Thứ trưởng Trần Xuân Hà dự Hội nghị trực tuyến cấp cao của Liên Hợp quốc
Tối 28/5 (theo giờ Hà Nội), thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà tham dự Hội nghị trực tuyến cao cấp của Liên Hiệp quốc về tài chính cho phát triển trong tình hình đại dịch Covid-19 đang bùng phát, lây lan nhanh tới các quốc gia trên thế giới. Hội nghị cấp cao tài chính phát triển lần này diễn ra theo Sáng kiến của Canada và Gia-mai-ca với hơn 50 nguyên thủ và Chính phủ các quốc gia tham dự Hội nghị.
Tham dự buổi họp trực tuyến tại điểm cầu Việt Nam còn có đại diện Lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát, lây lan nhanh tới các quốc gia trên thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra tuyên bố đây là đại dịch có tác động mạnh nhất kể từ sau dịch cúm Tây Ban Nha. Đại dịch đã tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân, gây tâm lý bất an, thay đổi hành vi, thói quen sinh hoạt và tiêu dùng, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu. Theo dự báo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) vào tháng 4/2020, sẽ có 1,6 tỷ người rơi vào nguy cơ mất việc làm. Đồng thời, Liên hợp quốc đánh giá có trên 430 triệu doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất như bán lẻ và sản xuất rơi vào nguy cơ gián đoạn nghiêm trọng.
Nền kinh tế thế giới bị suy giảm nghiêm trọng cả cung và cầu trên các thị trường hàng hóa, dịch vụ; làm đình trệ giao thương, đầu tư toàn cầu, gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Các quốc gia, nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU trải qua tình trạng dịch nghiêm trọng nhất đều là đối tác kinh tế lớn của nhiều nước trên thế giới. Doanh nghiệp gặp khó khăn cả đầu ra và đầu vào, buộc phải giảm, tạm ngừng hoạt động thậm chí có nguy cơ phá sản hoàng loạt. Các ngành sản xuất lớn như dịch vụ, du lịch, vận tải đều bị ảnh hưởng nặng nề. Các khu vực tài chính, bảo hiểm, chứng khoán cũng bị ảnh hưởng, làm gia tăng bất ổn trên thị trường tài chính, tiền tệ, nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tài chính, khủng hoảng nợ.
Trước tình hình diễn biến và ảnh hưởng của đại dịch, nhiều quốc gia trên thế giới ưu tiên thực hiện các biện pháp nhằm (i) ngăn chặn và kiểm soát dịch sớm nhất có thể; (ii) giảm thiểu tối đa tác động của dịch; và (iii) chuẩn bị các giải pháp bắc cầu giữa giai đoạn “trong dịch” và “hậu dịch” trên tất cả các mặt của nền kinh tế. Cho đến nay, các nước đã áp dụng nhiều biện pháp từ quản lý hành chính tới nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản, tín dụng và nới lỏng tài khóa.
Vì vậy, tại Hội nghị trực tuyến cao cấp của Liên Hiệp quốc về tài chính cho phát triển trong tình hình đại dịch Covid-19 lần này, các quốc gia đã tập trung thảo luận các biện pháp toàn cầu trong huy động các kênh tài chính để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu SDG trong và sau dịch Covid -19 đó là: ổn định tài chính và tăng cường thanh khoản; xử lý thách thức về nợ; huy động sự tham gia của khu vực tư nhân; huy động các nguồn tài chính phục vụ mục tiêu tăng trưởng bao trùm; ngăn chặn các dòng tài chính bất hợp pháp; phục hồi kinh tế bền vững và bao trùm thông qua thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres cho rằng: "Chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng chưa từng có của nhân loại. Vì vậy, chúng ta cần phải đoàn kết và đặc biệt hỗ trợ tài chính để vượt qua đại dịch này". Để giải quyết các vấn đề của toàn cầu trong tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Liên Hợp quốc đưa ra 6 vấn đề lớn để các quốc gia thành viên thảo luận tại Hội nghị lần này đó là: Mở rộng thanh khoản trong nền kinh tế toàn cầu và duy trì sự ổn định tài chính để bảo vệ lợi ích phát triển; Giải quyết các lỗ hổng nợ cho tất cả các nước đang phát triển để cứu sống và sinh kế cho hàng tỷ người trên thế giới; Tạo ra một không gian trong đó khu vực kinh tế tư nhân có thể chủ động tham gia vào các giải pháp hiệu quả và kịp thời; Điều kiện tiên quyết để tăng cường tài chính và chuyển tiền bên ngoài để tăng trưởng bao trùm và tạo việc làm; Các biện pháp mở rộng không gian tài khóa và thúc đẩy huy động nguồn lực trong nước bằng cách ngăn chặn các luồng tài chính bất hợp pháp và Đảm bảo phục hồi bền vững và toàn diện bằng cách sắp xếp các chính sách phục hồi với các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong khi đó, một trong hai quốc gia đưa ra sáng kiến tổ chức Hội nghị này, Thủ tướng Jamaica ông Andrew Holness nhấn mạnh: "Đại dịch Covid-19 yêu cầu chúng ta phải hành động ngay lập tức để giải quyết các tác động tới nền kinh tế của tất cả các quốc gia, ở mọi khu vực trên thế giới ".
