Thúc đẩy trái phiếu bằng đồng nội tệ, góp phần phát triển thị trường trái phiếu khu vực ASEAN+3
Trong những năm qua, Việt Nam và các nước thành viên đã không ngừng thúc đẩy thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ hướng tới một thị trường trái phiếu khu vực ASEAN+3 phát triển và hội nhập.
Sáng kiến Thị trường trái phiếu châu Á (ABMI) được khởi xướng vào tháng 12/2002 và được phê duyệt vào tháng 8/2003 tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3. Việt Nam là một trong những nước thành viên tham gia tích cực và được hưởng nhiều lợi ích từ những hoạt động của Sáng kiến Thị trường trái phiếu châu Á. Trong những năm qua, Việt Nam và các nước thành viên đã không ngừng thúc đẩy thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ hướng tới một thị trường trái phiếu khu vực ASEAN+3 phát triển và hội nhập.
Phát triển thị trường trái phiếu sử dụng đồng nội tệ
ABMI được khởi xướng vào tháng 12/2002 và được phê duyệt vào tháng 8/2003 tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3. Mục tiêu hoạt động của ABMI là thúc đẩy sự phát triển của các thị trường trái phiếu sử dụng đồng nội tệ và hướng tới một thị trường trái phiếu khu vực dễ tiếp cận hơn cho cả nhà phát hành và nhà đầu tư, qua đó cho phép các nền kinh tế trong khu vực huy động tiền tiết kiệm trong nước để tài trợ cho nhu cầu đầu tư dài hạn, tăng cường ổn định tài chính và giảm tính dễ bị tổn thương của khu vực trước những biến động của thị trường vốn quốc tế.
Nhằm triển khai các hoạt động cụ thể hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển các thị trường trái phiếu sử dụng đồng nội tệ, ABMI tập trung vào 4 lĩnh vực chính, bao gồm: (i) Phát triển nguồn cung về trái phiếu sử dụng đồng nội tệ; (ii) Thúc đẩy nhu cầu đầu tư đối với trái phiếu sử dụng đồng nội tệ; (iii) Tăng cường khung khổ pháp lý; (iv) Cải thiện cơ sở hạ tầng các thị trường trái phiếu trong khu vực. Bên cạnh đó, ABMI cũng triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật giúp các nước trong khu vực tăng cường năng lực trong phát triển thị trường trái phiếu sử dụng đồng nội tệ.
Với việc các thị trường trái phiếu sử dụng đồng nội tệ đang phát triển nhanh chóng ở một số nước thành viên trong thời gian qua, ABMI đã tập trung hoạt động vào các kết quả cụ thể, bao gồm triển khai các hoạt động bảo lãnh trong khuôn khổ Quỹ Đầu tư và Bảo lãnh Tín dụng (CGIF), phát triển các kế hoạch tài trợ cơ sở hạ tầng, tăng cường các hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn Thị trường trái phiếu châu Á thông qua việc giới thiệu một chương trình phát hành trái phiếu chung, để thúc đẩy sự hài hòa hoá và tiêu chuẩn hóa các quy định, qua đó thành lập một trung gian thanh toán khu vực nhằm giảm các giao dịch và thanh toán trái phiếu xuyên biên giới; đồng thời, củng cố nền tảng cho hệ thống xếp hạng tín nhiệm khu vực.
Khuyến khích phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ
Nhằm mục tiêu khuyến khích các nước thành viên ASEAN+3 phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ, ABMI đã nghiên cứu triển khai một cơ chế bảo lãnh tín dụng đầu tư nhằm hỗ trợ nâng mức tín nhiệm của các khoản phát hành trái phiếu sử dụng đồng nội tệ trong khu vực.
Theo đó, các Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 đã nhất trí thành lập CGIF với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Quỹ CGIF được thành lập nhằm tạo ra một cơ chế tài chính hỗ trợ dài hạn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đạt mức tín nhiệm xếp hạng đầu tư, thông qua phương thức cung cấp bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp bằng đồng nội tệ. Hoạt động bảo lãnh trái phiếu của CGIF đã mở ra một cơ hội mới đối với các tập đoàn, công ty trong khu vực ASEAN+3 để đa dạng hóa nguồn vốn, cũng như tiếp cận thị trường trái phiếu khu vực một cách toàn diện và sâu rộng.
