Thu hút FDI - động lực phát triển kinh tế 2015
(Tài chính) Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới. Xu hướng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) không còn tập trung ở các dự án mới mà đang hướng đến việc mua lại và sáp nhập tại các ngành then chốt. Việt Nam cũng đang đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do với các nền kinh tế lớn và sẽ tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Đây là những yếu tố căn bản để Việt Nam thu hút mạnh mẽ đầu tư FDI.
Những năm gần đây, doanh nghiệp FDI đã có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng xuất khẩu. Năm 2014, khu vực doanh nghiệp FDI tiếp tục giữ vị trí cao trong việc tạo giá trị và tăng trưởng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI năm 2014 ước đạt 101,8 tỷ USD, tăng 15,4% so năm 2013 và chiếm 67,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Đạt được kết quả này là do Việt Nam luôn coi trọng nguồn vốn FDI, coi đây như nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều giải pháp nhằm thu hút, quản lý và nâng cao hiệu quả nguồn vốn FDI. Chính phủ đã đưa ra mục tiêu, định hướng thu hút, quản lý nguồn vốn FDI cho cả giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn FDI sao cho phù hợp định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020 theo hướng khuyến khích các ngành kinh tế có vốn FDI phát triển theo quy hoạch; ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai; tập trung thu hút vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp... Nhiều chuyên gia cho rằng, dòng vốn đầu tư nước ngoài giữ nhịp tăng trưởng cũng thể hiện sự ổn định đầu tư vào Việt Nam ngay bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong khu vực, thế giới còn khó khăn, và dường như các nhà đầu tư đã có niềm tin hơn với môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Tuy nhiên thời gian tới, Việt Nam cần coi thu hút FDI như một động lực quan trọng và đang vận hành tốt trong phát triển kinh tế, cũng như các chính sách nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại, hiện nay, đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì cần lưu ý hiện tượng có khá nhiều doanh nghiệp nhỏ đã được cấp phép trong khi Việt Nam cần coi trọng hơn chất lượng FDI. Nếu không quy định minh bạch và công khai một số điều kiện thành lập doanh nghiệp FDI mà áp dụng không ghi ngành nghề kinh doanh, không quy định vốn tối thiểu từng ngành, lĩnh vực thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Hiện khoảng 15.000 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang phải đối mặt với chất lượng đội ngũ công chức không được như mong muốn. Chính phủ sau khi cải cách thể chế tốt thì có thể quan tâm đến bộ máy công chức để giảm phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, định hướng thu hút FDI trong thời gian tới sẽ tập trung cho các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và nông lâm ngư; các hoạt động sản xuất ở chuỗi giá trị cao hơn trong mạng sản xuất toàn cầu và khu vực để bù đắp thiếu hụt đầu tư do sự dịch chuyển FDI từ Việt Nam sang các nước có chi phí lao động thấp hơn. Đối với các dự án khai thác tài nguyên chỉ cấp phép cho các dự án chế biến sâu, với công nghệ máy móc thiết bị hiện đại và có phương án xứ lý môi trường; hạn chế các dự án thâm dụng lao động mà không đòi hỏi công nghệ, giá trị gia tăng thấp. Đồng thời thu hút các dự án vào các ngành sản xuất đầu vào trung gian, các dự án dịch vụ trung gian và dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Trong đó, quan trọng là thu hút FDI vào ngành công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, chăm sóc tốt các nhà đầu tư hiện hữu tại Việt Nam và cải thiện hơn nữa hình ảnh trong cộng đồng các nhà đầu tư hiện hữu. Đây sẽ là kênh quảng bá cực kỳ quan trọng đến cộng đồng đầu tư nước ngoài.
Đầu tư nước ngoài rõ ràng là một nguồn rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Để tận dụng tốt những lợi thế này, Việt Nam cần đơn giản hóa và đẩy nhanh các thủ tục về đầu tư, hải quan… Mặt khác, cần có những luật, giải pháp giúp bảo đảm được các quy trình làm thủ tục nhanh gọn và đồng bộ hơn từ cấp Trung ương đến địa phương; có sự phối hợp giữa các bộ, ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính... để đơn giản hóa tối đa các thủ tục cho doanh nghiệp. Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: “Việt Nam đã làm hết mình để tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất, hấp dẫn các nhà đầu tư vào Việt Nam”.