Thúc đẩy hợp tác và thu hút có chọn lọc dòng vốn đầu tư nước ngoài


Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư và vị thế trên trường quốc tế ngày càng tăng.

Thu hút có chọn lọc dòng vốn đầu tư nước ngoài mới

Ngày 23/7, Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác. Phát biểu tại buổi họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, nhấn mạnh đây là thời điểm thuận lợi cho Việt Nam để thu hút có chọn lọc dòng vốn đầu tư nước ngoài mới phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, song cũng cần nhận diện rõ, xử lý các thách thức khách quan và chủ quan trong hợp tác đầu tư nước ngoài và cần có những hành động và giải pháp đột phá để kịp thời thu hút dòng vốn.

Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng giao, trong đó lưu ý việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài cần hướng tới có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Trong quá trình đó, cần đặc biệt lưu ý coi trọng phát triển doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác của Việt Nam, có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển.

Hiện nay, Việt Nam đang được xác định là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư và vị thế trên trường quốc tế ngày càng tăng, cùng với những biện pháp phòng chống COVID-19 tích cực và hiệu quả. Nhằm tận dụng lợi thế này, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 850/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng nhằm đón được làn sóng đầu tư mới khi các tập đoàn đa quốc gia đang đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất sau đại dịch Covid-19.

Đón làn sóng đầu tư mới, còn nhiều việc phải làm

Chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm, đạt 15,67 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/6/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tổng số gần 16 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong nửa đầu năm, có 8,44 tỷ USD đến từ 1.418 dự án đăng ký mới, tăng 13,8% so với cùng kỳ.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài vẫn còn bị ảnh hưởng. Điều này sẽ tiếp ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Việt Nam. Do vậy, bên cạnh quyết tâm chính trị, còn nhiều việc phải làm để Việt Nam thực sự là điểm đến tin cậy của nhà đầu tư nước ngoài, nhất là đang xuất hiện cơ hội đón làn sóng đầu tư mới.

Tính đến ngày 20/6/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tổng số gần 16 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong nửa đầu năm, có 8,44 tỷ USD đến từ 1.418 dự án đăng ký mới, tăng 13,8% so với cùng kỳ.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2019, ông Takahisa Onose, đại diện Nhóm Công tác thuế và hải quan cho rằng, Việt Nam cần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư bằng những cơ chế chính sách công bằng và hợp lý dựa trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cốt lõi trong lĩnh vực thuế và kế toán, như khấu trừ chi phí hợp lý, ghi nhận doanh thu, định giá mua bán ngoài cho những giao dịch liên quan đến các khu vực tài phán có thuế suất khác...

Ngoài ra, các nhà đầu tư vẫn còn những quan ngại liên quan đến sự thiếu ổn định về chính sách, các quy định pháp luật chưa rõ ràng và thiếu minh bạch, gây ra những khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện; hạ tầng cho các hoạt động logistic chưa phát triển đồng bộ; nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao còn hạn chế…