Thu hồi toàn bộ nhà công vụ sử dụng sai mục đích
Chính phủ yêu cầu thu hồi toàn bộ nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, giao cho cựu quan chức nhưng hết thời gian được sử dụng theo quy định.
Trong chương trình tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 ban hành trong thời gian tới, Chính phủ đưa ra hàng loạt mục tiêu chiến lược.
Đối với lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả sử dụng nhà ở công vụ. Thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, giao cho quan chức, cựu quan chức sử dụng không đúng tiêu chuẩn, hoặc hết thời hạn được sử dụng nhà ở công vụ theo quy định.
Đầu năm 2020, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã ký loạt thông báo gửi 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ sau nhiều lần thúc giục.
Hầu hết 12 cựu quan chức nêu trên đều có hệ số phụ cấp chức vụ khi đang công tác từ 1,3 trở lên, đảm nhận chức danh thứ trưởng hoặc chức danh tương đương hàm thứ trưởng, có tiêu chuẩn thuê căn hộ nhà ở công vụ tại đô thị là căn hộ loại 2, diện tích sử dụng từ 100-115m2. Tuy nhiên, nhiều người trong số này đã về hưu 2 - 3 năm, không có nhu cầu ở nhà công vụ nhưng vẫn "chây ì" không bàn giao lại nhà công vụ của Nhà nước.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ThS. Nguyễn Hữu Trí - Chuyên gia kinh tế cho rằng, Điều 84 Luật Nhà ở 2014 quy định rõ trường hợp không bàn giao lại nhà ở công vụ thì cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở thực hiện cưỡng chế thu hồi và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế thu hồi nhà ở này trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi.
Ông Trí cũng thừa nhận, việc áp dụng này trên thực tế rất khó khăn do cán bộ công chức được bố trí nhà có chức vụ quyền hạn nên còn nhiều nể nang. Do vậy, cần cụ thể hoá hành vi và có chế tài là điều cần thiết nếu cơ quan chức năng tiến hành sửa luật hoặc ban hành văn bản dưới luật.
Để giải quyết vấn đề trên cần thiết có 1 công ty được giao quản lý cho thuê nhà công vụ. Việc thuê nhà này sẽ được nhà nước hỗ trợ tiền thuê từ ngân sách. Việc một công ty đứng ra quản lý cho thuê nhà công vụ cũng sẽ giảm được tình trạng nhà công vụ bị sử dụng không đúng mục đích, nhiều ngôi nhà bị bỏ trống, hoặc cho thuê với giá rẻ. Khi thôi nhiệm vụ, việc doanh nghiệp quản lý nhà sẽ đòi dễ hơn, khắc phục được tình trạng nể nang giữa những người tiền nhiệm, kế nhiệm.
Ngoài ra, có thể thu hồi một số nhà ở công vụ riêng lẻ, tập trung xây dựng những khu nhà ở công vụ riêng biệt cho các cơ quan Trung ương đảm bảo quy mô, chất lượng nhà ở công vụ và các yêu cầu về an ninh, an toàn, cảnh quan môi trường cho người sử dụng nhà ở công vụ.
Hạn chế việc phát triển nhà ở công vụ tại các thành phố lớn. Chỉ nên tập trung duy trì nhà ở công vụ cho các địa phương vùng sâu, vùng xa để thu hút, động viên cán bộ về công tác, hoặc dành cho lực lượng vũ trang, giáo viên về đây làm việc...
“Để có lý có tình, cán bộ cấp cao trả nhà công vụ khi còn khó khăn về nhà ở, chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình sẽ được tạo điều kiện được thuê, mua nhà ở xã hội với mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực” – ông Trí đề xuất.