Kể từ khi bắt đầu thực hiện bảo lãnh vào tháng 4/2013, tính đến giữa năm 2020, Quỹ CGIF đã thực hiện phát hành thành công 39 bảo lãnh cho 29 công ty từ 11 quốc gia trong khu vực ASEAN+3. Trong năm 2020, chiến lược kinh doanh của CGIF sẽ tập trung và ưu tiên với những thị trường mới như: Campuchia, Lào, Myanmar, Indonesia và Philippines.
Thúc đẩy nhu cầu đầu tư đối với trái phiếu sử dụng đồng nội tệ
ABMI đã thành lập trang web www.AsianBondsOnline.adb.org (ABO) với sự hỗ trợ của ADB để cung cấp dữ liệu và phân tích về thị trường trái phiếu sử dụng đồng nội tệ trong ASEAN + 3, cùng với các thông tin cơ bản về cơ chế giao dịch tại các nước trong khu vực.
Trang web này cũng cung cấp thông tin về các thỏa thuận giám sát và đăng ký, cũng như các liên kết internet đến các nguồn thị trường. Bên cạnh đó, trang web cũng bao gồm các hướng dẫn cụ thể về thị trường trái phiếu của các nước trong khu vực ASEAN + 3, bao gồm thông tin về khuôn khổ pháp lý, đặc điểm của thị trường trái phiếu trong nước, chính sách thuế, cơ sở hạ tầng thị trường và các thông tin liên quan khác.
Trong năm 2020, ABO đã xuất bản hai báo cáo về Giám sát trái phiếu châu Á. Đây là ấn phẩm được phát hành theo quý, cập nhật thông tin về sự phát triển của thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ trong khu vực ASEAN+3. Từ tháng 1/2020, ABO đã nâng cấp và thực hiện báo cáo hàng tuần về thị trường trái phiếu, tạo ra nguồn thông tin cập nhật thường xuyên về thị trường trái phiếu khu vực.
Từ tháng 4/2020, các thông tin về dòng vốn nước ngoài đã được cập nhật theo tuần vào Bản tin này nhằm phản ánh về danh mục đầu tư nước ngoài trong khu vực. Theo kế hoạch, ABO sẽ được nâng cấp để trở thành một cổng thông tin toàn diện về các thị trường trái phiếu trong khu vực ASEAN+3.
Tăng cường khung khổ pháp lý cho thị trường trái phiếu
Năm 2008, ABMI đã thành lập Nhóm chuyên gia về các vấn đề thanh toán và giao dịch trái phiếu xuyên biên giới (GOE) tư vấn cho các Chính phủ về vấn đề thanh toán và bù trừ xuyên biên giới nhằm thúc đẩy sự phát triển và hội nhập thị trường trái phiếu khu vực.
Dựa trên các khuyến nghị của GOE, các nhà hoạch định chính sách đã thành lập Diễn đàn Thị trường trái phiếu ASEAN + 3 (ABMF) vào tháng 5/2010 như một nền tảng chung để thúc đẩy tiêu chuẩn hóa các thông lệ thị trường và hài hòa hóa các quy định liên quan đến giao dịch trái phiếu xuyên biên giới trong khu vực. ABMF được kỳ vọng không chỉ dẫn dắt khu vực hướng tới các thị trường hòa hợp và hội nhập hơn, mà còn đóng vai trò là cầu nối giữa ASEAN + 3 và phần còn lại của thế giới trong việc thiết lập và xây dựng quy tắc tiêu chuẩn quốc tế.
Nhằm hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại các nền kinh tế ASEAN 3, ABMI đã xây dựng Khung phát hành trái phiếu bằng nhiều loại tiền tệ ASEAN+3. Theo đó, ADB và CGIF đang tiếp tục phát hành thêm trái phiếu đa tiền tệ ASEAN + 3 (AMBIF) để hỗ trợ phát triển thị trường, cũng như thúc đẩy các khoản đầu tư và phát hành trái phiếu xuyên biên giới. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của ABMF, cuốn Sổ tay hướng dẫn thị trường trái phiếu đã được phát hành tại Brunei, Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Cải thiện cơ sở hạ tầng các thị trường trái phiếu trong khu vực
Nhằm triển khai các khuyến nghị của nhóm chuyên gia GOE, các nước ASEAN đã nhất trí thành lập Diễn đàn Cơ sở hạ tầng thanh toán xuyên biên giới (CSIF) để thảo luận về các kế hoạch làm việc và các quy trình liên quan nhằm cải thiện hoạt động thanh toán xuyên biên giới trong khu vực, bao gồm khả năng thiết lập một trung gian thanh toán khu vực.
Theo đó, các ngân hàng trung ương và các trung tâm lưu ký trong khu vực sẽ nghiên cứu khả năng triển khai trong trung hạn một hệ thống liên kết lưu ký chứng khoán và trung gian thanh toán tập trung, cho phép trái phiếu nội địa của các nước thành viên có thể được thanh toán xuyên biên giới thay vì thanh toán qua hệ thống ngân hàng trung ương như hiện nay.
Hệ thống liên kết lưu ký chứng khoán và trung gian thanh toán tập trung sẽ giúp cải thiện hiệu quả chi phí và và gia tăng mức độ an toàn trong thanh toán, rút ngắn thời gian thanh toán xuống dưới 1 ngày sau khi giao dịch, qua đó thúc đẩy các giao dịch xuyên biên giới mới.
Hỗ trợ kỹ thuật cho các nước trong khu vực
Bên cạnh việc thúc đẩy việc phát triển các thị trường trái phiếu sử dụng đồng nội tệ trong khu vực, ABMI cũng cung cấp các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật với sự tài trợ của Quỹ Hỗ trợ kỹ thuật ASEAN-Nhật Bản phối hợp với Ban thư ký ASEAN, nhằm nâng cao năng lực cho các thành viên ASEAN.
Trên cơ sở đề xuất theo Lộ trình ABMI, Nhóm công tác về hỗ trợ kỹ thuật đang tiếp tục hỗ trợ tăng cường năng lực nhằm thúc đẩy sự phát triển cân bằng hơn của thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ trong khu vực ASEAN + 3. Ban thư ký ASEAN đã bắt đầu ba chương trình hỗ trợ kỹ thuật mới cho năm tài chính 2019-2020 dành cho các nước Campuchia, Indonesia và Lào. Các chương trình hỗ trợ kỹ thuật này dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10/2020. Kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật cho năm tài chính 2020-2021 dự kiến sẽ bao gồm Myanmar, Philippines và Việt Nam.
Với sự tài trợ của Quỹ Hỗ trợ kỹ thuật ASEAN-Nhật Bản, Bộ Tài chính Việt Nam đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản) triển khai 9 giai đoạn của chương trình hỗ trợ kỹ thuật về phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam và hoàn thành chương trình giai đoạn IX vào tháng 11/2019.
Bộ Tài chính Việt Nam đánh giá cao những kết quả đạt được và những hỗ trợ của nhóm chuyên gia tư vấn của ADB và Viện Nghiên cứu Nomura trong chương trình Hỗ trợ kỹ thuật giai đoạn IX, đặc biệt là việc hỗ trợ kịp thời các nhu cầu về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, các giải pháp thúc đẩy thanh khoản và mô hình tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.
ABMI và triển vọng phát triển thị trường trái phiếu tại Việt Nam
Việt Nam là một trong những nước thành viên tham gia tích cực và được hưởng nhiều lợi ích từ những hoạt động của ABMI. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp cận nguồn bảo lãnh tín dụng từ Quỹ CGIF, qua đó triển khai thành công nhiều chương trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Quỹ CGIF hỗ trợ cho các doanh nghiệp thông qua việc cung cấp bảo lãnh đối với các doanh nghiệp phát hành được xếp hạng đầu tư khi tiếp cận thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ. Hoạt động này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng đầu tư tiếp cận với thị trường đầu tư khu vực và tăng cường phát hành các công cụ nợ có thời gian đáo hạn dài hơn, phù hợp với yêu cầu về thời gian của dự án đầu tư. Quỹ CGIF hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động cụ thể sau:
- Bảo lãnh cho các doanh nghiệp được xếp hạng đầu tư phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ, qua đó giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD và cân đối thời hạn phát hành.
- Bảo lãnh trái phiếu không bằng đồng nội tệ và được phát hành bởi các doanh nghiệp được xếp hạng đầu tư, với điều kiện là các doanh nghiệp này đã được phòng ngừa rủi ro đối với đồng tiền phát hành.
- Tiến hành các hoạt động đầu tư thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu và các hoạt động và các dịch vụ khác phù hợp với mục tiêu của Quỹ CGIF.
