Thu thuế Sử dụng đất phi nông nghiệp ở Hà Nội: Vạn sự khởi đầu...

Theo Tạp chí Thuế

Mặc dù năm ngân sách 2012 - năm đầu tiên thực hiện Luật Thuế Sử dụng đất phi nông nghiệp (SDĐPNN) đang dần khép lại, nhưng tiến độ động viên nguồn lực từ sắc thuế này trên địa bàn TP. Hà Nội như chỉ vừa mới bắt đầu.

 Thu thuế Sử dụng đất phi nông nghiệp ở Hà Nội: Vạn sự khởi đầu...
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bởi đơn giản, để có số thu vào ngân sách trong 3 tháng cuối năm, Cục Thuế đã phải đánh đổi cả năm trước đó cho công tác chuẩn bị, xây dựng kế hoạch, thiết lập mạng lưới các cơ quan phối hợp, hỗ trợ và tổ chức triển khai các giải pháp mang tính chất dọn đường, đón đầu. Đó là chưa kể việc chắt lọc, tận dụng những kinh nghiệm quản lý đất đai được tích luỹ từ bao năm nay. Thế mới biết, khó khăn và thách thức trong buổi khởi đầu lớn đến mức nào!

Giải pháp đối trọng khó khăn
 
Khó khăn đầu tiên là về phạm vi đối tượng quản lý. Do lịch sử sáp nhập với tỉnh Hà Tây và một số xã của tỉnh Hoà Bình, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) trước đây, nên Hà Nội là một đô thị đặc biệt với quy mô dân số và diện tích đất lớn, kéo theo đó là số lượng đông đảo 1,5 triệu người nộp thuế. Khó khăn tiếp đến là với tính chất đất đai đa dạng, phức tạp của một địa bàn có tới 29 quận, huyện, thị xã, điều cốt yếu là phải làm sao để xây dựng được các căn cứ tính thuế theo từng vị trí, hạng mục, bảo đảm vừa chính xác, công bằng, vừa hiệu quả trong thực hiện.

Thêm nhiều bài toán nữa là phương thức tính thuế đối với nhà chung cư; các chỉ tiêu kê khai, các bước triển khai thực hiện sẽ thiết lập như thế nào? Lớn hơn nữa là trong khi cơ sở dữ liệu về thuế nhà đất được xây dựng từ năm 1994 đã trở nên lạc hậu, thì cơ sở dữ liệu và ứng dụng phục vụ quản lý thuế SDĐPNN mới sẽ được thiết kế ra sao để đem lại hiệu quả cao nhất?... Cứ thế, hàng núi thách thức đặt ra, buộc những người trong cuộc không thể ngồi yên.
 
Theo thời gian, liên tục các giải pháp đã được Cục Thuế Hà Nội chắt lọc để đưa vào triển khai đồng bộ. Ngay từ khi các văn bản hướng dẫn còn đang trong giai đoạn dự thảo và đặc biệt là sau quá trình triển khai thí điểm tại 4 xã của các huyện Ba Vì, Hoài Đức, Từ Liêm, Đống Đa, Cục Thuế Hà Nội đã chủ động nghiên cứu, phản ánh ngay những vướng mắc dự tính sẽ phát sinh với các cơ quan có chức năng liên quan và đề xuất các phương án giải quyết, như các vấn đề liên quan đến căn cứ tính thuế (diện tích, hạn mức), các trường hợp miễn giảm, hệ số phân bổ nhà chung cư, kinh phí thực hiện, tính toán một cách khoa học về thời gian lộ trình triển khai từng bước, từng khâu công việc đến lộ trình triển khai tổng thể.

Những góp ý này của Cục Thuế cùng với các địa phương khác đã được Ban soạn thảo ghi nhận và hiện thực hoá ngay trong nội dung nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Thuế SDĐPNN, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để giải quyết hài hòa giữa các quy định của luật và những vấn đề của thực tiễn.
 
Để tạo thuận lợi cho công tác triển khai, Cục Thuế đã tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 22 về thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Luật Thuế SDĐPNN trên địa bàn thành phố. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi về chính sách thu, đa dạng về hình thức trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở. Đã tổ chức 155 lớp tập huấn với tổng số người tham dự gần 50.000 lượt người gồm cán bộ phòng ban cấp huyện, cán bộ cấp xã, đội ngũ uỷ nhiệm thu, tổ trưởng, thôn trưởng, các doanh nghiệp thuê đất là đối tượng nộp thuế SDĐPNN. Phát hành 70.000 tờ rơi tuyên truyền đến người nộp thuế; Duy trì hoạt động của các số điện thoại đường dây nóng và tăng cường bộ phận giải đáp vướng mắc tại bộ phận một cửa của cơ quan thuế.
Tính đến ngày 15/12, Cục Thuế Hà Nội đã thu được 195 tỷ đồng tiền thuế SDĐPNN, đạt trên 91% dự toán pháp lệnh. Với tinh thần tăng tốc để về đích thắng lợi, Hà Nội quyết tâm hoà thành mục tiêu đề ra đối với sắc thuế này ngay trong năm đầu triển khai thực hiện.
 
