Thu hút FDI dưới góc nhìn kiểm toán

Theo baokiemtoannhanuoc.vn

Thực tiễn kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khu vực XIII trên địa bàn 4 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuậ̣n những năm qua cho thấy, FDI đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh này. Tuy nhiên, hoạt động thu hút FDI của các địa phương nói chung vẫn còn những hạn chế, bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển.

Thu hút FDI dưới góc nhìn kiểm toán.
Thu hút FDI dưới góc nhìn kiểm toán.

Nhiều hạn chế trong thu hút FDI

Tính đến năm 2019, tổng vốn đầu tư FDI tại 4 tỉnh nêu trên khoảng 81.549 tỷ đồng, tăng 185% so với năm 2015 và đang trong xu hướng tăng. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai là 2 tỉnh thu hút lớn nguồn vốn FDI. Các dự án FDI đã góp phần giúp các địa phương này trở thành những tỉnh công nghiệp có tiềm năng phát triển tốt, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Dòng vốn FDI cũng giúp hình thành các khu đô thị mới năng động từ những vùng đất hoang hóa kém phát triển trước kia như: huyện Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai), thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Bên cạnh những thành công, dưới góc nhìn của KTNN khu vực XIII, hoạt động thu hút FDI của các địa phương nói chung vẫn còn những hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển:

Cụ thể, hiện nay, Việt Nam đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với hơn 70 nước trên thế giới, trong đó, rất nhiều nước áp dụng biện pháp khấu trừ thuế để xử lý vấn đề tránh đánh thuế hai lần. Theo đó, các nhà đầu tư cư trú tại nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam và đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tại Việt Nam thì không được miễn thuế TNDN tại nước cư trú, chỉ được khấu trừ số thuế TNDN đã nộp tại Việt Nam vào số thuế TNDN mà nhà đầu tư phải nộp tại nước cư trú. Do đó, nếu Việt Nam ưu đãi thuế TNDN cho nhà đầu tư thì họ cũng sẽ không được hưởng lợi do thuế TNDN phải nộp cho nước cư trú sẽ tăng lên tương ứng. 

Mặt khác, phần lớn các dự án FDI chỉ sử dụng công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với khu vực. Một số dự án còn tiêu tốn năng lượng, sử dụng nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường… Nhiều dự án chuẩn bị đầu tư không tốt; nhà đầu tư không đủ năng lực, kinh nghiệm và nguồn tài chính, dẫn đến các dự án đã đăng ký bị bỏ dở hoặc chậm trễ triển khai. Hoạt động thu hồi đất còn nhiều bất cập, chậm tiến độ khiến nhiều dự án FDI có vốn đầu tư đăng ký lớn nhưng không thể triển khai, làm cho tỷ lệ giải ngân vốn FDI đạt thấp. 

Hiện nay, gần như chính quyền các tỉnh đều chưa có một quy trình giám sát quá trình đầu tư FDI hiệu quả, phân cấp trách nhiệm rõ ràng giữa các sở, các ngành, các huyện thị, xã, phường trong giám sát đầu tư để đảm bảo quá trình đầu tư tuân thủ theo đúng tiến độ và các cam kết của nhà đầu tư. Việc ký quỹ đầu tư đối với các DN FDI chưa được một số tỉnh thực hiện nghiêm túc, dẫn đến các dự án FDI chây ỳ, không đúng tiến độ. Hoạt động chuyển giá của các DN FDI chưa có dấu hiệu giảm sút và ngày càng tinh vi. 

Đổi mới cơ chế ưu đãi, tận dụng cơ hội, kiểm tra và giám sát toàn diện…

Từ thực trạng trên, KTNN khu vực XIII đề xuất một số giải pháp thu hút nguồn vốn FDI như sau:
Đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư theo hướng giảm bớt việc áp dụng các hình thức ưu đãi về miễn, giảm thuế TNDN có thời hạn để chuyển sang áp dụng hình thức ưu đãi thuế khác hiệu quả hơn.

Rà soát để thu hẹp danh mục ngành, nghề được hưởng ưu đãi thuế. Nhằm tránh tình trạng nhà đầu tư FDI chỉ sử dụng công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến để đầu tư sản xuất, kinh doanh, không nên ưu đãi theo ngành nghề, lĩnh vực chung chung mà cần chỉ rõ những sản phẩm, công nghệ, thế hệ của từng ngành, nghề được ưu đãi để thu hút đầu tư.

Cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc có xu hướng còn kéo dài; Hoa Kỳ, Nhật Bản đang kêu gọi rút vốn đầu tư, di dời các nhà máy đầu tư tại Trung Quốc về nước hoặc sang các nước Đông Nam Á. Xu hướng này đã và đang  tác động lớn đến thu hút FDI của Việt Nam. Để tận dụng được cơ hội này, Việt Nam cần tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, xã hội, kinh tế vĩ mô; thực hiện nhất quán chủ trương và chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài; xây dựng môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, có tính cạnh tranh cao, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và các yêu cầu trong các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã tham gia.

Nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản phẩm, hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn khu vực và thế giới theo hướng bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng. Không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên.

Các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa các địa phương trong vùng, trong đó phối hợp 3 mặt: xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và quy hoạch, kế hoạch thu hút FDI nói riêng; thực hiện quy hoạch, kế hoạch thu hút FDI; cung cấp thông tin cho địa phương bạn liên quan đến: chiến lược, định hướng thu hút FDI và danh mục dự án kêu gọi đầu tư trong từng thời kỳ, giai đoạn; tiêu chí, thứ tự ưu tiên các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn kêu gọi đầu tư và thu hút FDI...

Xây dựng, thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư FDI ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư và cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của các DN FDI sau khi đã đi vào hoạt động; phân định rõ chức năng của từng cơ quan quản lý nhà nước, từng cấp chính quyền địa phương; kịp thời kiểm tra các dự án, DN gây ô nhiễm môi trường, các dự án sử dụng đất không hiệu quả, không thực hiện ký quỹ đầu tư, không thực hiện đúng tiến độ đầu tư theo cam kết.