Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bấm nút khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia
Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia vừa được Văn phòng Chính phủ chính thức khai trương chiều ngày 12/3/2019. Đến tham dự và bấm nút khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký chữ ký số đầu tiên ban hành Quyết định phê duyệt đề án Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Trục liên thông văn bản quốc gia là tiền đề của nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số. “Đây là một bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ để tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của Chính phủ điện tử”, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo Văn phòng Chính phủ, việc ứng dụng Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia, mỗi năm tiết kiệm được khoảng 1.200 tỷ đồng (tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, chi phí thời gian được tính toán theo World Bank…), sau khi trừ chi phí thuê dịch vụ của VNPT.
Văn phòng Chính phủ cho biết, về kết quả chuyển đổi sử dụng Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử, từ ngày 19/01/2019, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cùng với tập đoàn VNPT – đơn vị triển khai, để tiến hành chuyển đổi hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ mới, thử nghiệm gửi, nhận văn bản điện tử với 95 bộ, ngành, địa phương; thực hiện theo dõi, đánh giá tình hình gửi, nhận văn bản của các bộ, ngành, địa phương sau chuyển đổi. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống đang hoạt động ổn định.
Cụ thể, số lượng đơn vị kết nối hệ thống Quản lý văn bản và điều hành thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia là 95/95 cơ quan (31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng) đã hoàn thành kết nối thông qua mạng Truyền số liệu chuyên dùng của các cớ quan Đảng, Nhà nước.
Tính đến ngày 8/3/2019, 100% cơ quan đã hoàn thành cập nhật mã định danh cơ quan theo Thông tư 10/2016/TT-BTTTT ngày 01/4/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về việc ban hanh Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc mã định danh và định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các phần mềm Quản lý văn bản và điều hành.
Trong thời gian từ ngày 19/1/2019 đến 8/3/2019 đã có 12.257 văn bản gửi, 35.360 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia, trong đó Thanh tra Chính phủ chưa phát sinh gửi văn bản điện tử. Hiện 63/95 cơ quan đã chuẩn bị được máy chủ bảo mật dùng riêng, tích hợp chứng thư số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp (bảo đảm văn bản điện tử gửi, nhận thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia được thông suốt, an toàn, an ninh), 32/95 cơ quan đang sử dụng máy chủ bảo mật chung do Văn phòng Chính phủ cung cấp.
Thống kê của Văn phòng Chính phủ cũng cho thấy, 32/95 cơ quan đã hoàn thành việc nâng cấp phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, đang chạy chính thức; 8/95 cơ quan đã hoàn thiện việc nâng cấp, đang trong giai đoạn kiểm thử; 19/95 cơ quan đang thực hiện nâng cấp phần mềm; Các cơ quan còn lại có kế hoạch cụ thể nâng cấp phần mềm.
Đặc biệt, về bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia, Văn phòng Chính phủ khẳng định vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh thông tin văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia được Văn phòng Chính phủ đặc biệt quan tâm. Do vậy, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các Bộ Công an và Bộ TT&TT tiến hành kiểm tra, đánh giá an toàn an ninh đối với hệ thống thiết bị, hệ thống ứng dụng Trục liên thông văn bản quốc gia. Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục cùng Bộ TT&TT và Bộ Công an liên tục rà soát, đánh giá an toàn bảo mật đối với Trục liên thông văn bản quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn tối đa cho hệ thống