Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ:
Thực hiện quyết liệt trọng tâm kinh tế 2016 với tinh thần quốc gia khởi nghiệp
Đất nước bước vào năm mới 2016 mở đầu bằng một sự kiện chính trị trọng đại: Đại hội lần thứ XII của Đảng. Thành công của Đại hội XII mở ra phương hướng và thời kỳ phát triển mới của đất nước 5 năm 2016 – 2020. Trong đó, năm 2016 có ý nghĩa bản lề – năm cả nước tập trung nỗ lực để tạo ra làn sóng đầu tư mới, đồng thời chuẩn bị tốt tâm thế để hội nhập theo các Hiệp định đa phương, song phương thế hệ mới đã ký trong năm 2015. Đón làn sóng đầu tư mới này, hy vọng Việt Nam sẽ thực hiện được bằng tinh thần quốc gia khởi nghiệp. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn nhân dịp đầu xuân 2016.
Phóng viên: Với tư cách là Trưởng ban Kinh tế Trung ương, xin ông đưa ra một số dự báo cho nền kinh tế Việt Nam năm 2016?
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ: Năm 2016 kinh tế thế giới cơ bản thoát khỏi tác động tiêu cực của khủng hoảng 2008 và trở lại đà tăng trưởng trong ngắn hạn. Điều này sẽ tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đặc biệt là về thương mại và đầu tư. Đối với trong nước, kinh tế sẽ tiếp tục đà phục hồi.
Trong kế hoạch, chúng ta đặt mức tăng trưởng cao hơn năm 2015. Với điều kiện như hiện nay, không có lý do gì mà Việt Nam không đạt được mục tiêu cao hơn năm qua, mặc dù việc thực hiện không phải dễ dàng. Quyết tâm của chúng ta cũng phù hợp với nhận định của các tổ chức quốc tế, đó là tăng trưởng năm 2016 sẽ tốt hơn 2015.
Vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế cũng như thực hiện các đột phá chiến lược sẽ được thực hiện quyết liệt hơn. Trong 2015, riêng đột phá về kết cấu hạ tầng nói chung đã có kết quả rất tốt, điểm sáng nhất là kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong điểm sáng này, tất cả các mục tiêu đều vượt so với Nghị quyết đề ra, chỉ trừ lĩnh vực đường sắt. Việc kinh tế Trung Quốc suy giảm và có thể tiếp tục sử dụng chính sách đồng Nhân dân tệ yếu cũng sẽ tác động đến kinh tế của nước ta. Nhập siêu từ Trung Quốc khả năng tiếp tục tăng cao, tạo áp lực lên tỷ giá và lãi suất.
Hiện nay, giá nguyên liệu, nhất là giá dầu thô và nông sản đang ở mức thấp và khó phục hồi trong năm 2016. Điều này tiếp tục tác động đến ngành dầu khí và ngành nông nghiệp của nước ta. Có kịch bản cho rằng, giá dầu sẽ chỉ ở mức 20 đôla Mỹ/thùng.
Trong tổng thể nền kinh tế đang suy giảm như thế này thì nhu cầu năng lượng không phải là lớn. Nhiều khả năng cả nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp sẽ tiếp tục được dùng xăng dầu rẻ không kém năm 2015. Sự kiện FED (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) tăng lãi suất cũng sẽ tác động đến nền kinh tế thế giới, nhất là các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam, nhưng sự tác động này sẽ không quá lớn.
Bởi lẽ, đầu tư gián tiếp nước ngoài ở Việt Nam hiện nay đang thấp, nếu chúng ta làm tốt bài toán này thì có thể còn thu hút được dòng vốn của các nước khác chảy vào đây.
Xin ông cho biết đôi nét về phương hướng hành động cũng như các vấn đề trọng tâm mà chúng ta cần thực hiện trong năm 2016 và trong thời gian tiếp theo?
Kinh tế năm 2016 cần phải đặt trong bối cảnh giai đoạn phát triển 2016-2020. Để không chậm trễ, sau khi Đại hội Đảng quyết định mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội kế hoạch 5 năm 2016-2020, Quốc hội khóa XIII sẽ xem xét và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 ngay đầu năm 2016 này, không chờ khóa Quốc hội mới.
Chúng ta cũng sẽ quyết định kế hoạch tài chính chung theo Luật Ngân sách năm 2016, trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Trong kế hoạch tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ trình với Quốc hội thông qua và tổ chức thực hiện các kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch phát đầu tư trung hạn.
