Thử thách lớn, quyết tâm cao

LAN HƯƠNG

(Tài chính) Nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013 của ngành Hải quan được Quốc hội giao là 237.500 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2012. Trung bình mỗi tháng số thu của Ngành là 19.792 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm, số thu của toàn Ngành mới đạt 29,8% dự toán, giảm 1,4% cùng kỳ năm 2012, nhiệm vụ còn lại trong những tháng cuối năm là rất nặng nề.

Thử thách lớn,  quyết tâm cao
Ngành Hải quan tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương “Tuyên ngôn phục vụ khách hàng”. Nguồn: Internet

Trọng trách tăng thu

Những khó khăn đặt ra đối với nền kinh tế đất nước trong những tháng đầu năm 2013 cũng là những thách thức đối với việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách của ngành Hải quan. Số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan 5 tháng đầu năm 2013 cho thấy, dự kiến tổng số thu NSNN của Ngành mới đạt khoảng 74.506 tỷ đồng, bằng 31,4% dự toán, giảm 1,4% so với cùng kỳ. So với chỉ tiêu được giao, bình quân mỗi tháng phải thu là 19.792 tỷ đồng thì bình quân trong 5 tháng đầu năm, mỗi tháng mới đạt khoảng gần 15.000 tỷ đồng. Con số này phản ánh một thực tế khó khăn đang bao trùm không chỉ cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam mà cả với các thị trường xuất khẩu khác.

Theo số liệu từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong 5 tháng đầu năm, số DN giải thể của cả nước lên đến 23.226 DN, bằng gần một nửa số DN giải thể phá sản của các năm 2011 và 2012. Riêng trong tháng 5/2013, con số này là 3.590 DN. Trước đó, năm 2012 có 53.972 DN giải thể, ngừng hoạt động; năm 2011 là 54.198 DN. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) tháng 4 và 5/2013.

Đáng quan tâm là do DN khó khăn về tài chính và khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nên không ít DN đã lâm vào tình trạng chậm nộp, chây ỳ thuế, tìm nhiều cách để trốn thuế. Đây là một trong những thách thức lớn đối với toàn ngành Hải quan, bởi một nhiệm vụ được ngành Hải quan đặt ra trong năm 2013 là đẩy mạnh truy thu thuế nợ đọng, đồng thời hạn chế tình trạng nợ mới thuế và quyết liệt thực hiện các biện pháp khai thác nguồn thu có hiệu quả.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn tác động xấu đến kết quả thu NSNN thì chỉ riêng nỗ lực của ngành Hải quan là chưa đủ mà cần có sự góp sức của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương.

Quyết tâm cao…

Nhiệm vụ thu ngân sách trong chặng đường còn lại của năm 2013 được ngành Hải quan xác định là đầy chông gai, thử thách. Để cán đích đúng kế hoạch, ngành Hải quan đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong bối cảnh hiện nay nhưng vẫn phải đảm bảo nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài.

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm đạt 49.700 tỷ đồng, bằng 29,8% dự toán, giảm 1,4% cùng kỳ năm 2012, trên cơ sở tổng số thu về xuất nhập khẩu đạt 74.600 tỷ đồng, hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 24.900 tỷ đồng.

Nguồn: Bộ Tài chính

Trong những tháng còn lại của năm, ngành Hải quan tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ các đơn vị thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương “Tuyên ngôn phục vụ khách hàng”. Giải quyết dứt điểm các vướng mắc thuộc thẩm quyền, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động XNK, không gây phiền hà sách nhiễu tiêu cực đối với DN; Tập trung vào 3 mục tiêu cốt lõi là: Triển khai mở rộng thủ tục hải quan điện tử theo quy định tại Nghị định 87/2012/ NĐ-CP; Mở rộng số lượng DN ưu tiên làm thủ tục hải quan; Tiếp tục hiện đại hoá thu ngân sách giữa các cơ quan Thuế - Kho bạc - Hải quan.

Bên cạnh đó, Ngành sẽ chú trọng nâng cao hiệu quả nghiệp vụ, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu ngân sách. Với mục tiêu này, Ngành đã và đang nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro, phân tích, phân loại hàng hóa, góp phần chống gian lận qua giá, mã hàng hóa, C/O; Chỉ đạo các cục hải quan tăng cường giám sát XNK từ khâu trước, trong và sau thông quan đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa ra, vào các khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu...; Giao chỉ tiêu thu qua công tác kiểm tra sau thông quan tăng 30% so với số thực thu 2012. Công tác chống buôn lậu qua biên giới cũng được tăng cường kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm; điều tra, xử lý có hiệu quả các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại đối với những mặt hàng có thuế suất cao, giá trị kinh tế lớn, như xăng dầu, khoáng sản, gỗ...

Cùng với các giải pháp trên, ngành Hải quan cũng tập trung cải cách hành chính, thực hiện thủ tục hải quan điện tử hiệu quả, từ đó giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK. Ngành Hải quan cũng xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, lĩnh vực trọng yếu, địa bàn có nguồn thu lớn, phân công lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị có liên quan, khai thác nguồn thu có hiệu quả, chống thất thu thuế; Phân tích kim ngạch chịu thuế, mức thuế suất thuế XNK ảnh hưởng đến số thu đối với một số mặt hàng như: than, quặng Apatit, vàng, thuế hương liệu và hóa chất để sản xuất đồ uống, xăng dầu… để kiến nghị với Nhà nước điều chỉnh mức thuế suất phù hợp, tăng thu cho NSNN; Trình Bộ Tài chính có cơ chế xử lý hợp lý về giá xăng dầu trên cơ sở đó điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu xăng dầu vào thời điểm thích hợp...

Đặc biệt, việc ngành Hải quan tập trung tăng cường công tác chống buôn lậu, chống gian lận thương mại qua giá, mã, thuế suất, số lượng cũng là một trong những giải pháp hiệu quả để tăng thu NSNN; Tăng cường giám sát đối với hàng tạm nhập-tái xuất; chú trọng thu thập các nguồn thông tin về hàng hóa, người khai hải quan… để phát hiện kịp thời các trường hợp sai phạm về loại hình, tên hàng, số lượng, xuất xứ... Mặt khác, nâng cao hiệu quả công tác phân tích phân loại, bảo đảm sự thống nhất về kết quả phân tích phân loại, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các trường hợp khai sai tên hàng, mã số để gian lận thuế. Triển khai đề án quản lý nợ; hạn chế phát sinh nợ thuế mới quá hạn 90 ngày dưới 0,7%, tổng thu NSNN/năm…

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 6 - 2013