Quỹ CGIF sẽ chỉ xem xét hỗ trợ bảo lãnh các doanh nghiệp để cải thiện tín dụng khi các doanh nghiệp này đạt các điều kiện nhất định (được xếp hạng đầu tư), đó là được đánh giá rủi ro dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá tín dụng tại quốc gia phát hành. Quỹ CGIF sẽ áp dụng các "tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế" và sử dụng mô hình đánh giá rủi ro nội bộ để đưa ra đánh giá độc lập hợp lý, qua đó áp dụng đánh giá tín nhiệm mới cho từng tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Đánh giá tín nhiệm này sẽ đo lường năng lực nội tại của tổ chức phát hành trái phiếu và sẽ không bị hạn chế bởi định mức tín nhiệm của quốc gia. Để hoạt động bảo lãnh hiệu quả, Quỹ CGIF được xếp hạng tín dụng "AAA" và đảm bảo rằng định mức tín nhiệm này được duy trì thông qua chính sách tài chính thận trọng và an toàn.
Hiện tại, CGIF ưu tiên bảo lãnh các giao dịch có tác động tích cực đến phát triển các thị trường trái phiếu phát hành bằng đồng nội tệ, bao gồm: (i) Khuyến khích các đợt phát hành của các doanh nghiệp ASEAN+3 có huy động qua biên giới; (ii) Các tổ chức phát hành trái phiếu lần đầu trên thị trường trái phiếu trong nước; (iii) Trái phiếu có kỳ hạn dài; (iv) Mở rộng diện các nhà đầu tư - khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm các cơ hội đầu tư trên thị trường trái phiếu phát hành bằng đồng nội tệ của các nước ASEAN khác; (v) Giới thiệu các công cụ mới - khuyến khích các công cụ mới và các tổ chức phát hành lần đầu.
Tính đến giữa năm 2020, Quỹ CGIF đã thực hiện phát hành thành công 39 bảo lãnh cho 29 công ty từ 11 quốc gia trong khu vực ASEAN+3. Trong năm 2020, Chiến lược kinh doanh của CGIF sẽ tập trung và ưu tiên với những thị trường mới như Campuchia, Lào, Myanmar, Indonesia và Philippines. Trong đó, riêng Việt Nam đã có 8 giao dịch đã thực hiện phát hành trái phiếu và được bảo lãnh của CGIF như: (i) Công ty Masan Tiêu dùng Việt Nam được bảo lãnh phát hành 2.100 tỷ đồng; (ii) Tập đoàn Vingroup được bảo lãnh phát hành 3.000 tỷ đồng; (iii) Tập đoàn Thế giới di động được bảo lãnh phát hành 1.135 tỷ đồng; (iv) Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN được bảo lãnh phát hành 1.135 tỷ đồng; (v) Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ được bảo lãnh phát hành 2.330 tỷ đồng; (vi) Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh được bảo lãnh phát hành 2.318 tỷ đồng; (vii) Công ty Cổ phần Năng lượng Hồng Phong được bảo lãnh phát hành 2.550 tỷ đồng; (viii) Tổng Công ty Cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam được bảo lãnh phát hành 1.150 tỷ đồng.
Thông qua Quỹ CGIF, các doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội để mở rộng và đa dạng hóa nguồn vốn; huy động vốn từ thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ, tiếp cận các thị trường trái phiếu mới và tăng cường vị thế quốc gia đối với những giao dịch trái phiếu qua biên giới. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh phát triển thị trường vốn và tài chính Việt Nam đang còn nhiều thách thức và khó khăn. Hiện tại, thị trường tài chính của Việt Nam chủ yếu dựa vào các khoản vay ngắn hạn từ hệ thống ngân hàng thương mại để huy động vốn, chưa dựa vào thị trường vốn với nguồn tài chính dài hạn hơn.
Do đó, về cả số lượng lẫn chất lượng, thị trường vốn của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển. Mặc dù, vốn hóa của thị trường chứng khoán trong nước đạt được ở mức cao nhờ những nỗ lực, tiến bộ lớn gần đây trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng quy mô thị trường này vẫn chưa đủ lớn để đáp ứng các nhu cầu về vốn ngày càng cao của khối kinh tế tư nhân. Cơ chế bảo lãnh tín dụng và đầu tư CGIF đang và sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc từng bước tiếp cận kênh huy động vốn đa dạng, minh bạch và chủ động.
Với việc phát hành bảo lãnh cho doanh nghiệp trong các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ trong khu vực, bao gồm thành công của các đợt phát hành tại Việt Nam, Quỹ CGIF đã hiện thực hóa nhu cầu của các doanh nghiệp nhận bảo lãnh, đó là giúp các doanh nghiệp huy động vốn với lãi suất cố định trong dài hạn, qua đó thúc đẩy phát triển thị trường tài chính vững mạnh và tiềm năng tại Việt Nam.