Huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu:
Thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế biển
Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu đã tích cực triển khai với nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ. Qua đó, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có và tạo nên những tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế biển - vốn là thế mạnh kinh tế hàng đầu của huyện.
Nâng cao nhận thức về tái cơ cấu
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 03-NQ/TU, Huyện ủy, UBND huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức triển khai học tập, quán triệt các quyết định, chương trình, kế hoạch hành động của Trung ương, của tỉnh và của huyện về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn huyện, với trên 8.809 lượt người tham dự.
Từ việc quán triệt này, nhận thức về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của cán bộ và các tầng lớp nhân dân huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu có sự chuyển biến mạnh mẽ. Từ đó, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng xây dựng chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới (NTM), thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển ngành nghề nông thôn, đầu tư thâm canh, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Mục đích là giúp người dân nông thôn tăng thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển, từng bước đạt tiêu chí nâng lên thị xã.
Có thể nói, việc thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU trong 5 năm qua, phần lớn các chỉ tiêu về sản xuất đều đạt và vượt so với kế hoạch. Theo đó, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản, xây dựng xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, các mô hình sản xuất chủ lực của huyện có năng suất, sản lượng ngày một tăng, chất lượng sản phẩm tốt hơn, đời sống của Nhân dân tiếp tục được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc...
Cụ thể, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2016-2020 là 679.676 tấn (tôm 266.220 tấn, cá và thủy sản khác 413.456 tấn), tăng 4,3% so với giai đoạn 2010-2015. Riêng năm 2020, sản lượng đạt 153.987 tấn (tôm 70.890 tấn, cá và thủy sản khác 83.097 tấn), đạt 100,6% kế hoạch UBND tỉnh giao.
Thúc đẩy phát triển sản xuất
Đối với lĩnh vực khai thác đánh bắt thủy sản, huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình khai thác hải sản trong Chiến lược phát triển kinh tế biển; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác, đánh bắt thủy, hải sản của Việt Nam và các nước lân cận cho ngư dân, hạn chế tình trạng tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ xử phạt.
Đồng thời, tiếp tục triển khai chương trình hiện đại hóa tàu cá phù hợp với từng loại nghề đảm bảo tính khả thi và hiệu quả; thực hiện chuyển đổi đối tượng mùa vụ, ngư trường khai thác theo hướng khai thác các loài hải sản có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt, gắn với xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm khai thác.
Đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu với sản lượng ổn định và được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng giá trị và chất lượng sản phẩm khai thác thủy sản trên cơ sở đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch.
Hiện nay, tổng số tàu có đăng ký, đăng kiểm là hơn 550 chiếc, với công suất 130.108CV. Trong đó, tàu cá đánh bắt xa bờ 310 chiếc, tăng 8% so với năm 2016. Sản lượng khai thác giai đoạn 2016 - 2020 là 315.561 tấn (tôm 47.303 tấn, cá và thủy sản khác 268.258 tấn), đạt 100% kế hoạch UBND tỉnh Bạc Liêu giao.
Phải khẳng định rằng, việc thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã thúc đẩy phát triển sản xuất và xây dựng nên những mô hình sản xuất hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị đều đem lại hiệu quả. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống dân sinh khu vực nông thôn. Đây là những tiền đề quan trọng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện trong giai đoạn tiếp theo.