Cà Mau khai thác lợi thế để thu hút đầu tư
Tập trung nguồn lực để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển các thành phần kinh tế, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh... Ðây là những quan điểm, định hướng quan trọng của tỉnh Cà Mau tầm nhìn đến năm 2030.
Khai thác tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư, tỉnh Cà Mau chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư khai thác các dự án hiệu quả nhất. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào địa bàn, góp phần tăng thu ngân sách, tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Nhiều thế mạnh
Cà Mau nằm ở cực Nam của Việt Nam, có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển là 254 km; là một trong những ngư trường đánh bắt thuỷ sản lớn nhất Việt Nam, có tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế biển, nuôi thuỷ sản và du lịch sinh thái với trên 100.000 ha rừng tràm, rừng đước ngập nước đặc trưng đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Với vị trí địa lý thuận lợi, Cà Mau có tiềm năng phát triển kinh tế toàn diện, đặc biệt là kinh tế thuỷ sản, du lịch sinh thái và du lịch biển đảo.
Về thuỷ sản, Cà Mau có diện tích ngư trường trên 70.000 km2, đội tàu trên 5.500 chiếc, sản lượng thuỷ sản khai thác và nuôi đạt trên 550.000 tấn/năm. Thuỷ sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, được quy hoạch trở thành trung tâm nuôi, đánh bắt và chế biến thuỷ sản. Các mặt hàng thuỷ sản của tỉnh đã có mặt trên 60 quốc gia, trong đó có những thị trường khó tính, như Nhật Bản, Mỹ và EU.
Công nghiệp chế biến thuỷ sản, sản xuất điện là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp chế biến thuỷ sản hàng đầu cả nước, hiện tại tỉnh là 1 trong 3 trung tâm điện lực và năng lượng lớn của ÐBSCL, có lợi thế phát triển công nghiệp cảng, dịch vụ vận tải, xuất nhập khẩu do có 3 mặt giáp biển.
Ông Phan Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư, nhận định, Cà Mau là 1 trong 4 tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm của vùng ÐBSCL. Vùng biển Cà Mau rộng trên 71.000 km2, tiếp giáp với vùng biển Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Cà Mau có nhiều cơ hội để phát huy các tiềm năng, thế mạnh cũng như cơ hội kết nối giao thương với các nước trên thế giới.
Cùng với vị trí địa lý, sản vật, nguồn tài nguyên phong phú thì cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến nhiều cơ hội cho DN tỉnh Cà Mau, thúc đẩy năng lực sáng tạo của DN trong sản xuất, tăng năng suất, giảm chi phí giao thông, thông tin, thương mại, dịch vụ hậu cần và chuỗi cung ứng sẽ trở nên hiệu quả hơn; DN sẽ tiếp cận được với các công nghệ thông minh, hiện đại nhờ ứng dụng công nghệ cao giúp nâng cao hiệu quả quản trị nhân lực, tài chính, vốn chính xác và kịp thời; giúp việc kết nối giữa các DN với đối tác nước ngoài trở nên đơn giản.
Môi trường đầu tư lành mạnh, thông thoáng và hiệu quả
Ông Lê Tuấn Hải - Chủ tịch UBND TP. Cà Mau, thông tin, nhằm thực hiện hiệu quả việc thu hút đầu tư, phát triển TP. Cà Mau thành đô thị động lực thực chất, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng.
Ðể đáp ứng với yêu cầu phát triển thành phố, hiện nay Sở Xây dựng phối hợp với TP Cà Mau triển khai nhiều chương trình phát triển đô thị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu rà soát quy hoạch đô thị, xác định nhu cầu đầu tư cần tăng thêm để thành phố đạt tiêu chí đô thị loại I.
Ðồng thời, để xây dựng TP. Cà Mau đồng bộ về hạ tầng, phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt hoặc triển khai lập các quy hoạch, đề án quan trọng như quy hoạch thoát nước trên địa bàn thành phố; ngầm hoá các công trình hạ tầng, kỹ thuật; kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn, đề án di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường...
Ông Phan Hoàng Vũ chia sẻ, trên cơ sở nhìn nhận thực tế của địa phương, cũng như những mục tiêu quan trọng, tỉnh đưa ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Những nhóm giải pháp này được cụ thể hoá tại Ðề án Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, địa phương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, tập trung vào các giải pháp rút ngắn chi phí, thời gian thực hiện thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản DN; nâng cao chất lượng quản lý hành chính đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin, chất lượng đào tạo nghề và hỗ trợ khởi nghiệp; tăng cường kiểm soát nhũng nhiễu; đẩy mạnh các giao dịch trực tuyến.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, rà soát, đề xuất giải quyết các bất cập do quy định chưa cụ thể, gây mâu thuẫn về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường. Thực hiện tích hợp các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.
Thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QÐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; xây dựng và triển khai Chương trình Hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, sẽ tập trung thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử. Ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hoá quy trình, thủ tục. Huy động sự tham gia, đóng góp của DN và người dân vào xây dựng chính quyền; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Chú trọng hỗ trợ người dân và DN phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.
"Ðối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh, địa phương tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính và minh bạch thông tin, nâng cao tính hiệu quả trong tiếp cận tín dụng và đất đai. Triển khai hiệu quả dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong gia nhập thị trường, hỗ trợ xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư và mở rộng thị trường", ông Vũ cho biết thêm.
Năm 2021, tỉnh Cà Mau đã thu hút 37 dự án đầu tư, với quy mô vốn đăng ký trên 12,8 ngàn tỷ đồng (có 1 dự án FDI với số vốn đăng ký 99 tỷ đồng), lĩnh vực đầu tư phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh (chế biến thuỷ sản, nhà ở, năng lượng tái tạo, dịch vụ…).
Ðã cấp 430 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 5.760,3 tỷ đồng (số lượng doanh nghiệp giảm nhưng tổng vốn đăng ký tăng 30% so với cùng kỳ).
Một số dự án giao thông quan trọng đã được hoàn thành: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 63, đoạn qua nội ô TP Cà Mau; tuyến đường trục chính Ðông - Tây, đoạn Ðầm Dơi - Tân Thuận...