong nước tăng và ngược lại, thì giờ đây, sự biến động quá nhanh của thế giới không mấy tác động đến trong nước. Thời điểm giá vàng thế giới từ hơn 1.500 USD/ ounce xuống khoảng 1.400 USD/ ounce không giúp cho thị trường trong nước điều chỉnh theo. Cầu vẫn lớn trong khi nguồn cung chưa đủ đáp ứng dẫn đến khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới vẫn là 5 triệu đồng/lượng.

Theo lãnh đạo NHNN, thực hiện đấu thầu vàng trước hết là nhằm tăng cung, qua đó giảm bớt áp lực về cầu, tránh những xáo trộn khó lường trên thị trường, ngăn tác động tiêu cực tới tỷ giá, kinh tế vĩ mô. Nhìn một cách tổng thể, các mục tiêu này đã đạt được. Nếu không tăng cung, với nhu cầu rất lớn như vậy, hoạt động trên thị trường vàng sẽ bất ổn. Tuy nhiên, chênh lệch giá vẫn còn lớn do nhu cầu của thị trường rất lớn, không dễ thỏa mãn trong thời gian ngắn. Đại diện NHNN khẳng định sẽ không bình ổn giá, không bao cấp về giá khi bán vàng ra thị trường, cũng không thể ngay lập tức thu hẹp chênh lệch, mà chủ yếu tăng cung để giảm áp lực về cầu.

Trong những nhu cầu về vàng, nhu cầu mua để tất toán của các tổ chức tín dụng cũng gây áp lực không nhỏ với thị trường. Nếu không mua được từ NHNN, các tổ chức tín dụng vẫn phải mua khiến thị trường càng thêm căng thẳng. Về nguyên tắc, NHNN có thể trực tiếp bán cho các ngân hàng để hỗ trợ thực hiện việc tất toán, nhưng tổ chức các phiên đấu thầu để bảo đảm bán ra công khai, minh bạch. Tham gia đấu thầu không chỉ có ngân hàng mà còn là doanh nghiệp. Với số vàng mua được, một phần họ dùng để tất toán hợp đồng cũ, phần khác đưa ra lưu thông. Đây là lý do giúp thị trường vàng và ngoại tệ thời gian qua không xáo trộn.

Thời hạn tất toán vàng (ngày 30-6) của tổ chức tín dụng đang đến gần. Theo các chuyên gia, sau thời hạn này, tức là kể từ tháng 7, giá vàng có khả năng giảm mạnh, do thị trường không còn chịu áp lực bởi việc thu gom của các tổ chức tín dụng. Nhà đầu tư có thể hy vọng khoảng cách giá trong nước và thế giới sẽ được rút ngắn về mức hợp lý hơn.