Thủ tục hải quan với hàng hóa tạm nhập tái xuất
(Tài chính) Theo quy định mới tại Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính, thủ tục hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX), có những thay đổi trong địa điểm làm thủ tục, hồ sơ và công tác quản lý. Bên cạnh đó, có những quy định mới như cửa khẩu tái xuất, việc vận chuyển hàng hóa bằng container.
Thông tư số 128/2013/TT-BTC phân chia rõ thủ tục hải quan tạm nhập và thủ tục hải quan tái xuất, khác với Thông tư số 194/2010/TT-BTC vốn quy định chung thủ tục cho cả hai loại hình này.
Thủ tục hải quan tạm nhập hàng hóa được thực hiện tại chi cục hải quan cửa khẩu nơi lưu giữ hàng hóa tạm nhập, trong khi đó theo quy định cũ tại Thông tư số 194/2010/TT-BTC thì “hàng hóa kinh doanh TNTX chỉ được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu”.
Đối với hàng tạm nhập, hồ sơ hải quan ngoài những chứng từ như đối với hàng NK thương mại, thương nhân phải đăng ký cửa khẩu tái xuất hàng hóa trên ô “ghi chép khác” trên tờ khai hải quan (trường hợp tái xuất qua nhiều cửa khẩu thì có thể lập Bảng kê cửa khẩu xuất kèm tờ khai) và phải nộp 01 bản sao hợp đồng XK.
Hồ sơ hải quan với hàng tái xuất ngoài những chứng từ như đối với hàng hóa XK thương mại, người khai hải quan phải khai cụ thể hàng hóa tái xuất thuộc tờ khai tạm nhập nào trên ô “ghi chép khác” của tờ khai hải quan XK.
Trường hợp thủ tục tái xuất được thực hiện tại cửa khẩu khác cửa khẩu tạm nhập hàng hóa, người khai hải quan phải nộp thêm 01 bản sao hợp đồng xuất khẩu có xác nhận của hải quan làm thủ tục tạm nhập và 01 bản sao, xuất trình bản chính tờ khai hải quan tạm nhập.
Một quy định mới của Thông tư số 128/2013/TT-BTC là về cửa khẩu tái xuất. Cửa khẩu tái xuất được thực hiện theo quy định của Chính phủ và quy định của Bộ Công Thương.
Trường hợp thương nhân cần thay đổi cửa khẩu tái xuất đã ghi trên tờ khai XK thì làm thủ tục theo hướng dẫn tại khoản 10 Điều 61 Thông tư này.
Thêm một quy định mới của Thông tư số 128/2013/TT-BTC đó là hàng hóa tạm nhập có thể được chia thành nhiều lô hàng để tái xuất nhưng trong trường hợp vận chuyển bằng container, không cho phép chia nhỏ container trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực giám sát của cơ quan hải quan tại cửa khẩu tái xuất.
Trường hợp có lý do chính đáng, thương nhân đề nghị chuyển sang container khác hoặc phương tiện vận tải khác nhưng vẫn đảm bảo điều kiện về niêm phong, giám sát hải quan để tái xuất, chi cục hải quan nơi giám sát hàng hóa xem xét, quyết định và bố trí công chức giám sát việc chuyển hàng hóa sang container, phương tiện vận tải của thương nhân.
Thông tư số 128/2013/TT-BTC cũng quy định rõ ràng hơn trách nhiệm của thương nhân và các đơn vị hải quan khi giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển từ cửa khẩu tạm nhập đến cửa khẩu tái xuất.
Thương nhân, người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đúng tuyến đường, thời gian đã được cơ quan hải quan xác nhận trên Biên bản bàn giao hàng hóa và bảo quản hàng hóa nguyên trạng niêm phong hải quan trong suốt quá trình vận chuyển.
Trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố bất khả kháng làm suy chuyển niêm phong hải quan hoặc thay đổi nguyên trạng hàng hóa thì người khai hải quan/người vận tải phải áp dụng các biện pháp để hạn chế tổn thất và báo ngay cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc chi cục hải quan nơi gần nhất để lập biên bản xác nhận hiện trạng của hàng hoá.
Chi cục hải quan cửa khẩu tạm nhập có trách nhiệm: niêm phong hàng hóa; lập 03 Biên bản bàn giao hàng hóa kinh doanh TNTX; niêm phong hồ sơ hải quan kèm 02 Biên bản bàn giao cho thương nhân vận chuyển đến cửa khẩu xuất; fax Biên bản bàn giao hàng hóa cho chi cục hải quan cửa khẩu xuất trước 17 giờ hàng ngày để phối hợp theo dõi, quản lý; theo dõi thông tin phản hồi từ chi cục hải quan cửa khẩu xuất.
Chi cục hải quan cửa khẩu tái xuất có trách nhiệm theo dõi thông tin các lô hàng vận chuyển đến cửa khẩu xuất theo Biên bản bàn giao kể từ khi nhận được thông tin về hàng hóa do chi cục hải quan cửa khẩu tạm nhập fax đến.
Đội kiểm soát hải quan khi nhận được thông tin hàng hóa kinh doanh TNTX vận chuyển không đúng tuyến đường, thời gian đã đăng ký trong địa bàn hoạt động của mình phải chịu trách nhiệm tổ chức truy tìm lô hàng theo đề nghị của Chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai. Trường hợp ngoài địa bàn hoạt động thì báo cáo Cục Điều tra chống buôn lậu để phối hợp truy tìm lô hàng.