Năm 2016, cần phải tập trung nỗ lực để tạo ra làn sóng đầu tư mới với việc tổ chức thực hiện Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Đồng thời chuẩn bị tốt tâm thế để hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng như các Hiệp định FTA đa phương, song phương thế hệ mới đã ký trong năm 2015. Tất cả điều đó sẽ tạo thuận lợi trong thương mại và trong đầu tư. Làn sóng đầu tư mới này, hy vọng Việt Nam sẽ thực hiện được bằng tinh thần quốc gia khởi nghiệp.
Trong một bài phỏng vấn gần đây, ông có nhắc đến hai trọng tâm hành động của năm 2016. Xin ông nói cụ thể hơn một chút về hai trọng tâm này?
Từ việc phân tích, theo dõi thực trạng kinh tế - xã hội nước ta, tôi muốn nhấn mạnh một số vấn đề chủ yếu, trọng tâm và các giải pháp cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt để đạt được các mục tiêu trong năm 2016.
Thứ nhất, năm 2016 chúng ta cần tập trung mọi nỗ lực để khơi thông, phát triển các loại thị trường nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và chuẩn bị thật tốt tâm thế để hội nhập quốc tế.
Đối với thị trường hàng hóa và dịch vụ, cần xem xét và cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu trên cơ sở tính toán các hiệp định sẽ ký để tránh quá phụ thuộc vào một thị trường, một nước cụ thể. Ngoài ra, cần tập trung tổ chức tốt thị trường nội địa, đặc biệt thị trường vật tư nông nghiệp và thị trường đầu ra cho nông sản.
Phải nghiên cứu để có các sàn giao dịch cho nông sản, có các giải pháp để đẩy mạnh phương thức giao dịch hiện đại như thị trường giá cả tương lai để giảm bớt rủi ro của người sản xuất, san sẻ rủi ro của người sản xuất sang hệ thống thương mại, nhất là lĩnh vực nông nghiệp cho người nông dân.
Cũng cần hết sức chú trọng, chủ động phát triển thương mại biên giới, không để tình trạng nông sản bị dồn ứ, ách tắc ở của khẩu như những năm vừa qua. Cần có giải pháp để khôi phục dịch vụ, du lịch, đảm bảo tốc độ tăng trưởng dịch vụ phải cao hơn tốc độ tăng GDP. Tăng cường các hàng rào kỹ thuật, các giải pháp kiểm soát hàng nhập khẩu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (kể cả tiêu dùng cá nhân và sản xuất nhất là đối với thực phẩm và vật tư đầu vào nông nghiệp).
Đối với thị trường tài chính (vốn và tiền tệ), cần định hình tỷ giá và lãi suất theo nguyên tắc thị trường. Cần có kịch bản tổng thể để ứng phó khi phá giá đồng tiền các nước trong khu vực và trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã tăng lãi suất.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển thị trường mua bán nợ. Muốn phát triển thị trường này thì phải phát triển các định chế tài chính trung gian và các dịch vụ như kế toán, kiểm toán, tư vấn thẩm định giá, định hạng tín nhiệm doanh nghiệp… mới làm được.
Tăng cường chức năng, năng lực không chỉ cho Công ty mua bán nợ (VAMC) mà còn cho Công ty Mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) và các định chế tài chính khác tham gia thị trường này để có thể xử lý nợ xấu của NHTM và của nền kinh tế một cách căn cơ, thực chất. Cũng phải tập trung phát triển thị trường chứng khoán.
Phải tập trung phát triển thị trường vốn dài hạn. Vấn đề ngoại tệ cũng phải dần dần chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ, nên chuyển sang mua bán trên thị trường ngoại tệ, không nên có tín dụng ngoại tệ ở Việt Nam. Dần dần phải chuyển tín dụng ngoại tệ thành mua bán ngoại tệ khi có nhu cầu. Tôi muốn nhấn mạnh là để giải quyết bài toán thanh khoản ngân sách, điều hòa vay và trả nợ công thì phải chăm lo phát triển thị trường trái phiếu dài hạn, xây dựng đường cong lãi suất chuẩn và khẩn trương đưa vào áp dụng thị trường chứng khoán phái sinh.
Đối với thị trường bất động sản, phải hết sức chú ý phát triển thị trường thứ cấp về đất đai, đẩy nhanh tích tụ và tập trung ruộng đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hiện nay, nếu doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mà quy mô đất đai nhỏ quá thì cũng khó. Đẩy mạnh thị trường tài sản, kết cấu hạ tầng trên đất, trên cơ sở phải có một đề án tổng thể (cầu đường, sân bay, bến cảng…) để tạo sự đồng thuận cao, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và bảo đảm quốc phòng an ninh.
Đối với thị trường nhà ở thì phải chú trọng tới vấn đề cung cầu, nếu có nhiều dự án cung vượt cầu thì có thể quay trở lại tình trạng đầu cơ và bong bóng bất động sản như trước đây.
