Thứ trưởng Vũ Thị Mai: Báo chí là kênh thông tin hữu hiệu góp phần hoàn thiện chính sách

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Trả lời phỏng vấn của phóng viên nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhận định:

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai.

“Báo chí đã kịp thời phát hiện, cổ vũ, động viên những nỗ lực cố gắng và kết quả công tác mà ngành Tài chính đã đạt đượcđồng thời, báo chí cũng phản ánh những hạn chế, vướng mắc của cơ chế, chính sách cũng như các mặt hoạt động của ngành Tài chính để giúp ngành hoàn thiện bổ sung cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn, khắc phục các hạn chế, thiếu sót phát sinh trong quản lý điều hành”.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, Thứ trưởng nhận định thế nào về hiệu quả công tác tuyên truyền nhiệm vụ tài chính - ngân sách của Bộ Tài chính thời gian qua?

Thứ trưởng Vũ Thị Mai: Có thể nói trong thời gian qua, các cơ quan báo chí đã luôn theo sát thông tin, kịp thời phân tích, đánh giá nhiều chiều về các cơ chế chính sách tài chính cũng như hoạt động của ngành Tài chính, chuyển tải thông tin, tuyên truyền chính sách đi vào cuộc sống; đồng thời đã kịp thời phát hiện, cổ vũ, động viên những nỗ lực cố gắng và kết quả công tác mà ngành Tài chính đã đạt được; đồng thời, báo chí cũng nêu những hạn chế, vướng mắc của cơ chế, chính sách cũng như trong các mặt hoạt động của ngành Tài chính để giúp ngành hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn, kịp thời khắc phục các hạn chế, thiếu sót phát sinh trong quản lý điều hành.

Các cơ quan báo chí cũng đã đi sâu phản ánh nhiều vấn đề cụ thể về lĩnh vực tài chính như: Những nỗ lực cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; việc hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật tài chính; việc điều hành nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN); tuyên truyền công tác quản lý giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, sữa… góp phần bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát. Đặc biệt, thời gian qua, các cơ quan báo chí đã tổ chức tuyên truyền nhiều loạt bài về các vấn đề “nóng” như: Công tác quản lý, bảo đảm an toàn nợ công; kế hoạch tài chính trung hạn; tác động của hội nhập quốc tế trong quá trình thực thi các Hiệp định Thương mại tự do, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đối với thu ngân sách...

Từ kết quả tuyên truyền đáng mừng đó, chứng tỏ rằng các cơ quan báo chí đã phần nào có “tiếng nói chung” với ngành Tài chính. Cụ thể là nhiều đơn vị trong ngành đã không còn “e dè” hay “né tránh” khi tiếp xúc với cơ quan báo chí. Là lãnh đạo Bộ phụ trách lĩnh vực thông tin, báo chí, Thứ trưởng có thể cho biết cụ thể hơn về những đổi mới này?
Nhiều năm qua, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính luôn xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành. Tuy nhiên, bên cạnh đó phải nói rằng, để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, điều cốt yếu vẫn là nhờ vào sự tích cực chủ động của các cơ quan báo chí đã rất sát sao đối với các hoạt động của ngành Tài chính. Nhiều phóng viên báo chí rất năng động, nhạy bén theo dõi, tìm hiểu thông tin qua nhiều “kênh” của các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính để có những bài viết phản ánh thực tế, khách quan để dư luận hiểu, chia sẻ, đóng góp vào việc ban hành các chính sách tài chính. Các nội dung tuyên truyền đã đảm bảo đúng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Quá trình phối hợp tuyên truyền giữa các đơn vị của Bộ Tài chính với các cơ quan báo chí trong và ngoài ngành đã chặt chẽ hơn. Bộ Tài chính đã thường xuyên tổ chức các cuộc giao ban báo chí định kỳ, định hướng cho lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính nhận thức rõ lợi ích của công tác phối hợp tuyên truyền với các cơ quan báo chí, thông qua đó các cơ quan báo chí chính là “cầu nối” chuyển tải những thông điệp chính sách tài chính một cách kịp thời và đầy đủ; từ đó thu nhận những ý kiến đóng góp từ nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp sức thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và nhiệm vụ tài chính - ngân sách quốc gia nói riêng.

Ngoài ra, các đơn vị trong ngành Tài chính đã chủ động xây dựng các kế hoạch, kịch bản, nội dung tuyên truyền để định kỳ hàng tuần, hàng tháng tổ chức các cuộc họp báo, cung cấp những thông tin chính sách tài chính, những vấn đề khúc mắc khi áp dụng trong thực tế mà dư luận, người dân, doanh nghiệp còn chưa rõ. Ngoài các nhiệm vụ cụ thể như: Tập trung thông tin tuyên truyền về các giải pháp đồng bộ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả; về đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; việc tổ chức, thực hiện các Luật mới được ban hành; cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ; kết quả thực hiện xây dựng, hoàn thiện cơ chế tài chính gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế…; trong quá trình thực hiện nếu phát sinh những nhiệm vụ mới, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chủ động đề xuất, báo cáo Bộ triển khai thực hiện.

Nhờ đó, các cơ quan báo chí đã kịp thời bám sát thông tin, tuyên truyền về các chính sách tài chính, công tác điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ, cũng như quá trình điều hành, thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tài chính, để độc giả hiểu rõ hơn chính sách, pháp luật về tài chính, góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đặc biệt là những chính sách liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.

Thưa Thứ trưởng, nhiệm vụ tài chính - NSNN của ngành Tài chính năm 2016 diễn ra trong bối cảnh có nhiều yếu tố khó khăn tác động đến thu, chi, cân đối NSNN; đồng thời, Bộ Tài chính có nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp… Theo Thứ trưởng, lực lượng báo chí ngành Tài chính cần phải phát huy vai trò “cầu nối” thông tin như thế nào cho hiệu quả, để góp phần vào hoàn thành nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới?

Năm 2016, Chính phủ đặt ra những mục tiêu: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh… Để thực hiện những mục tiêu đó, ngay từ đầu năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2016. Ngày 8/1/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hành động kèm theo Quyết định 69 thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ.

Chính phủ cũng đã ban hành 2 nghị quyết rất quan trọng đó là Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Bộ Tài chính đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động cho toàn ngành Tài chính.

Đối với ngành Tài chính, việc thực hiện các chỉ đạo điều hành của Chính phủ là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt để triển khai các chính sách tài chính áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. Như vậy, trong thời gian tới các cơ quan báo chí ngành Tài chính cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; không chỉ là một kênh thông tin tuyên truyền của ngành Tài chính, mà còn phải là “cầu nối” giữa các đơn vị báo chí trong ngành với các cơ quan báo chí ngoài ngành để thực hiện cho tốt mục tiêu tuyên truyền; đồng thời chủ động, sáng tạo hơn nữa trong công tác thông tin tuyên truyền, đóng góp tích cực vào định hướng dư luận, tăng cường niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân đối với các chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực tài chính cũng như sự điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN.

Nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Thứ trưởng có điều gì muốn chia sẻ với những người làm báo trong và ngoài ngành Tài chính?

Thay mặt lãnh đạo Bộ Tài chính, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới toàn thể các cơ quan thông tấn báo chí, những người làm báo trong và ngoài ngành Tài chính đã đồng hành, sát cánh cùng ngành Tài chính trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó; đồng thời, mong muốn nhận được sự hợp tác tích cực hơn nữa của các cơ quan thông tấn báo chí, đối với ngành Tài chính trong thời gian tới. Xin kính chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!