Trên cơ sở đó, cơ quan Thuế đã chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kịp thời cách xác định hạn mức đất ở theo từng thời kỳ; cách xác định đất lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích, làm cơ sở người nộp thuế kê khai và UBND phường, xã xác nhận các thông tin trên tờ khai tính thuế; phối hợp với Sở Xây dựng trình UBND thành phố phương pháp xác định hệ số phân bổ nhà chung cư đối với những trường hợp khó khăn trong việc xác định căn cứ tính thuế.

Cũng ngay từ cuối năm 2011, cơ quan Thuế đã tham mưu cho UBND các cấp thành lập ban chỉ đạo, tổ thường trực giúp việc ban chỉ đạo triển khai Luật Thuế SDĐPNN, để thường xuyên nắm, phản ánh tình hình, tiến độ và tập trung tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình triển khai. Riêng đối với nội bộ Ngành, Cục Thuế cùng với ban chỉ đạo thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các Chi cục Thuế triển khai thực hiện, báo cáo tiến độ và phản ánh vướng mắc với tần suất 10 ngày/lần. Nhờ công tác điều hành thường xuyên, liên tục nên tiến độ triển khai luật được đảm bảo kịp thời và bám sát thực tiễn. 
 
Vạn sự khởi đầu...
 
Với các biện pháp khoa học và đồng bộ, được triển khai trên tinh thần tích cực, khẩn trương, đến thời điểm này, Cục Thuế Hà Nội đã hoàn tất việc cấp mã số thuế SDĐPNN cho 1.308.191 đối tượng; hoàn thành việc kê khai, trích lập bộ và ra thông báo thuế cho trên 1,55 lượt tổ chức cá nhân, hộ gia đình, đạt 99% tổng số hộ phải kê khai. Việc xây dựng được phương pháp tính hệ số phân bổ đối với nhà nhiều tầng có nhiều hộ gia đình ở, nhà chung cư được áp dụng thành công vào thực tiễn đã tháo được nút thắt trong công tác quản lý, giải quyết toàn bộ việc kê khai tính thuế của trên 200.000 hộ nộp thuế thuộc diện. Cục Thuế cũng đã triển khai thí điểm thành công ứng dụng quản lý thuế SDĐPNN qua mạng tại Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng và huyện Mỹ Đức, tạo nền tảng vững chắc để sẵn sàng triển khai trên diện rộng.
 
Mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu, nhưng do tính phức tạp của một đô thị đặc biệt, nên vẫn còn một số vướng mắc đặc thù của thành phố đó là: số lượng dân cư ở các tỉnh về Hà Nội mua nhà, đất tương đối phổ biến nên việc kê khai, nộp thuế của những đối tượng này vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố còn 9.530 tờ khai của các đối tượng này chưa thu hồi về UBND phường xã, do không tìm gặp được chủ.
 
Bên cạnh đó, với tốc độ đô thị hoá nhanh, một số đường phố, khu vực dân cư chưa có tên trên bảng giá đất của UBND TP, nên chưa có cơ sở xác định giá tính thuế. Một số địa phương chưa xử lý dứt điểm tình trạng khiếu kiện, tranh chấp về đất lấn chiếm, sử dụng sai mục đích dẫn đến việc UBND cấp xã không xác nhận được đúng nội dung trên tờ khai. Hiện thành phố còn 6.553 tờ khai ở dạng này trong đó, Quốc Oai 1.245; Mê Linh 1.798, Phúc Thọ 592... 
 
Để khắc phục những khó khăn phát sinh trong thực tế, trước mắt cơ quan Thuế yêu cầu UBND cấp cơ sở tiến hành rà soát, lập danh sách theo địa chỉ điểm đất, diện tích, vị trí đất làm cơ sở tính thuế và lập sổ theo dõi đối với các trường hợp không gặp được chủ. Trường hợp đường, phố chưa có tên, cơ quan Thuế sẽ vận dụng giá đất của các khu vực liền kề để tính thuế.

Cục Thuế cũng yêu cầu các Chi cục Thuế tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã duy trì tốt hoạt động của ban chỉ đạo các cấp; tăng cường công tác đôn đốc, hướng dẫn quá trình kiểm tra và phấn đấu thu dứt điểm tiền thuế SDĐPNN trong tháng 12. Một công việc quan trọng khác trong thời gian tới đó là, Cục Thuế Hà Nội sẽ tổ chức tập huấn, tuyên truyền để những hộ dân có từ 2 mảnh đất trở lên tự lập tờ khai tổng hợp, đảm bảo đúng yêu cầu của Luật Thuế SDĐPNN.