Thủ tục hải quan điện tử:

Đã có nhiều định nghĩa về thủ tục Hải quan điện tử (TTHQĐT) được tiếp cận từ nhiều phương diện khác nhau, tại Nghị định số 87/2012/NĐ-CP ngày 23/10/2012, TTHQĐT được định nghĩa là “TTHQĐT là thủ tục hải quan trong đó việc khai, tiếp nhận, xử lý thông tin khai hải quan, trao đổi các thông tin khác theo quy định của pháp luật về thủ tục hải quan giữa các bên có liên quan thực hiện thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan”.

Lợi ích của việc áp dụng TTHQĐT:

- Đối với cơ quan quản lý nhà nước, TTHQĐT cho phép: (i) Giảm thiểu số lượng thủ tục hành chính của ngành Hải quan. Đây là một trong những mục tiêu rất khó đạt khi Nhà nước còn thực hiện TTHQ theo phương thức truyền thống; (ii) Thực hiện triệt để hơn nguyên tắc quản lý tập trung thống nhất của ngành Hải quan. Nguyên tắc này thường xuyên bị vi phạm không phải chỉ vì yếu kém của tổ chức và nhân lực ngành Hải quan mà chủ yếu là vì thiếu phương thức hiện đại thay thế cho phương thức truyền thống; (iii) Tăng cường hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước trong lĩnh vực Hải quan.

- Đối với người khai hải quan doanh nghiệp (DN), TTHQĐT cho phép: (i) Giảm thiểu nhiều loại chi phí về hải quan, trong đó nổi lên là: Giảm chi phí làm tờ khai hải quan; Giảm thời gian kiểm tra hải quan; Giảm thời gian kiểm tra sau thông quan; Giảm thời gian xử lý các lỗi kỹ thuật nghiệp vụ; Giảm chi phí đưa và nhận hối lộ giữa DN với công chức hải quan; (ii) Tránh hoặc giảm thiểu được nhiều rủi ro trong giao lưu thương mại quốc tế, trong đó dễ thấy nhất là: Giảm thiểu xung đột thủ tục giữa các quốc gia do áp dụng chung các chuẩn mực quốc tế; Giảm thiểu tác động phá hoại của buôn lậu và gian lận thương mại do được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời; (iii) TTHQĐT tạo nhiều thuận lợi cho DN hội nhập quốc tế.

Các bước triển khai thủ tục hải quan điện tử tại Việt Nam

Do đặc điểm của mình, Việt Nam lựa chọn áp dụng TTHQĐT bằng hai bước: Bước thực hiện thí điểm trong phạm vi hẹp và bước thực hiện chính thức trong phạm vi cả nước.

Bước thực hiện thí điểm

Bước thực hiện thí điểm được tiến hành trong 7 năm với 02 giai đoạn nối tiếp nhau, trong đó: Giai đoạn I (từ tháng 10/2005 đến tháng 11/2009) – thí điểm hẹp được thực hiện tại Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh và Cục Hải quan Hải Phòng; Giai đoạn II – thí điểm mở rộng bắt đầu thực hiện từ tháng 12/2009 đến tháng 12/2012 tại 21 Cục hải quan tỉnh và thành phố.

Căn cứ những nội dung của TTHQĐT trong Quyết định 149/2005/QĐ-TTg, ngành Hải quan đã xác định chi tiết các nội dung nổi bật của TTHQĐT trong giai đoạn thí điểm này, bao gồm: (i) Khai báo và tiếp nhận thông tin qua phương tiện điện tử. (ii) Xử lý thông tin khai hải quan tự động; (iii) Áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro để đánh giá độ tuân thủ và phân luồng hàng hóa dựa trên bộ tiêu chí quản lý rủi ro và hồ sơ tuân thủ DN; (iv) Ra quyết định thông quan dựa trên việc phân tích thông tin với sự hỗ trợ của hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.

Trong quá trình thực hiện, các đơn vị thí điểm đều áp dụng Quy trình TTHQĐT với 5 bước cơ bản là: (i) Tiếp nhận; (ii) Kiểm tra tờ khai; (iii) Phân luồng tờ khai; (iv) Duyệt phân luồng; (v) Chấp nhận thông quan và xác nhận thực xuất, thực nhập. Trong quy trình trên này, bước phân luồng là nơi quyết định xem hàng hóa thuộc luồng Xanh, luồng Vàng hay luồng Đỏ, trong đó: (i) Luồng Xanh, chấp nhận thông quan trên cơ sở thông tin tại tờ khai điện tử; (ii) Luồng Vàng, phải kiểm tra các chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan trước khi thông quan; (iii) Luồng Đỏ, kiểm tra thêm thực tế hàng hóa trước khi thông quan.

