Thu hút tư nhân đầu tư vào các dự án giao thông
(Tài chính) Trong bối cảnh nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông rất lớn nhưng đầu tư công cắt giảm, vốn ngân sách không đáp ứng đủ, việc tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư tư nhân đang được đẩy mạnh.
Cùng với sự năng động của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, cũng xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy và thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn xã hội vào lĩnh vực hạ tầng giao thông. Trong khi năng lực tài chính của doanh nghiệp chưa mạnh, ít kinh nghiệm đầu tư, quản lý, khai thác các dự án thì vai trò của quản lý, cải cách thể chế có sức hấp dẫn, tạo đà. Nhất là trong năm 2015, ngành giao thông xác định trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, Chính phủ cắt giảm đầu tư công, nên việc tìm ra giải pháp phù hợp thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn xã hội là thực sự cần thiết. Để thực hiện mục tiêu này, mức phí cần phải được xây dựng hấp dẫn, tránh rủi ro cho nhà đầu tư. Theo phân tích của Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (PPP), Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Danh Huy, một dự án khi kêu gọi đầu tư phải khả thi về tài chính, dự án phải vay được vốn ngân hàng. Để đạt được yếu tố đó, trước hết, dự án phải có mức phí hợp lý, có chính sách điều chỉnh giá phí so với trượt giá của đồng tiền và thông lệ thế giới. Chính sách phí phải rõ ràng, không có rủi ro mới thu hút được đầu tư tư nhân.
Về lâu dài, việc hoàn thiện thể chế, chính sách là yêu cầu quan trọng nhất, là cơ sở để nhà đầu tư không ngập ngừng khi quyết định đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông. Theo Cục trưởng Cục Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Văn Tăng, muốn thu hút vốn đầu tư vào các công trình giao thông thì quan trọng là khuôn khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch. Nếu không nhà đầu tư sẽ e ngại còn cơ quan nhà nước thì không biết làm thế nào. Vì vậy, sớm ban hành Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP và nghị định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu.
Thông tin từ Bộ Giao thông - Vận tải, tới nay, một số nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Ấn Độ… đặc biệt quan tâm tới các dự án giao thông, trong đó có chủ chương chuyển giao quyền khai thác kết cấu hạ tầng và thu phí. Giao thông đường bộ là cơ cơ hội thu hút vốn đầu tư, để chuyển vốn cho các dự án giao thông khác, tạo sự liên kết và phát triển. Ngoài ra, cơ chế về đầu tư về kết cấu hạ tầng cảng biển, đường sắt và đường hàng không cũng sẽ từng bước được hoàn thiện để nâng cao sức hấp dẫn và thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài. Sự đột phá để có thêm nguồn vốn cho các dự án là kỳ vọng của nhân dân và ngành giao thông đặt làm nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2015 và những năm tiếp theo.