Thu ngân sách do ngành Thuế quản lý 6 tháng đầu năm đạt 58,8% dự toán
Chiều ngày 09/7/2021, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai tới dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và đông đảo cán bộ, công chức ngành Thuế tại 63 điểm cầu trên cả nước.
Thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2021 đạt tiến độ thu khá so với dự toán
Báo cáo tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, nhìn lại 6 tháng qua, với việc nền kinh tế vẫn tiếp nối được đà tăng trưởng từ những tháng cuối năm 2020 sang đầu năm 2021, nhiệm vụ thu của ngành Thuế đã đạt kết quả tích cực.
Cụ thể, thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý 6 tháng đầu năm ước đạt 656.374 tỷ đồng, bằng 58,8% so với dự toán, tăng 14,3% so cùng kỳ năm 2020. Hầu hết các khoản thu, sắc thuế đều có tiến độ thu đạt khá so với dự toán và đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Trong đó, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh - khu vực có số thu chiếm 52,4% tổng thu nội địa, ước đạt 331.989 tỷ đồng bằng 57,1% so với dự toán và tăng 26,9% so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 6/2021 đã có đến 60/63 địa phương có tiến độ thực hiện thu ngân sách đạt từ trên 50% so với dự toán.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 61,2% dự toán, tăng 29% so với cùng kỳ; thuế tiêu thụ đặc biệt đạt 61% dự toán, tăng 38,6% cùng kỳ; thuế giá trị gia tăng đạt 51,4% dự toán, tăng 19,5% so với cùng kỳ... Đặc biệt, thu từ thuế thu nhập cá nhân đạt cao nhất so với dự toán, đạt 67,7% dự toán, tăng 12,8% so với cùng kỳ.
Công tác thu ngân sách các tháng cuối năm gặp nhiều thách thức, khó khăn
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn đánh giá, mặc dù kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt tiến độ thu khá so với dự toán, song trước diễn biến phức tạp trở lại của dịch bệnh Covid-19 từ cuối tháng 4 đến nay đã trực tiếp ảnh hưởng đến một số khu công nghiệp, địa phương lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh…
Dự báo, tình hình kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2021 sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cùng với các chính sách giãn, giảm thuế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, công tác thu ngân sách các tháng cuối năm 2021 sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi toàn ngành Thuế phải đặt quyết tâm cao, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thuế để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao năm 2021.
Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế. Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu, kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả.
Các cục thuế cần chủ động nắm bắt, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sức khỏe của doanh nghiệp, hoạt động sản suất, kinh doanh của người nộp thuế thuộc phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh. Tổ chức đánh giá, xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra đến từng ngành, lĩnh vực, từng người nộp thuế, tổng hợp mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách.
Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vướng mắc cho người nộp thuế, ổn định sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế làm thủ tục gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP, Tổng cục Thuế sẽ tăng cường các giải pháp quản lý, chống thất thu thuế.
Đồng bộ giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm
Tại Hội nghị, thay mặt cho Lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai ghi nhận và biểu dương thành tích mà ngành Thuế đạt được trong 6 tháng đầu năm.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho rằng, có được kết quả trên là sự nỗ lực của tập thể cán bộ công chức, viên chức của toàn ngành Thuế từ Trung ương đến địa phương cũng như sự phối kết hợp của các bộ, ngành, các đơn vị trong Bộ Tài chính, các sở ngành địa phương và đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, trực tiếp là chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai nêu rõ, nhiệm vụ thu NSNN còn lại của 6 tháng cuối năm còn hết sức nặng nề trong bối cảnh tác động của đại dịch đến tình hình sản xuất kinh doanh là khá nặng nề, từ đó ảnh hưởng đến thu NSNN, đòi hỏi phải có quyết tâm cao trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, Lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu toàn ngành Thuế tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2021 được giao trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Cơ quan thuế các cấp phải theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu tại từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế.
Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu, kịp thời có các giải pháp quản lý hiệu quả; kiến nghị với UBND các cấp chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách.
Thứ hai, tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp về tăng cường quản lý, chống thất thu thuế, đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế. Rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu; thực hiện thanh tra, kiểm tra những doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao, có dư địa khai thác số thu lớn như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, các dự án hết thời gian ưu đãi thuế... Cùng với đó, đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet...
Thực hiện quyết liệt, có hiệu quả công tác thu hồi nợ thuế và xử lý nợ thuế theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội, đảm bảo giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 5% tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý. Bên cạnh đó, từng cơ quan thuế địa phương cũng phải tổ chức rà soát kỹ đối với người nộp thuế không thuộc diện được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP để đôn đốc kịp thời người nộp thuế nộp đúng, đủ, kịp thời số thuế phải nộp vào NSNN...
Thứ ba, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, đa dạng hóa các phương thức, hình thức tuyên truyền, đẩy mạnh công tác hỗ trợ người nộp thuế bằng phương thức điện tử, nhằm phục vụ tốt nhất, nhiều nhất các đối tượng người nộp thuế.
Đặc biệt, tập trung tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 để các chủ trương này thực sự đi vào cuộc sống. Chủ động tuyên truyền các hoạt động của cơ quan thuế trong việc hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế vào NSNN; các chủ trương, chính sách mới để người dân hiểu đúng và đồng hành, ủng hộ ngành Thuế.
Thứ tư, hoàn thành việc thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực thuế theo chương trình xây dựng văn bản pháp luật năm 2021, đặc biệt cần tập trung hoàn thành sớm cơ chế tài chính đặc thù của ngành Thuế; hoàn thành chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tiếp tục rà soát, tham mưu với Bộ để báo cáo cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước.
Thứ năm, quyết liệt triển khai đề án hóa đơn điện tử đáp ứng các quy định tại Nghị định số 123/2020 của Chính phủ, đúng tiến độ, đảm bảo thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/7/2022 thông suốt.
Thứ sáu, về công tác tổ chức cán bộ, cơ quan thuế các cấp khẩn trương hoàn thành các thủ tục tiếp nhận, tổ chức đào tạo và bố trí vị trí làm việc cho các công chức mới, tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo chính quy, bài bản.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Vũ Thị Mai, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định, trong các tháng cuối năm, toàn ngành Thuế quyết liệt triển khai các giải pháp quản lý thu, phấn đầu hoàn thành vượt mức dự toán Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao năm 2021.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chống thất thu thuế, đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế; đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh thương mại điện tử.
Ngành Thuế tập trung xử lý hiệu quả công tác thu hồi nợ thuế và xử lý nợ thuế theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 5% tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý; Hoàn thành công tác xây dựng thể chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực thuế theo chương trình xây dựng văn bản pháp luật năm 2021; Trình Bộ để trình Chính phủ ban hành Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030. Tập trung chuẩn bị hạ tầng hóa đơn điện tử đáp ứng các quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ, đúng tiến độ, đảm bảo thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/7/2022.
Cùng với đó, hoàn thành ban hành Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 03 đơn vị mới được nâng cấp thành cấp Cục; Tiếp tục rà soát để tham mưu với Bộ sắp xếp lại tổ chức bộ máy đối với các Chi cục Thuế đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện để nâng cấp các Đội thành Phòng thuộc Chi cục theo Quyết định số 812/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.