Thực phẩm giúp ổn định insulin và lượng đường trong máu
Duy trì lượng insulin và lượng đường trong máu ổn định sẽ giúp người bệnh giảm nguy cơ biến chứng về sau của bệnh tiểu đường.
Đối với người mắc bệnh tiểu đường, các yếu tố quan trọng trong chế độ ăn kiêng hiệu quả là lựa chọn thực phẩm cẩn thận để duy trì lượng đường trong máu ổn định. Chính vì vậy, người bệnh vẫn có thể ăn uống cân bằng mà không phải từ bỏ các món ăn yêu thích nếu hiểu rõ về thành phần dinh dưỡng có trong các loại thực phẩm.
Các loại rau không chứa tinh bột
Có hai loại rau là loại chứa tinh bột và không chứa tinh bột. Các loại chứa tinh bột giàu carb có thể làm lượng đường trong máu tăng lên.
Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyên người bệnh nên ăn tối thiểu 3 – 5 khẩu phần rau củ, loại không chứa tinh bột mỗi ngày. Một khẩu phần sẽ gồm nửa chén rau củ nấu chín hoặc một chén rau củ chưa nấu.
Cách tốt nhất khi ăn rau là nên hấp hoặc xào; không thêm chất béo và chỉ cho vào một lượng muối tối thiểu. Nếu là các loại rau củ đóng gói, cần kiểm tra thành phần bảo quản được ghi trên bao bì.
Các loại thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt chứa nội nhũ (mô được sản sinh bên trong hạt), cám, mầm của hạt và nhiều vitamin, khoáng chất. Chính vì vậy mà chúng giàu dinh dưỡng hơn các loại ngũ cốc tinh chế.
Bạn nên lựa chọn các loại sản phẩm như bánh quy, bánh mì, bắp rang bơ, gạo lứt, mì ống, bột ngũ cốc, hạt quinoa, yến mạch, bột ngô… với 100% thành phần ngũ cốc nguyên hạt.
Các loại ngũ cốc nguyên hạt có thể dùng như những bữa ăn nhẹ để giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu. Hơn nữa, việc tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt còn có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch và một số loại ung thư, bao gồm ung thư dạ dày, tuyến tụy và đại trực tràng.
Chất béo lành mạnh
Bạn nên ăn nhiều chất béo có lợi là chất béo không bão hòa đơn hoặc không bão hòa đa. Ví dụ omega 3 có trong một số loại cá.
Các chất béo lành mạnh có thể giúp làm giảm mức cholesterol có hại, cải thiện sức khỏe tim mạch và kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.
Ca cao
Cacao chứa epicatechin flavonoid, có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Một đánh giá từ các nghiên cứu năm 2017 đã chỉ ra rằng cacao có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh tiểu đường loại 2 và giảm kháng insulin.
Một cách để nạp ca cao vào cơ thể nếu bạn cảm thấy khó uống ca cao là hãy ăn sô cô la đen, tuy nhiên không nên ăn quá nhiều.
Protein
Protein là một chất dinh dưỡng thiết yếu trong thịt, cá và một số loại rau, chẳng hạn như các loại hạt, đậu và các loại đậu.
Nghiên cứu cho thấy rằng protein không làm tăng lượng đường trong máu và giúp bạn cảm thấy no lâu hơn. Tuy nhiên, vấn đề còn phụ thuộc vào loại protein mà bạn ăn. Chúng ta không nên chỉ nạp protein động vật mà nên có thêm protein từ thực vật, sẽ hiệu quả hơn trong việc giảm lượng đường trong máu.
Người mắc bệnh tiểu đường nên ưu tiên thực phẩm có nhiều protein nhưng ít chất béo động vật như:
- Các loại cá béo giàu omega 3: chẳng hạn như cá hồi, cá thu, cá mòi và cá ngừ. Nên ăn chế độ ăn có cá béo ít nhất 1 lần mỗi tuần. Khi chế biến tránh ướp đường, hãy hấp hoặc nướng thay vì chiên
- Gia cầm, gà
- Đậu đỗ chẳng hạn như đậu lima, đậu thận hoặc đậu đen, đậu lăng, đậu nành, đậu phụ
- Các loại hạt
- Ngoài ra, một số loại quả có lượng đường thấp, phù hợp cho những người bị tiểu đường như: táo, bơ, chuối, các loại dâu, cherry, nho, bưởi, kiwi, mật hoa, cam, đào, lê, mận.