Thúc đẩy tái sử dụng chất thải và phát triển kinh tế tuần hoàn


Hội đồng châu Âu mới đây đã nhất trí bỏ phiếu thông qua Quy định vận chuyển chất thải (WSR) sửa đổi. Các quy định mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái sử dụng chất thải làm nguồn tài nguyên, giảm lượng xuất khẩu chất thải sang các nước ngoài khối và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Nguồn: Shutterstock.com
Nguồn: Shutterstock.com

Chất thải có thể là một nguồn tài nguyên có giá trị nếu được sử dụng một cách cẩn trọng. Khi chất thải được vận chuyển xuyên biên giới không được kiểm soát đúng cách và quản lý bền vững ở các quốc gia nhập khẩu, nó có thể gây hại cho sức khỏe con người và môi trường. Mặt khác, các chất thải này nếu được xử lý đúng cách có thể mang lại nhiều giá trị kinh tế tích cực và nhiều lợi ích đối với môi trường. Đây là trường hợp chất thải được tái chế và sử dụng làm vật liệu thứ cấp thay thế vật liệu thô và góp phần tạo ra nền kinh tế tuần hoàn hơn.

Thương mại quốc tế về chất thải đang không ngừng gia tăng và EU đóng một vai trò quan trọng. Quy định về vận chuyển chất thải có hiệu lực từ năm 2006. Kể từ khi được thông qua, việc xuất khẩu chất thải từ EU sang các nước thứ ba đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là sang các nước không phải là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Việc thiếu các điều khoản chi tiết để bảo đảm chất thải được quản lý bền vững ở các quốc gia tiếp nhận rác thải đã dẫn đến những thách thức về thực thi yếu kém cũng như môi trường và sức khỏe cộng đồng ở các quốc gia đó.

Chính vì vậy, mục đích chính của WRS sửa đổi là bảo vệ môi trường và giảm thiểu rủi ro đối với sức khỏe con người, đồng thời thiết lập sự rõ ràng hơn về mặt pháp lý và theo đuổi sự hài hòa trong lĩnh vực vận chuyển chất thải xuyên biên giới. Văn bản hiện tại cập nhật Quy định về vận chuyển chất thải của EU năm 2006 và được xây dựng dựa trên Công ước Basel năm 1989 và Quyết định của OECD năm 2001. Đây là các hiệp định quốc tế liên quan đến việc vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và hệ thống kiểm soát chất thải có mục đích thu hồi.

Nhiều cơ hội tái chế hơn

Theo đó, các quy định mới trong WRS áp đặt các hạn chế chặt chẽ hơn đối với việc xuất khẩu chất thải sang các quốc gia không phải là thành viên của EU hoặc OECD. Chất thải chỉ có thể được gửi đến các quốc gia không thuộc OECD nếu quốc gia đó xác nhận sẵn sàng nhận lô hàng, cũng như có thể bảo đảm rằng chất thải sẽ được xử lý theo cách bền vững và thân thiện với môi trường.

Quy trình quản lý chất thải ở các quốc gia này phải được kiểm toán độc lập và Ủy ban châu Âu (EC) sẽ có quyền giám sát. Việc đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về xuất khẩu chất thải đồng nghĩa có nhiều cơ hội tái chế hơn.

Theo Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), chỉ có 46% chất thải hiện được tái chế ở EU, và xuất khẩu chất thải của EU đã tăng 75% kể từ năm 2004. Chủ tịch Hiệp hội Quản lý Chất thải châu Âu Claudia Mensi nhấn mạnh, hiện nay vai trò Hiệp hội là hiểu được những hạn chế như vậy đòi hỏi năng lực tái chế và quản lý chất thải được cải thiện, nhu cầu tái chế mạnh mẽ và ổn định, và các quy trình được cải tiến để từ đó họ có khả năng xử lý lượng chất thải ngày càng tăng này.

Điều chỉnh các quy định về chất thải nhựa

Các quy định mới cũng đưa ra lệnh cấm xuất khẩu chất thải nhựa không nguy hại sang các nước không thuộc OECD. Tuy nhiên, lệnh cấm này có thể được dỡ bỏ trong tương lai đối với từng quốc gia tiếp nhận, nếu Chính phủ xác nhận sẵn sàng chấp nhận nhựa và có thể đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý chất thải. Việc vận chuyển chất thải nhựa giữa các nước EU và các nước OECD sẽ được xử lý giống như các chuyến hàng rác thải khác, nhưng EC vẫn sẽ xem xét kỹ lưỡng các hoạt động này.

