Thủ tướng phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của Ngân hàng Chính sách xã hội”

Theo vietstock.vn

(Tài chính) Ngày 21/01/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 164/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của Ngân hàng Chính sách xã hội”.

Thủ tướng phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của Ngân hàng Chính sách xã hội”
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 164/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của Ngân hàng Chính sách xã hội”. Nguồn: internet

Theo đó, mục tiêu của Đề án là nâng cao năng lực tài chính, phản ánh đúng chất lượng tín dụng, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; nâng cao chất lượng tài sản, củng cố năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động, đảm bảo Ngân hàng Chính sách xã hội thực sự là công cụ thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đề án sẽ tiến hành đánh giá lại chất lượng tài sản, khả năng thu hồi và giá trị của nợ xấu; Tập trung xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội bao gồm: Các khoản nợ tồn đọng, không có khả năng thu hồi của 3 chương trình tín dụng mà Ngân hàng Chính sách xã hội đã nhận bàn giao nguyên trạng từ năm 2003 từ Kho bạc Nhà nước (cho vay giải quyết việc làm), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (cho vay học sinh, sinh viên), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (cho vay hộ nghèo) và các khoản nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo giải pháp xử lý nợ xấu, đối với các khoản nợ xấu bị rủi ro do nguyên nhân khách quan đủ điều kiện xử lý theo quy định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ thì Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện xử lý rủi ro kịp thời theo đúng quy định.

Các khoản nợ đã được khoanh nợ, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 và Thông tư số 161/2010/TT-BTC ngày 20/10/2010 của Bộ Tài chính.

Còn các khoản nợ xấu tồn đọng nhận bàn giao không có khả năng thu hồi và các khoản nợ xấu không có khả năng thu hồi phát sinh trong quá trình hoạt động không đủ điều kiện xử lý theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với các khoản nợ xấu phát sinh do các nguyên nhân như: học sinh, sinh viên ra trường chưa xin được việc làm hoặc việc làm có thu nhập không ổn định mà gia đình gặp khó khăn chưa có khả năng trả nợ; học sinh, sinh viên chết, gia đình gặp khó khăn chưa có khả năng trả nợ...; người lao động nước ngoài phải về nước trước hạn do nhiều nguyên nhân khác nhau sau khi về nước không có khả năng trả nợ; các khoản nợ xấu được đánh giá có khả năng thu hồi nhưng người vay không có ý thức trả nợ do nhiều nguyên nhân như: khách hàng có khả năng trả nợ nhưng không trả, sử dụng vốn vay sai mục đích... sau khi áp dụng các biện pháp đôn đốc, thu hồi mà vẫn không thu được nợ, Ngân hàng Chính sách xã hội tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Các khoản nợ quá hạn khách hàng có khả năng trả nợ, có ý thức trả nợ, những khoản vay được đánh giá có khả năng trả nợ nhưng chây ỳ không trả nợ, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan chỉ đạo quyết liệt trong việc đôn đốc, thu hồi nợ.

Về nguồn vốn xử lý nợ xấu, Quyết định nêu rõ sẽ sử dụng Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội để bù đắp số nợ xấu không có khả năng thu hồi. Trường hợp Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng không đủ bù đắp, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.