Thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên tạo nền tảng vững chắc xây dựng an sinh bền vững
Định hướng thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân của Đảng và Nhà nước ta đã và đang được cụ thể hóa mạnh mẽ, từ việc hoàn thiện chính sách cho đến việc hiện đại hóa công tác tổ chức thực hiện. Xuyên suốt quá trình đó, kết quả thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên những năm qua đóng vai trò quan trọng - tạo nền tảng vững chắc hướng tới xây dựng nền An sinh bền vững trong tương lai.
Khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả bảo hiểm y tế với phát triển toàn diện thế hệ trẻ
Bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên đã được thực hiện ở nước ta cách đây trên 25 năm. Cùng với quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT, BHYT học sinh, sinh viên cũng dần được hoàn thiện với những quy định pháp lý chặt chẽ hơn, bảo đảm sự phối hợp thực hiện đồng bộ giữa cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), các trường học và các cơ sở khám, chữa bệnh.
Điểm nhấn quan trọng xuyên suốt quá trình thực hiện chích sách này cho thấy, BHYT học sinh, sinh viên ngày càng khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả thiết thực với sự phát triển toàn diện của thế hệ trẻ cũng như đóng vai trò quan trọng trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân. Điều này được thể hiện rõ từ kết quả tổ chức, thực hiện chính sách BHYT học sinh, sinh viên cụ thể qua các năm học, tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh, sinh viên không ngừng được tăng lên. Từ con số khoảng 85% học sinh, sinh viên tham gia năm học 2013 - 2014, tăng lên 93,5% năm 2017 - 2018.
Hiện nay, cả nước có khoảng 17 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT trong năm 2018 - 2019, đạt tỷ lệ 95,3%. Trong đó, có 12,4 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT tại nhà trường và 4,6 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác như người nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công và thân nhân quân nhân, công an… So với tỷ lệ bao phủ BHYT của cả nước tính đến tháng 6/2019 là 89,3% dân số; tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT tương đối khả quan, đạt kết quả bao phủ và tốc độ tăng trưởng đều qua các năm.
Đạt được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực cố gắng của ngành BHXH, ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Y tế, Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế trường học trên khắp cả nước và sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác BHXH, BHYT nói chung và BHYT học sinh, sinh viên nói riêng. Công tác phối hợp, tổng kết đánh giá, định hướng thực hiện ở từng địa phương qua các năm học được tổ chức bài bản, tạo sự nhận thức đúng đắn và thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Chính sách BHYT phát huy vai trò thiết thực trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng như với các em học sinh, sinh viên. Quỹ BHYT giảm thiểu tối đa gánh nặng kinh tế cho gia đình học sinh, sinh viên trong việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh. Kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu được trích từ phần đóng BHYT của học sinh, sinh viên để lại cho nhà trường đã kịp thời hỗ trợ các em khi xảy ra tai nạn hoặc ốm đau.
Tuy nhiên, thực tế công tác tổ chức thực hiện BHYT học sinh, sinh viên cũng cho thấy vẫn còn một số hạn chế nhất định. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia chưa đồng đều; tại một số tỉnh, thành phố số học sinh, sinh viên tham gia chưa cao. Việc học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi chăm sóc sức khỏe của chính các em nếu chẳng may ốm đau, bệnh nặng; bao gồm cả chăm sóc y tế học đường - quyền lợi của chính sách BHYT chỉ có với nhóm học sinh, sinh viên.
Quan trọng hơn, với vai trò là thế hệ tương lai của đất nước, việc bảo đảm các em học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm các quy định pháp luật và được tiếp cận, những tri thức liên quan đến BHXH, BHYT sẽ là yếu tố cần thiết bảo đảm xây dựng nền An sinh xã hội bền vững. Nhìn từ góc độ định hướng thực hiện BHXH, BHYT toàn dân, với vai trò là lực lượng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu dân số nước ta, là những chủ nhân tương lai của đất nước, việc thực hiện hiệu quả BHYT học sinh, sinh viên, sẽ góp phần mở rộng diện bao phủ BHYT.