Bước thực hiện chính thức trong phạm vi cả nước

Sau khi kết thúc 02 giai đoạn thí điểm vào cuối năm 2012, TTHQĐT đã được Chính phủ quyết định thực hiện chính thức trong phạm vi cả nước từ ngày 1/1/2013 tại Nghị định số 87/2012/NĐ-CP. Phát huy kết quả của Bước thí điểm, Hải quan cả nước đã nhanh chóng triển khai Bước thực hiện chính thức này, tiếp tục làm phong phú thêm thành tựu và kết quả của việc áp dụng TTHQĐT tại Việt Nam từ năm 2005 đến nay.

Kết quả triển khai thủ tục hải quan điện tử theo tiêu chí định lượng

- Giai đoạn I (2005-2009) – thí điểm hẹp:

Căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện thí điểm giai đoạn này là Quyết định số 149/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Kết quả là 403 DN tham gia; Thông quan cho 97.362 tờ khai với lưu lượng trung bình đạt 123 tờ khai/ngày; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) trong 3 năm (2006-2008) đạt xấp xỉ 10,550 tỷ USD; Tổng thuế hải quan thu được xấp xỉ 9.287 tỷ đồng (riêng năm 2008 đạt xấp xỉ 4.492 tỷ đồng); Kim ngạch XNK đối với hàng hóa làm thủ tục tại Chi cục Hải quan điện tử Hải Phòng các năm 2006, năm 2007, năm 2008 chiếm lần lượt 3,65%, 4,54%, 10,95% trên tổng kim ngạch XNK đối với hàng hóa làm thủ tục tại Cục Hải quan Hải phòng; Kim ngạch XNK đối với hàng hóa làm thủ tục tại Chi cục Hải quan điện tử Hồ Chí Minh các năm 2006, năm 2007, năm 2008 chiếm lần lượt 7,3%, 8,32%, 9,86% trên tổng kim ngạch XNK đối với hàng hóa làm thủ tục tại Cục Hải quan Hồ Chí Minh. Tỷ lệ phân luồng tại Hải Phòng: luồng Xanh: 67%; Vàng: 10%; Đỏ: 23%, tại TP. Hồ Chí Minh: luồng Xanh: 39%; Vàng: 49%; Đỏ: 12%; Thời gian thông quan trung bình đối với các lô hàng luồng Xanh là 5 - 10 phút, luồng Vàng từ 20 - 30 phút, luồng Đỏ phụ thuộc vào thời gian kiểm tra hàng hóa.

- Giai đoạn II (12/2009-12/2012) - thí điểm mở rộng:

Căn cứ pháp lý để triển khai mở rộng thí điểm trong giai đoạn này là Quyết định số 103/2009/ QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Với kết quả giai đoạn này, ngoài 02 Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh và Hải phòng, dự kiến ban đầu sẽ có thêm 08 Cục Hải quan khác tham gia. Tuy nhiên, trên thực tế, số tham gia ngay từ đầu giai đoạn này đã là 10 Cục Hải quan, đến cuối giai đoạn lên tới 21 Cục Hải quan (chiếm trên 61% tổng số Cục Hải quan trong cả nước).

Tính theo số Chi cục Hải quan thì tỷ lệ tham gia còn cao hơn (lên tới trên 89%). Số DN thực hiện TTHQĐT đạt gần 42.000 đơn vị. Đặc biệt, so với tổng số cả nước, số tờ khai TTHQĐT và tổng kim ngạch XNK qua phương thức điện tử đều đạt trên 95%. Tỷ lệ phân luồng Xanh, Vàng, Đỏ lần lượt đạt là: 40,6%, 43,2%, 6,1%.

Theo một số kết quả điều tra, khảo sát sâu trong thí điểm thực hiện TTHQĐT hai giai đoạn về một trong những chỉ tiêu quan trọng hàng đầu của thí điểm là “Thời gian làm TTHQ” cho thấy: Thời gian làm thủ tục trung bình tại luồng Xanh mất 5-10 phút, tại luồng Vàng mất 20-30 phút, tại luồng Đỏ mất 60-120 phút. Từ kết quả trên cho thấy, nếu năm 2012 không thực hiện TTHQĐT thì cả Hải quan và DN, mỗi bên đều phải tốn thêm một lượng thời gian khổng lồ để thực hiện TTHQ theo phương thức truyền thống là: (480-120) phút x 3,86 triệu tờ khai = 1.389,6 triệu phút làm việc (tương đương với gần 2,9 triệu ngày làm việc 8 giờ). Nếu tính theo kết quả từ luồng Xanh thì thời gian tốn thêm này sẽ còn cao hơn nữa.

- Thực hiện chính thức cả nước:

Căn cứ pháp lý để chính thức thực hiện TTHQĐT là Nghị định số 87/2012/NĐ-CP ngày 23/10/2012 của Chính phủ. Sau một thời gian ngắn thực hiện TTHQĐT trên phạm vi cả nước, tính đến cuối tháng 5/2013, kết quả bước đầu đạt được trên toàn hệ thống rất đáng ghi nhận:

(i) Toàn bộ 34/34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố đã triển khai thực hiện tới 132 Chi cục trực thuộc, trong đó 22 Cục triển khai tới 100% Chi cục trực thuộc.