Đối với thị trường lao động, phải làm sao liên thông hơn nữa ở khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước, khu vực trong nước và nước ngoài. Vấn đề nữa là phải đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động. Với 47% lao động nông nghiệp thì không có cách gì nâng cao nhanh chóng năng suất lao động và thu nhập bình quân. Nếu không có sự chuyển dịch mạnh lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ thì không tài nào cải thiện thu nhập bình quân được.
Đối với thị trường khoa học công nghệ, phải gắn chặt hơn nữa giữa nghiên cứu và triển khai; giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp, theo các đơn đặt hàng hoặc theo nhu cầu thực tế của cuộc sống.
Thứ hai, cần tập trung để phát triển cân đối, hài hòa hơn giữa khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khu vực doanh nghiệp trong nước. Động lực tăng trưởng năm 2015 chủ yếu còn dựa vào FDI, mà khu vực này cũng chủ yếu là gia công, lắp ráp; trong khi đó khu vực Doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, nhất là nông nghiệp, dịch vụ và du lịch; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khu vực trong nước sụt giảm, nhập siêu còn rất lớn v v...
Theo tôi, cần phân tích, đánh giá thấu đáo vấn đề này.Trong một quốc gia mà 2 khu vực kinh tế phát triển lệch pha nhau thì vấn đề là quản trị quốc gia hay quản trị doanh nghiệp? Và thể chế, chính sách, cơ chế áp dụng cho các khu vực này có cần phải điều chỉnh không? Tôi nghĩ là có cả hai loại vấn đề này. Để từng bước khắc phục, tôi đề xuất các giải pháp cụ thể sau:
Một là, tăng cường hơn nữa chọn lọc đầu tư FDI. Chọn các doanh nghiệp có sẵn chuỗi giá trị của họ, có công nghệ tốt và quản trị tốt, có thực tâm muốn kết nối với doanh nghiệp của Việt Nam. Tôi đề nghị hết sức chú trọng chọn lọc doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ và vừa của các nước để sử dụng công nghệ, kinh nghiệm nước ngoài cộng với lao động trong nước để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm có chất lượng ngày càng tăng trong nước và bảo đảm cho xuất khẩu.
Tôi thấy có một vấn đề cần phải nhìn nhận lại là địa phương nào khi lên Trung ương cũng bảo cố gắng thu hút tập đoàn lớn vào địa phương mình. Nhưng những tập đoàn lớn đầu tư hàng tỷ USD như Samsung thì không nhiều và chủ yếu cũng chỉ gia công, lắp ráp. Trong khi đó, có thể nói bây giờ là kỷ nguyên của các loại doanh nghiệp nhỏ và vừa. Rất nhiều chuyên gia, các vị đại sứ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng đã khẳng định với tôi như vậy.
Hai là, tăng cường thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Chúng ta có chính sách ưu đãi, thu hút FDI thì cũng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Phải khẩn trương xây dựng, ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong năm 2016, cần phải hướng dẫn đầy đủ, kịp thời và quyết liệt tổ chức thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, cộng đồng doanh nghiệp đang rất trông chờ vào điều này. Quốc hội cũng cần giám sát việc thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 vì việc thực hiện còn rất bất cập, chậm đi vào cuộc sống.
Đồng thời tôi kiến nghị cần phát huy tinh thần khởi nghiệp của quốc gia, của toàn dân và Chính phủ cần sớm xây dựng, triển khai Chương trình quốc gia khởi nghiệp, bao gồm cả khởi nghiệp cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp, tập đoàn hay của một thành phố khởi nghiệp... Để làm được điều này đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo và có thể chế để hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ và thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân trong, ngoài nước.
Ba là, phải kết nối khối FDI với doanh nghiệp trong nước. Nhiều người đã đề xuất vấn đề này nhưng khi hỏi kết nối như thế nào, bằng cách nào thì không dễ. Tôi cho rằng, trong ưu đãi đầu tư với FDI thì phải có điều kiện, chỉ ưu đãi hoặc ưu đãi cao hơn khi doanh nghiệp FDI có chính sách liên kết với doanh nghiệp trong nước, sử dụng doanh nghiệp trong nước làm vệ tinh để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Hoặc theo hướng có chính sách ưu đãi bổ sung cho cao hơn các doanh nghiệp FDI khác nếu có chính sách kết nối với doanh nghiệp trong nước. Khi khu vực doanh nghiệp trong nước mạnh lên, kết nối được với FDI thì tình trạng "lệch pha" như đã nói ở trên sẽ dần được khắc phục./.
Xin trân trọng cảm ơn ông!