Thu phí đọc báo điện tử, cơ hội nào cho thành công?

Theo Phùng Đô/baogiaothong.vn

Dù thu phí đọc báo điện tử còn khá mới mẻ, song đây có thể coi là con đường tất yếu cho báo chí Việt Nam.

Từ ngày 29/3/2021, Tạp chí điện tử Ngày nay (ngaynay.vn) đã chính thức thu phí trực tuyến với những bài viết chất lượng cao, đầu tư công phu. Ảnh: Tạ Hải
Từ ngày 29/3/2021, Tạp chí điện tử Ngày nay (ngaynay.vn) đã chính thức thu phí trực tuyến với những bài viết chất lượng cao, đầu tư công phu. Ảnh: Tạ Hải

Dù là xu thế đang được nhiều cơ quan báo chí lớn trên thế giới thực hiện thành công và ngày càng phổ biến, mô hình thu phí đọc báo online vẫn khá mới mẻ với cơ quan báo chí và độc giả ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây được coi là con đường tất yếu cho báo chí Việt Nam trong thời gian tới.

Tiên phong cho một xu hướng mới

Ngày 29/3/2021, Tạp chí điện tử Ngày nay (ngaynay.vn) đã chính thức ra mắt báo thu phí trực tuyến, trở thành tạp chí điện tử đầu tiên ở Việt Nam tiến hành thu phí người đọc.

Để có thể đọc và lưu trữ các bài báo trong chuyên mục Special Today trên Ngày nay, người đọc sẽ phải trả một khoản phí dao động từ 10.000 đồng/tuần cho đến 180.000 đồng/năm thông qua hình thức thanh toán điện tử.

Trước đó, ngày 20/6/2018, báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam trở thành cơ quan báo chí đầu tiên và duy nhất của Việt Nam thu phí đọc nội dung trên nền tảng digital.

Mỗi ngày, VietnamPlus mới chỉ phát khoảng 5 - 10 bài thu phí, gồm những bài phân tích chuyên sâu, phỏng vấn độc quyền... do tòa soạn tự sản xuất hoặc dịch lại theo nhượng quyền của các đơn vị báo chí lớn trên thế giới.

Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó tổng biên tập VietnamPlus cho biết, thu phí độc giả trên báo điện tử là xu thế tất yếu của báo chí hiện đại. Hàng năm, Thông tấn xã Việt Nam đều mua bản quyền cuốn Báo cáo Sáng tạo toàn cầu của Mạng lưới truyền thông quốc tế FIPP để dịch và xuất bản tại Việt Nam. Và ở ấn bản năm nào thì họ cũng đều coi thu phí độc giả như là lựa chọn hàng đầu trong các mô hình kinh doanh của báo chí.

Phó tổng biên tập Tạp chí Ngày nay, ông Phạm Hữu Quang cũng cho rằng, mô hình báo chí điện tử thu phí người đọc đã được nhiều cơ quan báo chí lớn trên thế giới áp dụng. Dù không phải lúc nào cũng thành công nhưng đây là hướng đi đúng đắn.

Thay đổi thói quen của độc giả

Không chạy theo kiểu làm báo dựa vào thuật toán, lôi kéo độc giả bằng thông tin gây sốc, không tính hiệu quả của một bài báo bằng cách đếm lượt truy cập, những tờ báo đã và chuẩn bị phương án thu phí độc giả đọc báo online đang hướng tới xây dựng được nhóm bạn đọc trung thành, sẵn sàng bỏ tiền để đọc những nội dung hữu ích.

“Đó là con đường phát triển bền vững của báo chí hiện đại. Việc này không phải là điều dễ dàng ở Việt Nam, bởi sau khi thực hiện thu phí đọc báo, các tòa soạn đúc rút ra nguyên nhân lớn nhất không phải nằm ở công nghệ, nội dung bài viết mà chính là nằm ở thói quen tiêu dùng của bạn đọc ở Việt Nam chưa hình thành việc trả phí khi đọc báo”, ông Quang cho hay.

Dẫn câu chuyện nhiều độc giả sẵn sàng bắt đầu buổi sáng bằng combo phở và cà phê với giá 100.000 đồng, nhưng lại ngần ngại chi ra 10.000 đồng cho cả tuần đọc báo, ông Nhật cho hay, để thay đổi thói quen này, sự nỗ lực của các tờ báo, tạp chí là chưa đủ.

Theo ông Hoàng, dù thương mại điện tử ở Việt Nam đã rất phát triển với đa dạng hình thức thanh toán, nhưng vẫn có nhiều người ngần ngại khi thực hiện thanh toán online. Rồi chỉ một vài tờ báo áp dụng thu phí trong khi cả làng báo miễn phí đọc báo cũng khiến độc giả thấy xa lạ với hình thức này.

Ông Quang cũng cho rằng, việc triển khai thu phí trên báo điện tử còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng các hình thức thanh toán.

“Hiện tại, chúng tôi dự định triển khai việc thanh toán bằng tin nhắn trên điện thoại (SMS) nhưng đang rất vướng mắc bởi các quy định của các nhà mạng và viễn thông. Việc phân chia lợi ích giữa cơ quan báo chí với nhà mạng hiện nay chưa hợp lý, phần thiệt nghiêng về phía cơ quan báo chí cũng là một rào cản cần phải được tháo gỡ”, ông Quang nói.