(ii) Hầu hết các loại hình XNK đã áp dụng TTHQĐT.

Thủ tục hải quan điện tử trong bối cảnh áp dụng các chuẩn mực hải quan hiện đại - Ảnh 1

(ii) Tất cả 34 Cục đều triển khai Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử phiên bản mới (phiên bản 4.0).

(iv) Đã có gần 37 nghìn DN tham gia TTHQĐT. So với tổng số DN hoạt động trong lĩnh vực XNK cả nước, số tham gia này đạt 93,8%.

(v) Tổng kim ngạch XNK của các DN tham gia trên đây đạt 84 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 94,9% tổng kim ngạch XNK cả nước.

(vi) Thực hiện phân luồng tờ khai TTHQĐT: Luồng Xanh 62,9%, Luồng Vàng 26,7%, Luồng Đỏ 10,3%.

Một số hạn chế, tồn tại

Quá trình thực hiện TTHQĐT những năm qua tuy đã có những cải tiến, điều chỉnh, bổ sung cả về hình thức và nội dung trong từng bước, từng giai đoạn, nhưng xét tổng thể vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại, trong đó nổi lên là:

Thứ nhất, tỷ trọng TTHQĐT trong tổng số Thủ tục hải quan hiện còn quá thấp. Trong Danh mục được công bố với tổng số 114 TTHQ thì TTHQĐT chỉ chiếm trên 32 % với 37 thủ tục. Đã có tới 26 nhóm với 54 Thủ tục hải quan, trong đó hoàn toàn không có một TTHQĐT nào kể cả Nhóm 13 (Xuất xứ), Nhóm 16 (Bưu chính), Nhóm 17 (Chuyển phát nhanh), Nhóm 18 (XNK Xăng dầu).

Thứ hai, TTHQĐT chỉ mới được triển khai trong một phạm vi hạn hẹp. Trong các cấp của ngành Hải quan, việc triển khai thực hiện TTHQĐT mới tiến hành ở cấp Chi cục của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố.

Thứ ba, so với Chuẩn mực hải quan hiện đại, những gì đã đạt được của TTHQĐT cũng mới chỉ đáp ứng được một phần ít ỏi. Nếu coi chuẩn mực hải quan quốc tế là những thước đo về chất thì rõ ràng rằng TTHQĐT Việt Nam còn khá nhiều việc phải làm trong những năm tới.

Những thách thức đặt ra

Việt Nam đã có Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 (tại Quyết định số 448/QĐ-TTg), trong đó đặt mục tiêu xây dựng hải quan Việt Nam hiện đại, đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á. Từ thực trạng áp dụng TTHQĐT trên đây, so với mục tiêu của Chiến lược phát triển hải quan Việt Nam đến năm 2020, có thể xác định vấn đề đặt ra là phải hoàn thiện TTHQĐT Việt Nam theo hướng áp dụng các chuẩn mực hải quan hiện đại đến năm 2020.

Từ vấn đề tổng thể đó, có thể xác định các vấn đề đặt ra cụ thể là: (i) Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý về TTHQĐT; (ii) Phát triển công nghệ thông tin cân xứng với Ứng dụng công nghệ thông tin trong áp dụng TTHQĐT; (iii) Tiếp tục cải cách bộ máy ngành Hải quan theo yêu cầu hoàn thiện TTHQĐT; (iv) Giải quyết bền vững việc cung cấp nhân lực cấp cao của ngành Hải quan cho nhu cầu hoàn thiện TTHQĐT.

Vấn đề đặt ra trên đây đòi hỏi phải được nghiên cứu công phu, bài bản bằng những công trình khoa học ở cấp độ thích hợp.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Công Bình (2002), Nghiên cứu đề xuất mô hình quản lý Hải quan điện tử, Đề tài khoa học cấp Ngành, Tổng cục Hải quan;

2. Bộ Tài chính, Quyết định 50/2005/QĐ-BTC về Quy định quy trình thực hiện thí điểm TTHQĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

3. Bộ Tài chính, Quyết định 52/2005/QĐ-BTC Quy định về thí điểm TTHQĐT;

4. Bộ Tài chính, Thông tư 222/2009/TT-BTC Hướng dẫn thí điểm TTHQĐT;

5. Tổng cục hải quan, Báo cáo Tổng kết công tác ngành Hải quan năm 2005, 2006, 2007, 2008, 2009, 2010, 2011, 2012 (Tổng cục Hải quan).

Thủ tục hải quan điện tử trong bối cảnh áp dụng các chuẩn mực hải quan hiện đại

ThS. Nguyễn Bằng Thắng

(Tài chính) Việt Nam đã có Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 (tại Quyết định số 448/ QĐ-TTg), trong đó đặt mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á. Thực tế cho thấy đã có những thành tựu lớn trong việc áp dụng thủ tục hải quan điện tử ở Việt Nam nhưng cũng có không ít vấn đề đặt ra trong những năm tới.

Xem thêm

Video nổi bật