Ông Andrew Holness hoan nghênh sáu lĩnh vực trọng tâm theo chủ đề, bao gồm sự cần thiết phải giải quyết nhu cầu cấp thiết về thanh khoản gia tăng, đặc biệt là đối với các nước thu nhập thấp và trung bình.
Còn Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết: "Tất cả các quốc gia đang được thử nghiệm bởi đại dịch Covid-19 và nó đe dọa làm suy yếu lợi ích phát triển của chúng tôi. Chúng tôi biết cách tốt nhất để giúp tất cả người dân và nền kinh tế của chúng tôi phục hồi là hợp tác một cộng đồng toàn cầu. Chúng tôi muốn hỗ trợ các hành động tập thể và cá nhân để cho phép phục hồi dẫn đến các nền kinh tế toàn diện, bền vững và kiên cường hơn, nơi không ai bị bỏ lại phía sau".
Theo số liệu của WHO cho thấy, đại dịch Covid-19 đã cướp đi hơn 340.000 sinh mạng, với hơn 5,4 triệu trường hợp bị mắc bệnh trên toàn cầu. Đại dịch đang gây ra khủng hoảng kinh tế ngay cả ở các quốc gia chưa trải qua tác động sức khỏe với số lượng lớn. Xuất khẩu và tăng trưởng giảm nhanh chóng làm suy yếu tính bền vững nợ của nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là những nước phụ thuộc nhiều vào hàng hóa, doanh thu du lịch hoặc kiều hối. Khủng hoảng nợ ngày càng tăng đặt ra một thách thức to lớn đối với các quốc gia này, làm hạn chế hơn nữa khả năng thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế của họ.
Ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, gần một nửa trong số tất cả các quốc gia có thu nhập thấp và kém phát triển nhất khác đang ở trong hoặc gần với tình trạng nợ nần. Chi phí trả nợ cho các quốc gia này tăng hơn gấp đôi từ năm 2000 đến 2019, lên 13% doanh thu của chính phủ và đạt hơn 40% trong một phần tư của tất cả các quốc gia đang phát triển đảo nhỏ (SIDS).
Trước cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội chưa từng có này, nhiều chính phủ trên thế giới đã đưa ra các biện pháp kích thích tài khóa lớn tương đương với 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tính. Nhưng hầu hết các nền kinh tế đang phát triển đang gặp khó khăn hoặc không thể thực hiện các gói tài chính đủ lớn, cho đến nay trung bình chưa đến 1% GDP của họ.
Vào tháng 4/2020, Nhóm các quốc gia G-20 đã đồng ý đình chỉ dịch vụ nợ đối với nợ chính thức song phương của 76 quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp để giúp tăng thanh khoản đối phó với các tác động của cuộc khủng hoảng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cung cấp dịch vụ cứu trợ nợ cho 25 quốc gia nghèo nhất và Ngân hàng Thế giới đã phối hợp với các ngân hàng khu vực để thảo luận về hỗ trợ Covid-19, các sáng kiến chung, đồng tài trợ và các cách để tối đa hóa dòng chảy ròng các nước nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Hội nghị sẽ khởi động một nỗ lực hợp tác để cho phép các cuộc thảo luận về các đề xuất cụ thể để vượt qua các thách thức trong 6 lĩnh vực và tiến trình sẽ được báo cáo lại bên lề của Diễn đàn chính trị cấp cao (HLPF) vào tháng 7/2020, Đại hội đồng vào tháng 9 và cuối năm 2020.