Có lợi thế là tờ báo điện tử đối ngoại quốc gia trực thuộc Thông tấn xã Việt Nam, có toàn quyền khai thác nguồn tin của Thông tấn xã Việt Nam và từ 90 cơ quan thường trú trong và ngoài nước nhưng ông Nguyễn Hoàng Nhật cũng phải thừa nhận, hiện nay mục tiêu lớn nhất là thay đổi thói quen người dùng hơn là kỳ vọng vào tăng doanh thu.

“Với VietnamPlus, thử nghiệm thu phí là một cách để chúng tôi thuyết phục độc giả thay đổi thói quen hành vi nhiều hơn là kỳ vọng vào việc tăng doanh thu trong tương lai gần. Ngày càng có nhiều người quen với việc xem phim, nghe nhạc trả phí thì tại sao chúng ta lại không áp dụng mô hình đó cho báo chí?”, ông Nhật đặt vấn đề.

Độc giả đọc báo trả phí là khách VIP

Chia sẻ về kế hoạch đọc báo thu phí đang ấp ủ, lãnh đạo một tòa soạn báo cho hay, khi độc giả đã trả tiền đọc báo, thì phải coi họ như khách VIP nhất để họ thấy được việc trả tiền sẽ đem lại những quyền lợi nổi bật.

Theo đó, ngoài việc phải cung cấp cho độc giả những sản phẩm báo chí có chất lượng, hấp dẫn và phù hợp với từng nhóm độc giả, sản phẩm báo chí thu phí phải đến tay bạn đọc một cách tiện nghi, độc đáo nhất có thể.

Người đọc trả tiền không phải mò mẫm vào trang báo tìm đọc sản phẩm mình cần, mà phải nhận được thông tin về bài viết cần đọc tận tay, giống như việc đặt báo giấy dài hạn được đưa đến tận nhà. Phương thức gửi bài viết điện tử này có thể là gửi tin vắn SMS, qua Zalo, Newsletter chi tiết qua Email, Notify trên điện thoại qua App…

“Công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo AI sẽ là một công cụ đắc lực trong việc thấu hiểu độc giả. Trí tuệ nhân tạo sẽ thay phóng viên, biên tập viên, người quản lý hiểu rõ độc giả đang muốn đọc gì, xem gì từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Đây cũng là cách làm mà nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, giải trí đang áp dụng thành công”, ông Nguyễn Hoàng Nhật nói.

Ông Phạm Hữu Quang cũng cho rằng, độc giả ngày nay họ không còn thụ động kiểu “đăng gì đọc nấy”. Họ cũng có nhiều sự lựa chọn hơn so với trước đây, thậm chí là có quá nhiều cách để thỏa mãn nhu cầu giải trí cũng như nhu cầu tiếp nhận tin tức hay thu nạp kiến thức.

Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, mô hình báo chí thu phí chính là con đường khó khăn nhưng đầy vinh quang để báo chí tìm về với độc giả đích thực của mình, những người sẵn sàng trả tiền để đọc được đúng những gì mình cần, không bị “nhiễu loạn” trước một biển thông tin thật - giả lẫn lộn trên không gian mạng.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, Hội Nhà báo Việt Nam rất ủng hộ và khuyến khích các cơ quan báo chí thực hiện thu phí trên báo điện tử.

“Trước mắt, Hội sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm để thấy sự cần thiết của mô hình này, còn dừng ở vài cơ quan báo chí thì chưa đủ sức trở thành làn sóng mới. Phải làm cho các cơ quan báo chí đều thấy đây là một định hướng đúng và họ sẽ tăng cường chất lượng thông tin để có thể bán được sản phẩm của mình”, ông Lợi cho hay.

Ông Lợi cho rằng, để thu phí bạn đọc trực tuyến, ngoài công nghệ, sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, các nhà mạng viễn thông, thì quan trọng nhất là các cơ quan báo chí có sự đồng thuận, liên kết để tạo ra sức mạnh. Trong đó, vai trò của các tờ báo lớn rất quan trọng.

“Việc thu phí cần phải được tiến hành đồng thời ở nhiều báo, trước mắt là những tờ báo lớn, có thương hiệu và vị thế mạnh, mới có hiệu ứng lan tỏa ra các cơ quan báo chí khác”, ông Lợi nói.

Cần tháo gỡ khó khăn về thanh toán

Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó tổng biên tập VietnamPlus cho biết, thực tế các cơ quan quản lý đã có động thái hỗ trợ các cơ quan báo chí như đề nghị các nhà mạng hợp tác, tạo thuận lợi để cơ quan báo chí tiến hành thu phí độc giả. Tuy nhiên, với hình thức thu phí qua hóa đơn điện thoại thì nhà mạng vẫn đánh đồng báo với các nhà cung cấp nội dung thông thường, chưa có chính sách riêng. Đây cũng là vấn đề cần được tháo gỡ trước mắt, trong khi chờ đợi độc giả chấp nhận những hình thức thanh toán hiện đại hơn.

Đồng quan điểm, ông Phạm Hữu Quang, Phó tổng biên tập Tạp chí điện tử Ngày nay cho hay, tòa soạn đang rất cần các cơ quan quản lý có sự tháo gỡ về các quy định để có thể triển khai việc thanh toán thông qua tin nhắn trên điện thoại di động với các đơn vị viễn thông.