Thu hút vốn FDI trong 10 tháng gấp rưỡi mục tiêu năm

Theo dantri.com.vn

(Tài chính) Trong khi mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cả năm 2013 là 13-14 tỷ USD thì tính đến 20/10, với trên 1.400 dự án, số vốn cấp mới và tăng thêm đã đạt 19,2 tỷ USD. Vốn FDI chủ yếu chảy vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chiếm gần 80%.

Thu hút vốn FDI trong 10 tháng gấp rưỡi mục tiêu năm
Sự tăng mạnh của dòng vốn FDI là điểm sáng trong bức tranh kinh tế 10 tháng đầu năm. Nguồn: internet

Theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/10/2013, cả nước có 1.050 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 13 tỷ USD, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2012 và 393 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 6,16 tỷ USD, tăng 42,5% so cùng kỳ. 

Tính chung trong 10 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 19,2 tỷ USD, tăng 65,5% so với cùng kỳ năm 2012. Con số này vượt xa mục tiêu đặt ra cho cả năm là 13-14 tỷ USD.

Trong số 18 ngành lĩnh vực hút vốn FDI 10 tháng đầu năm, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhất với 494 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 15 tỷ USD, chiếm 77,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. 

Các lĩnh vực khác có vốn FDI đổ mạnh là sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,031 tỷ USD, chiếm 10,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 16 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 588 triệu USD.

Nhật Bản tiếp tục là đối tác dẫn đầu trong danh sách 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 10 tháng đạt 4,8 tỷ USD, chiếm 25,2% tổng vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam.

Hàn Quốc đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4 tỷ USD, chiếm 20,9% tổng vốn đầu tư; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,99 tỷ USD, chiếm 20,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Với hai dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên của nhà đầu tư Singapore với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử và dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam của nhà đầu tư Hàn Quốc với mục tiêu sản xuất và lắp ráp bảng mạch in kết nối mật độ cao HDI, Thái Nguyên trở thành địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,4 tỷ USD, chiếm 17,7% vốn đăng ký. 

Sự điều chỉnh tăng 2,8 tỷ USD vốn đầu tư của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đưa Thanh Hóa lên vị trí thứ hai với 2,92 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư. Bình Thuận đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 2,03 tỷ USD, chiếm 10,6% vốn đăng ký.

Trong khi đó, ước tính trong 10 tháng, các dự án FDI đã giải ngân được 9,58 tỷ USD, tăng 6,4% với cùng kỳ năm 2012. Các doanh nghiệp FDI đóng vị trí quan trọng trong hoạt động thương mại cả nước.

Xuất khẩu của khu vực này (nếu kể cả dầu thô) đã chiếm gần 67% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đạt 72,1 tỷ USD; không kể dầu thô chiếm 61% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 66 tỷ USD. Nhập khẩu đạt 62 tỷ USD, chiếm 57% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 10 tháng đầu năm, khu vực FDI xuất siêu 10,1 tỷ USD, trong khi cả nước nhập siêu 187 triệu USD.