Thu hút đầu tư góp phần đưa Gia Lai vươn xa
Để có thành quả như hôm nay, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước thì Gia Lai đã đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư và khai thác có hiệu quả tiềm năng nội tại.
Nhiều chính sách thu hút đầu tư
Xác định nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư là bước đột phá quan trọng, tạo đà cho sự phát triển, tỉnh đã tổ chức nhiều hình thức kêu gọi, xúc tiến đầu tư.
Ông Nguyễn Hữu Quế - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Từ năm 2003 đến nay, UBND tỉnh Gia Lai đã liên tục tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư trực tiếp tại tỉnh, ở các thành phố lớn và cả nước ngoài. Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, tỉnh đã đổi mới công tác tổ chức kêu gọi, thu hút đầu tư bằng hình thức trực tuyến, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thông qua các hoạt động truyền thông. Nhờ vậy mà thông tin, hình ảnh của Gia Lai được các doanh nghiệp trong và ngoài nước biết đến rộng rãi hơn, số lượng đối tác, doanh nghiệp nước ngoài theo đó cũng đến tỉnh tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư ngày càng gia tăng.
Những năm gần đây, tỉnh Gia Lai đã định hướng đầu tư vào một số lĩnh vực trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, đồng thời chú trọng thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn đứng đầu các chuỗi sản xuất, đối tác có công nghệ cao đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu; phối hợp với các tổ chức đầu tư trong và ngoài nước nhằm trao đổi kinh nghiệm, kết nối hỗ trợ xúc tiến đầu tư; phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư kết hợp với xúc tiến thương mại, khuyến công, du lịch.
Nói về cơ hội đầu tư tại Gia Lai, ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Shinec Hải Phòng đánh giá: “Tôi vô cùng ấn tượng với cách tổ chức, triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư của Gia Lai. Không chỉ triển khai tại tỉnh mà còn tích cực tham dự các hội nghị do các tỉnh, thành tổ chức. Buổi tọa đàm xúc tiến đầu tư tại Vĩnh Phúc là một ví dụ. Qua đó, chúng tôi đã có dự án đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông sản tại Gia Lai. Chúng tôi cũng đã giới thiệu một số doanh nghiệp về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để họ tranh thủ cơ hội đầu tư”.
Là cơ quan đầu mối triển khai nhiều hoạt động để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư, ông Lê Tiến Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết: “Sở Kế hoạch và Đầu tư luôn đặt mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp lên hàng đầu, hỗ trợ nhà đầu tư trong các thủ tục hành chính như: tư vấn thủ tục đầu tư miễn phí, cấp phép trong thời gian nhanh nhất, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, hướng dẫn trình tự thực hiện các quy trình cũng như tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhanh chóng, tránh gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Ngoài ra, Sở chủ động giảm 20% chi phí dịch vụ công để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp trên địa bàn. Các tổ công tác xúc tiến đầu tư tại 17 huyện, thị xã, thành phố cũng đã được thành lập để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư ngay tại cơ sở”.
"Quả ngọt” đầu tư
Sau Hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư lần đầu tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3/2003, tỉnh Gia Lai liên tiếp tổ chức các hội nghị, hội thảo như: Hội nghị xúc tiến đầu tư Gia Lai năm 2016; Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh năm 2018; Hội nghị xúc tiến đầu tư do Trường Đại học Tôn Đức Thắng phối hợp với tỉnh tổ chức vào tháng 11/2018; Hội thảo “Kiến tạo các chuỗi giá trị quan trọng cho hai nền kinh tế Việt Nam và Australia” tổ chức tại Gia Lai tháng 4/2018; Tọa đàm kết nối nhà đầu tư vào tỉnh Gia Lai tại TP. Hồ Chí Minh năm 2019; Tọa đàm kết nối đầu tư vào tỉnh Gia Lai tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc năm 2020… Nhờ đó, Gia Lai đã đón những “làn sóng” đầu tư với nhiều dự án quan trọng. Nếu trước năm 2015, số dự án đầu tư được triển khai trên địa bàn tỉnh chưa đáng kể thì giai đoạn 2016-2020, số lượng này đã tăng lên gần 520 dự án với tổng vốn đăng ký gần 833.000 tỷ đồng.
Năm 2021 được xem là năm thành công rực rỡ khi tỉnh đã kêu gọi được gần 250 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 64 dự án được UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 25.000 tỷ đồng. Trong số các nhà đầu tư vào tỉnh, có nhiều doanh nghiệp lớn được ví như những “cánh chim đầu đàn” của Việt Nam như: Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty cổ phần Nafood, Công ty cổ phần Nông nghiệp Trường Hải, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Ricky Farm 79, De Heus Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Tuân-Quản lý Dự án chăn nuôi bò thịt An Trung (Công ty cổ phần Diên Hồng Gia Lai) nhận xét: “Gia Lai có tiềm năng lớn để phát triển chăn nuôi. Sau 3 năm đi vào hoạt động, chúng tôi đã cung cấp ra thị trường hơn 20.000 con bò thịt chất lượng cao. Chúng tôi đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy chế biến thức ăn gia súc để tận dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương”. Được biết, ở lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh đã thu hút gần 200 dự án, trong đó có nhiều dự án được đầu tư bởi những doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Trung Tây Nguyên, Công ty cổ phần Diên Hồng Gia Lai, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Ricky Farm 79, De Heus Việt Nam.
Bên cạnh tiềm năng về nông nghiệp, Gia Lai nổi lên như “thủ phủ” mới của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Tính đến nay, tỉnh đã có trên 150 dự án điện gió và điện mặt trời đăng ký đầu tư với tổng công suất hơn 23.553 MW, trong đó có trên 100 dự án điện gió được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng công suất 1.242 MW, tổng vốn hơn 43.000 tỷ đồng. Năm 2021, có 11 dự án điện gió với tổng công suất 563 MW đi vào vận hành thương mại (toàn phần và một phần), đứng đầu cả nước về số lượng dự án đạt tiến độ. Cùng với công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, chăn nuôi công nghệ cao thì trồng rừng, du lịch cũng là những lĩnh vực mà tỉnh đang nỗ lực kêu gọi đầu tư.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế cho biết thêm: Mặc dù trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn nhưng Gia Lai quyết tâm thu hút cũng như đồng hành cùng các nhà đầu tư để khai thác hiệu quả tiềm năng, dư địa mà tỉnh đang có. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho các nhà đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái.