Thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp trong khối ASEAN
Ở các nước đang phát triển, nhất là các nước trong khối ASEAN, vấn đề hợp tác xuyên biên giới giữa trường đại học với doanh nghiệp (DN) chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân là do năng lực thể chế, sự không nhất quán giữa chương trình nghiên cứu của trường đại học với nhu cầu của DN.
Đặt vấn đề
Động lực thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp (DN) dựa trên nền tảng của lý thuyết hợp tác, trong đó các bên quan tâm đến kết quả tích cực của khả năng phối hợp, tiếp cận các nguồn lực, trao đổi chuyên môn và chia sẻ rủi ro. Điều này cũng cộng hưởng với lý thuyết định hướng thực hành về lợi thế hợp tác khi nhấn mạnh vào cách điều hành, lãnh đạo và quản lý sự hợp tác giữa các tổ chức để đạt được lợi thế dựa trên sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực, kinh nghiệm và chuyên môn khác nhau.
Liên kết xuyên biên giới giữa trường đại học và DN trong khối ASEAN là một loại hình hợp tác nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác nghiên cứu và phát triển (R&D); chuyển giao kiến thức và kỹ thuật giữa các nhà khoa học và DN nhằm đạt được sự phát triển vượt bậc về khoa học và nghiên cứu.
Liên kết xuyên biên giới giữa trường đại học và DN trong khối ASEAN là một loại hình hợp tác nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác nghiên cứu và phát triển (R&D); chuyển giao kiến thức và kỹ thuật giữa các nhà khoa học và DN nhằm đạt được sự phát triển vượt bậc về khoa học và nghiên cứu.
Bài viết tổng quát về quan điểm thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới giữa trường đại học và DN hiện nay; thảo luận về khuyến nghị của các bộ, ngành, cơ quan quản lý đối với vấn đề thúc đẩy hợp tác R&D giữa trường đại học và DN trong khối ASEAN, với 4 trọng tâm sau: (i) Chính sách, quy hoạch tổng thể; (ii) Trợ cấp và tài trợ; (iii) Chính sách ưu đãi thuế và (iv) Vai trò của các cơ quan quản lý. Trên cơ sở đó, gợi ý những giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động R&D; chuyển giao kỹ thuật, chuyển giao kiến thức và đổi mới công nghệ giữa trường đại học với DN trong khối ASEAN.
Quan điểm về thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới giữa các trường đại học và doanh nghiệp
Quan điểm hợp tác phát triển R&D nhằm tối đa hóa lợi ích kinh tế và xã hội đang dần trở thành chiến lược quan trọng của mỗi quốc gia. Ở các quốc gia, nhất là khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, chính sách hợp tác xuyên biên giới được xây dựng bài bản và hệ thống, có sự tham gia tích cực của nhiều bên liên quan, bao gồm Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và DN.
Chương trình chứng thực đổi mới giữa các cơ quan phát triển kinh doanh của Ireland và Vương quốc Anh cũng là điển hình của việc chuyển giao công nghệ và hỗ trợ đổi mới. Chương trình này hướng tới thiết lập mối quan hệ với các tổ chức tri thức (như trường đại học hoặc trung tâm công nghệ), tạo điều kiện hỗ trợ DN tìm kiếm cơ hội hợp tác tiềm năng.
Chương trình chứng thực đổi mới xuyên biên giới cũng được các nước trong Khu tam giác 3 nước Hà Lan, Bỉ, Đức quan tâm thúc đẩy nhằm hỗ trợ DN khắc phục những tồn tại, khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ các công ty hợp tác với các tổ chức giáo dục, chẳng hạn: Năm 2012, Bộ Kinh tế Hà Lan hỗ trợ Chính phủ 3 nước này với số tiền 172 triệu EUR để thành lập Trung tâm Holst xuyên biên giới. Trung tâm nghiên cứu chung này được vận hành, cung cấp quyền truy cập vào các cơ sở nghiên cứu cao cấp cho các thành viên; kết nối mạng lưới giao tiếp giữa cá nhân xuyên biên giới, giữa tổ chức giáo dục và DN nhằm tối đa hóa khoản đầu tư và giảm thiểu rủi ro.
Về giáo dục và đào tạo, Chính phủ các quốc gia khuyến khích, thúc đẩy mối liên kết giữa trường đại học và DN thông qua việc thiết lập và hỗ trợ các chương trình học bổng cho sinh viên sau đại học. Ví dụ, Chính phủ Chile đã cung cấp học bổng cho sinh viên nghiên cứu thực tiễn tại các DN.
Liên quan đến hệ thống tài trợ và khen thưởng, Chính phủ các nước Anh, Canada, Ấn Độ và Singapore đã triển khai việc cung cấp cho các trường đại học những ưu đãi tài chính bổ sung, nếu các trường đại học đạt được thỏa thuận với các ngành công nghiệp, các DN.
Các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế hiện nay cũng áp dụng các biện pháp như: Sử dụng kinh phí thu được từ việc cấp bằng sáng chế, tham gia vào các công ty khởi nghiệp... để khen thưởng cho các nhà nghiên cứu có những đóng góp quan trọng trong phát triển quan hệ đối tác giữa trường đại học với DN.
Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và phát triển giữa các trường đại học với doanh nghiệp trong khối ASEAN
Ở các nước đang phát triển, nhất là các nước trong khối ASEAN, vấn đề hợp tác xuyên biên giới giữa trường đại học với DN chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân là do năng lực thể chế, sự không nhất quán giữa chương trình nghiên cứu của trường đại học với nhu cầu của DN.
Các khuyến nghị thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới giữa các trường đại học và DN trong khối ASEAN được tác giả thu thập và phân tích từ các cuộc thảo luận nhóm, có sự tham gia của các bên liên quan đến từ các bộ, ngành, cơ quan quản lý của các quốc gia trong khối ASEAN. Cụ thể:
Chính sách, quy hoạch tổng thể
Quan điểm của đa số các bộ, ngành, cơ quan quản lý tại các quốc gia trong khối ASEAN đều cho rằng, cần thiết phải có chính sách và quy hoạch tổng nhằm khuyến khích, thúc đẩy hoạt động hợp tác xuyên biên giới giữa trường đại học với DN về R&D. Nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết lập một nền tảng hợp tác, nơi kiến thức và dữ liệu được chia sẻ giữa trường đại học và DN. Nền tảng này giúp hạn chế sự trùng lặp ý tưởng đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động R&D… Cụ thể:
Tại Myanmar: Chính phủ Myanmar đang triển khai Kế hoạch Chiến lược Giáo dục Quốc gia 2016-2021. Chiến lược này được triển khai nhằm thành lập Quỹ Nghiên cứu và đổi mới quốc gia, cũng như hình thành các Trung tâm R&D trong các cơ sở giáo dục đại học/trường đại học, qua đó khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động R&D.
Tại Indonesia: Tương tự Myanmar, Chính phủ Indonesia cũng xây dựng và ban hành nhiều chính sách khác nhau như: (i) Nghị định của Tổng thống số 16/2018 để cải thiện việc hoạch định chính sách công dựa trên nghiên cứu; (ii) Nghị định số 38/2018 của Tổng thống về Kế hoạch Tổng thể Nghiên cứu quốc gia. Các chính sách này đều hướng tới tích hợp các chương trình nghiên cứu giữa các bộ, ngành, cơ quan quản lý với chính quyền địa phương và cộng đồng các nhà khoa học.
Tại Philippines: Đạo luật Cộng hòa 10055: Đạo luật Chuyển giao Công nghệ của Philippines được ban hành vào năm 2009, góp phần thúc đẩy khuôn khổ và hệ thống hỗ trợ cho quyền sở hữu, quản lý và thương mại hóa sở hữu trí tuệ được tạo ra từ R&D. Cùng với đó, Bộ luật Sở hữu trí tuệ (Đạo luật khác 8293) cũng được Philipines xây dựng để điều chỉnh các thỏa thuận chuyển giao công nghệ. Ngoài hoạch định chính sách, Chính phủ Philippines còn triển khai các chương trình như: (i) Hợp tác R&D; (ii) Đổi mới kinh doanh thông qua khoa học và công nghệ để tạo điều kiện cho các công ty Philippines thuận lợi mua lại các công nghệ chiến lược...
Tại Thái Lan: Để thúc đẩy sự hợp tác xuyên biên giới giữa trường đại học với DN trong khối ASEAN, cộng đồng khoa học của Thái Lan khuyến nghị thành lập các Trung tâm Chuyển giao Tri thức ASEAN để đổi thông tin giữa các thành viên ASEAN.
Tại Campuchia: Hợp tác R&D ở Campuchia hiện nay còn yếu, do vậy Chính phủ Campuchia tích cực khuyến khích các chuyên gia nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các nhà nghiên cứu học thuật trong nước. Campuchia cũng nhận ra rằng, các công ty ở Campuchia ngại đầu tư vào R&D, vì đây được coi là một hoạt động tốn kém và có nguy cơ thất bại cao. Do đó, Chính phủ Campuchia đã cung cấp một khoản trợ cấp cho các DN địa phương đầu tư vào hoạt động R&D. Campuchia cũng đề nghị thành lập một chương trình bảo hiểm rủi ro công nghệ ASEAN để hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động R&D giữa các DN với các chương trình mua sắm khác.
Trợ cấp và tài trợ
Để có thể sử dụng hiệu quả các khoản tài trợ khuyến khích đầu tư cho R&D giữa các ngành, trong các nghiên cứu trước đây, nhiều học giả đã khuyến nghị các nước trong khối ASEAN cần cung cấp nguồn tài chính hỗ trợ hoạt động nghiên cứu của các công ty R&D. Thực tế hiện nay, Chính phủ Singapore đã cung cấp các khoản trợ cấp và tài trợ (lên đến 70% các dự án nghiên cứu) cho các DN vừa và nhỏ tại địa phương để khuyến khích sự hợp tác giữa trường đại học và DN.
Hay tại Myanmar, đối với bất kỳ dự án R&D nào, Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ 20% tài chính và 80% còn lại các cơ quan ban, ngành địa phương tự cân đối. Theo đó, một quá trình sàng lọc và lựa chọn nghiêm ngặt được thực hiện để chọn ra các dự án R&D có chất lượng được nhận hỗ trợ. Sau đó, một hệ thống giám sát và đánh giá phức hợp được áp dụng để đo lường tiến độ và hiệu quả của các dự án…
Chính sách ưu đãi thuế
Thảo luận tại buổi làm việc giữa các bộ, ngành liên quan của các nước trong khối ASEAN, các đại diện đều nhất trí rằng, chính sách ưu đãi thuế là công cụ có sức ảnh hưởng để thúc đẩy hợp tác R&D giữa các trường đại học và DN. Đại diện Malaysia cho hay, theo Đạo luật Xúc tiến Đầu tư năm 1986 của nước này, các công ty R&D có thể được hưởng trợ cấp thuế đầu tư 100% trong vòng mười năm. Chính sách này chủ yếu nhằm khuyến khích các ngành công nghiệp ở Malaysia đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động R&D.
Vai trò của các bộ, ngành, cơ quan quản lý của Chính phủ
Khảo sát cho thấy, tại Singapore, Malaysia và Thái Lan đã hình thành các cơ quan đầu mối hỗ trợ DN đầu tư vào R&D; thúc đẩy sự hợp tác giữa trường đại học với DN, cụ thể như:
Tại Malaysia, một cơ quan chuyên trách hiện đang chịu trách nhiệm về đầu tư xuyên biên giới, khuyến khích các công ty của Malaysia có mặt ở các nước ASEAN khác đầu tư vào R&D, bằng cách hợp tác với các trường đại học ở nước sở tại.
Tại Singapore, một chương trình cụ thể đã được thiết kế nhằm đưa các nhà khoa học đến các DN để nghiên cứu thực tiễn.
Tại Thái Lan, công viên Khoa học Thái Lan hiện tại không chỉ cung cấp cơ sở hạ tầng mà còn cung cấp cơ chế để ngành công nghiệp hợp tác với các nhà nghiên cứu hàn lâm, cũng như tất cả các thành viên ASEAN có ý định hợp tác với các ngành công nghiệp Thái Lan trong R&D. Không chỉ vậy, cơ quan này còn cung cấp cơ sở dữ liệu cho các nước ASEAN để xác định các đối tác phù hợp trong ngành cho các hoạt động hợp tác R&D.
Tại Myanmar, Chính phủ nước này đã thành lập Cục Nghiên cứu và Đổi mới để khuyến khích sự hợp tác R&D giữa các trường đại học và DN.
Tại Indonesia, đã có 38/100 khu khoa học và công nghệ ở Indonesia được hoàn thành và đưa vào vận hành để hỗ trợ các DN vừa và nhỏ về công nghệ, cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng, thuận tiện trong hợp tác R&D với các tổ chức học thuật.
Như vậy, để thúc đẩy sự hợp tác xuyên biên giới giữa các trường đại học với DN, trong thời gian tới, các quốc gia trong khối ASEAN, nhất là Việt Nam cần tập trung giải quyết 2 vấn đề trọng tâm sau:
Thứ nhất, thiết lập nền tảng, năng lực nghiên cứu của các trường đại học ở mỗi quốc gia trong khối ASEAN. Từ đó, hình thành mối liên kết, tương tác giữa các trường đại học - tư cách là nhà cung cấp với các DN - tư cách là người yêu cầu.
Thứ hai, tận dụng sự sẵn có của cơ sở hạ tầng và cấu trúc thông tin để bắt đầu hợp tác R&D.
Tài liệu tham khảo:
1. Bruneel, J., d’Este, P., & Salter, A. (2010), Investigating the factors that diminish the barriers to university–industry collaboration, Research policy, 39(7), 858-868;
2. Muscio, A., & Pozzali, A. (2013), The effects of cognitive distance in university-industry collaborations: some evidence from Italian universities, The Journal of Technology Transfer, 38(4), 486-508;
3. OECD (Organization for Economic Co-operation and Development). (2013), Regions and Innovation: Collaborating across Borders, OECD Reviews of Regional Innovation, OECD Publishing.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2021