Đưa công nghệ là nhân tố trung tâm của cuộc cách mạng xử lý chất thải
hứ trưởng Trần Hồng Thái khẳng định, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) luôn duy trì sự hỗ trợ và đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, cũng như tạo ra môi trường kinh doanh thích hợp để khuyến khích đầu tư đổi mới, đưa công nghệ là nhân tố trung tâm quan trọng của cuộc cách mạng xử lý chất thải.
Ngày 9/12, Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo “Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt - Thực trạng và giải pháp”.
Phát triển và ứng dụng công nghệ vào xử lý CTRSH
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái cho biết, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đã trở thành vấn đề nóng và ngày càng được quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Sự gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế đã làm cho lượng CTRSH ngày càng tăng, không chỉ ở các đô thị mà còn ở cả các khu vực nông thôn. Điều này không chỉ tác động tiêu cực đến môi trường mà còn đặt ra những thách thức về quản lý chất thải và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đi cùng với sự gia tăng về lượng CTRSH là kèm theo vấn đề tìm kiếm và lựa chọn các giải pháp xử lý CTRSH một cách phù hợp để vừa đảm bảo việc xử lý không gây ô nhiễm môi trường cũng như tận dụng được rác thải như một nguồn tài nguyên. Đây là vấn đề rất được quan tâm không chỉ trong vùng đồng bằng sông Cửu Long mà còn được rất nhiều địa phương quan tâm trong thời gian vừa qua.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho rằng, trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt, không có một công nghệ duy nhất nào được coi là tối ưu. Việc lựa chọn công nghệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương, loại rác thải, quy mô xử lý, nguồn lực kinh tế và môi trường. Một sự kết hợp và tối ưu các công nghệ khác nhau cũng có thể được áp dụng tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi địa phương.
Bên cạnh đó, cần áp dụng tối đa xu thế công nghệ tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng, tài nguyên từ rác thải. Vấn đề quan trọng là các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt khi đưa vào sử dụng cần bảo đảm được vận hành đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường, bảo đảm tính khả thi về hiệu quả đầu tư, vận hành và tính bền vững.
Những dự án áp dụng lò đốt có công suất nhỏ (350-1000 kg/h) là những giải pháp tình thế, tạm thời để xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các khu dân cư nhỏ. Cần khuyến khích mô hình xử lý tập trung, quy mô đủ lớn và công nghệ hiện đại, với quy mô xử lý từ 500 tấn trở lên. Đẩy mạnh kinh tế xanh, tuần hoàn, xử lý chất thải rắn sinh hoạt kết hợp với chất thải rắn công nghiệp tại các khu công nghiệp theo mô hình tiết kiệm năng lượng, tận dụng nhiệt từ chất thải rắn phục vụ cho các hộ tiêu thụ trong khu công nghiệp.
Theo Thứ trưởng, chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam có độ ẩm cao, lẫn nhiều tạp chất, phân loại đầu nguồn chưa tốt… Do đó, công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với Việt Nam phải khắc phục được những nhược điểm trên và có giá thành đầu tư phù hợp.
Thứ trưởng cũng khẳng định, Bộ KH&CN luôn duy trì sự hỗ trợ và đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, cũng như tạo ra môi trường kinh doanh thích hợp để khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ trong lĩnh vực này để đưa công nghệ là nhân tố trung tâm quan trọng của cuộc cách mạng xử lý chất thải, đồng thời tạo điều kiện cho sự hợp tác đa ngành, lĩnh vực, đa cấp độ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Để rác thải trong tương lai không phải là vấn nạn mà là nguồn nguyên liệu
Theo ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, trong bối cảnh mật độ phát triển dân cư tăng nhanh, quỹ đất ngày càng khan hiếm, thì vấn đề rác thải và xử lý rác thải đã trở thành mối quan tâm lớn của toàn xã hội, nhất là khi cách thức xử lý truyền thống đã không thể tiếp tục thực hiện hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng cho biết, thực tế cho thấy, trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, với mật độ các khu dân cư, cơ sở sản xuất, thương mại dịch vụ hình thành ngày càng nhiều đã kéo theo lượng chất thải, rác thải gia tăng nhanh chóng.
Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh, hàng ngày phát sinh khoảng 1.000 tấn rác thải. Rác thải phần lớn được thu gom về bãi rác tạm hoặc được chôn lấp và xử lý bằng chế phẩm sinh học, nhằm hạn chế mùi hôi, tăng tốc độ phân hủy. Tuy nhiên, phương pháp xử lý cũ hiện không phát huy hiệu quả, ngày càng phát sinh ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân. Toàn tỉnh chỉ có nhà máy xử lý rác thải Bến Tre có lò đốt rác nhưng từ tháng 10/2022 đã ngưng hoạt hoạt động để tái cơ cấu.
Trước thực trạng trên, đòi hỏi cần phải đặc biệt quan tâm đầu tư công nghệ xử lý rác hiện đại, tiên tiến, hiệu quả kinh tế cao, nhằm giải quyết tốt các vấn đề về môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thực hiện thành công Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
“Qua Hội nghị này, tỉnh Bến Tre cũng mong muốn Bộ KH&CN và các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục quan tâm, hỗ trợ về vấn đề quản lý chất thải rắn hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, cũng như tăng cường hơn nữa sự phối hợp, hợp tác và liên kết với tỉnh Bến Tre, các tỉnh, thành phía Nam trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là thông tin, chia sẻ các kinh nghiệm về xử lý chất thải rắn thông qua giải pháp về công nghệ đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường và phát triển bền vững, góp phần hỗ trợ các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long sớm hoàn thành mục tiêu về tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn góp phần phát triển kinh tế xã hội của cả nước”, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nêu.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng đề nghị các ngành chức năng của tỉnh lắng nghe, ghi nhận, tiếp thu đầy đủ những nội dung cốt lõi được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân chia sẻ, nhất là ý kiến chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ để đề xuất, tham mưu cho Tinh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong chỉ đạo, điều hành, góp phần xử lý tốt vấn đề rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân trong thời gian tới.
“Tôi tin rằng, thông qua sự hợp tác và chia sẻ vấn đề về công nghệ, chính sách xử lý rác thải tại Hội thảo sẽ ghi nhận được nhiều thông tin về các công nghệ tiên tiến; các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẵn sàng tham gia, chung tay giải quyết tốt vấn đề rác thải, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh Bến Tre nói riêng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói riêng, để rác thải trong tương lai không phải là vấn nạn mà là nguồn nguyên liệu mới theo hướng kinh đảm bảo phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết.
Trình bày tham luận về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến xử lý chất thải rắn trong chương trình khoa học và công nghệ KC06/21-30, GS.TS. Huỳnh Trung Hải - Hiệu trưởng Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình KH&CN cấp quốc gia "Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ ngành công nghiệp môi trường" KC.06/21-30 cho biết: Các giải pháp quản lý cần đi đôi với việc phát triển và áp dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng và chất thải rắn nói chung.
Đối với vùng ĐBSCL, chất thải rắn sinh hoạt tập trung ở các khu đô thị nhưng lượng phát thải không lớn, do đó, cần tính toán kỹ phương án đốt rác phát điện. Hơn nữa, chất thải rắn sinh hoạt phần lớn là rác thải hữu cơ, chất thải nông nghiệp, phụ phẩm nông nghiệp chiếm tỉ trọng lớn, vì vậy cần phân loại triệt để để có thể tận dụng nguồn chất thải hữu cơ làm phân bón, đẩy mạnh áp dụng nguyên lý của kinh tế tuần hoàn, gia tăng giá trị cho ngành sản xuất nông nghiệp.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp đã giới thiệu và chia sẻ các giải pháp công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã và đang áp dụng tại Việt Nam và trên thế giới như công nghệ khí hóa, than sinh học… Đây cũng là dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xử lý chất thải rắn sinh hoạt của một số nước phát triển để các địa phương có thể xem xét, cân nhắc lựa chọn các giải pháp công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương./.