Giải pháp cơ bản tiếp tục triển khai hiệu quả bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên
Việc nâng cao hiệu quả thực hiện BHYT học sinh, sinh viên là vô cùng quan trọng với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay, đóng vai trò tạo nền tảng thực hiện BHXH, BHYT toàn dân. Để tiếp tục triển khai hiệu quả BHYT học sinh, sinh viên, cần tập trung thực hiện những giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền với tổ chức thực hiện BHXH, BHYT nói chung và BHYT học sinh, sinh viên nói riêng. Theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020, thực hiện BHYT toàn dân theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác phát triển đối tượng BHXH, BHYT là rất lớn và việc chỉ đạo thực hiện BHYT học sinh, sinh viên sẽ góp phần tạo tiền đề bền vững, từ đó góp phần hoàn thiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.
Biện pháp thiết thực nhất là đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ mức đóng BHYT học sinh, sinh viên ngoài phần kinh phí đã được ngân sách trung ương hỗ trợ. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Với các thành phố lớn, có nhiều trường cao đẳng, đại học trên địa bàn, sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền cần mạnh mẽ hơn nhằm khắc phục triệt để tình trạng sinh viên từ năm thứ hai trở đi ít tham gia BHYT; đưa tỷ lệ tham gia BHYT học sinh, sinh viên là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên và chất lượng, chỉ số xếp loại tín nhiệm của nhà trường với cộng đồng, không khen thưởng đối với các nhà trường nếu chưa hoàn thành tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT.
Hai là, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, chính sách, pháp luật về BHYT đến học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh thông qua Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên tiền phong. Công tác tuyên truyền cần được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, qua nhiều kênh thông tin nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh, sinh viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT học sinh, sinh viên.
Tuyên truyền tập trung vào những tháng đầu năm học mới, xem đây là những tháng cao điểm truyền thông về BHYT học sinh, sinh viên; nhấn mạnh thực hiện BHYT không chỉ là quyền lợi và trách nhiệm công dân của mỗi học sinh, sinh viên mà còn thể hiện ý thức chấp hành pháp luật của những chủ nhân tương lai, khẳng định vai trò của BHYT trong bối cảnh viện phí điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ.
Chú trọng vào các nội dung về quyền lợi hưởng khi tham gia BHYT của nhóm học sinh, sinh viên; những trường hợp học sinh, sinh viên được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh lớn; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện BHYT học sinh, sinh viên; những quy định mới liên quan đến BHYT học sinh, sinh viên. Để nâng cao hiệu quả truyền thông cần sự phối hợp, tham gia tích cực từ Ban Giám hiệu, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và cán bộ chuyên trách BHYT tại các trường học.
Ba là, phát huy tính chủ động của cơ quan BHXH các cấp trong công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHYT học sinh, sinh viên; Đề nghị với HĐND tỉnh đưa nội dung thực hiện chính sách BHYT nói chung, tỷ lệ bao phủ BHYT học sinh, sinh viên nói riêng vào Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương. Trên cơ sở đó, tiếp tục tham mưu với UBND các tỉnh, thành phố đưa mục tiêu, kế hoạch phát triển BHYT học sinh, sinh viên vào chỉ tiêu chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố, thực hiện nghiêm túc tiêu chí phát triển BHYT trong chương trình phát triển nông thôn mới; chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Luật BHYT, đặc biệt là quy định về trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là ngành Giáo dục và Đào tạo trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT đối với học sinh, sinh viên.
Ngành BHXH phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện một số nội dung: Giao chỉ tiêu tham gia BHYT của học sinh, sinh viên đối với từng cơ sở giáo dục, đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT học sinh, sinh viên là một trong các tiêu chí đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên.
Cơ quan BHXH tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp nhận hồ sơ tham gia BHYT và tiến hành cấp thẻ BHYT đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Khen thưởng đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác BHYT học sinh, sinh viên.
Việc thực hiện tốt và bảo đảm quyền lợi BHYT sẽ góp phần từng bước xây dựng niềm tin từ chính các em học sinh, sinh viên và cả các bậc phụ huynh, là yếu tố quan trọng để mở rộng diện bao phủ, thực hiện BHYT toàn dân.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020;
2. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;
3. Đồng bộ các giải pháp để phát triển bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, http://tapchitaichinh.vn/bao-hiem/dong-bo-cac-giai-phap-de-phat-trien-bao-hiem-y-te-hoc-sinh-sinh-vien-313068.htm;
4. Tháo gỡ khó khăn để phát triển bền vững Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, https://baomoi.com/thao-go-kho-khan-de-phat-trien-ben-vung-bao-hiem-y-te-hoc-sinh-sinh-vien/c/31628454.epi.