Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển đất nước
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ngành, các cấp đã chủ động, tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ, linh hoạt, sáng tạo và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng, phát triển đất nước.
Tại phiên họp thứ 56 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 27/5/2021, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của năm 2020 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2021.
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, với tinh thần quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ngành, các cấp đã chủ động, tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ, linh hoạt, sáng tạo và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng, phát triển đất nước.
Trong quản lý ngân sách nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện tốt quy định của pháp luật về thu ngân sách nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống chuyển giá, trốn lậu thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách Nhà nước. Do đó, kết quả thu ngân sách nhà nước đạt cao hơn (tăng 185 nghìn tỷ đồng) so với số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Chính phủ đã tiết kiệm chi thường xuyên, giảm thiểu tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước; ưu tiên dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, các chính sách an sinh xã hội; kịp thời sử dụng nguồn dự phòng ngân sách cho các nhiệm vụ cấp thiết và phòng chống đại dịch Covid -19, khắc phục hậu quả thiên tai…
Trong đó, ngân sách trung ương tiết kiệm được khoảng 55 nghìn tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi ngân sách nhà nước; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, gây lãng phí ngân sách nhà nước phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Tăng cường giám sát, kiểm soát bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương, góp phần giảm nợ công. Đến cuối năm 2020, dư nợ công khoảng 55,8% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49,6% GDP, trong giới hạn cho phép.
Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế nhất định trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 và chậm báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 so với thời hạn quy định, ảnh hưởng đến công tác tổng kết, đánh giá và kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chung của cả nước.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Trong đó, hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước được chú trọng; quản lý chặt chẽ nguồn thu, nhiều nội dung chi được tiết giảm, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng. Việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; quản lý sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tiếp tục được cải thiện.
Về những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, Ủy ban Tài chính ngân sách đánh giá vẫn còn hiện tượng chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn lập, gửi Chương trình và Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; vấn đề hụt thu ngân sách trong khi phải tăng chi khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh làm tăng bội chi ngân sách và nợ công; tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công; công tác cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu, tiến độ đề ra...
Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế để có cơ sở đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục, góp phần nâng cao kết quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Sau khi thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng năm 2020 là năm có nhiều khó khăn, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt được nhiều kết quả tích cực và tiến bộ hơn năm 2019. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như báo cáo đã đề ra.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát kỹ để hoàn thiện bổ sung báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra, chỉ rõ các bộ, ngành, địa phương, các điển hình, mô hình kết quả nổi bật, thực hiện tốt cũng như chỉ rõ những nơi thực hiện chưa tốt.