Một nhà bảo vệ môi trường của Tổ chức phi lợi nhuận Basel Action Network cho biết, mặc dù EU đã lắng nghe những lời kêu gọi của tổ chức và thừa nhận những tác động khủng khiếp do tiêu thụ và xuất khẩu quá nhiều chất thải nhựa mang lại, song, Liên đoàn Công nghiệp Tái chế châu Âu (EURIC) đã cảnh báo rằng “lệnh cấm hoàn toàn đối với xuất khẩu nhựa mà không có khả năng đầu ra ở châu Âu sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho các nhà tái chế nhựa của EU và ngành tái chế nhựa trong nước.

Ngăn chặn các hành vi trái phép

EEA ước tính, khoảng 15 - 30% các chuyến hàng chở rác thải là bất hợp pháp, đây cũng là một điểm quan trọng của các quy định mới.

Theo Hội đồng châu Âu, việc vận chuyển bất hợp pháp làm tăng rủi ro môi trường và loại bỏ vật liệu lưu thông có thể được tái sử dụng hoặc tái chế. Quy định này hỗ trợ các hoạt động xuyên quốc gia để điều tra nạn buôn bán chất thải và thành lập một nhóm châu Âu chịu trách nhiệm thực thi các quy định và tăng cường hợp tác.

Ngoài ra, nạn buôn bán chất thải cũng là một trong những tội phạm môi trường nghiêm trọng nhất hiện nay, gây hại nghiêm trọng đối với môi trường. Hơn nữa, nhiều chuyên gia đã tìm ra mối liên hệ rõ ràng giữa buôn bán chất thải và tội phạm có tổ chức. Có tới 1/3 số lượng vận chuyển chất thải được cho là bất hợp pháp, tạo ra lợi nhuận bất hợp pháp đáng kể hàng năm.

Để tăng cường phản ứng của EU đối với nạn buôn bán rác thải, sẽ có sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các quốc gia thành viên EU. Từ đó, đề ra nhiều biện pháp trừng phạt răn đe phù hợp đối với tội phạm liên quan đến buôn bán rác thải bất hợp pháp. EC có thể hành động thực tế để hỗ trợ điều tra của các quốc gia thành viên về tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến buôn bán chất thải, với sự tham gia trực tiếp của Văn phòng Chống Lừa đảo Liên minh châu Âu (OLAF).

Những bước tiếp theo

Sau khi được thông qua chính thức, những quy định mới sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ khi được công bố chính thức.

EC đã chuẩn bị cho việc triển khai nhanh chóng các quy trình kỹ thuật số đúng thời hạn. Sau đó, EU sẽ tiếp cận thông qua các diễn đàn đa phương cũng như song phương để cung cấp và hỗ trợ cho các quốc gia đối tác đang nỗ lực đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu mới. Điều này cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hoạt động quản lý chất thải tốt hơn và áp dụng các mô hình tuần hoàn hiệu quả trong nền kinh tế các nước đối tác của EU.

Những quy định mới có trong thỏa thuận kiểm soát chất thải trở thành cam kết chính của "Thỏa thuận Xanh châu Âu". Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn mới và Kế hoạch hành động không gây ô nhiễm cũng như Chiến lược mới của EU nhằm giải quyết tội phạm có tổ chức giai đoạn 2021 - 2025.

Nhà hoạt động cấp cao của Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) Lauren Weir cho biết, hiện tại các quốc gia thành viên EU phải bảo đảm rằng, mọi nỗ lực được thực hiện để việc xuất khẩu rác thải nhựa của EU trong tương lai phải được quản lý theo cách thân thiện với môi trường và không tác động tiêu cực đến khả năng tái chế của các quốc gia tiếp nhận. Vận chuyển chất thải an toàn và hiệu quả là chìa khóa cho nền kinh tế tuần hoàn. Quy định mới mang lại những thay đổi quan trọng và hiện đại hóa các chuyến hàng rác thải, bao gồm cả việc số hóa các quy trình, giúp tăng tốc độ, hiệu quả, tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn