Thực trạng kế toán môi trường trong các doanh nghiệp thủy sản tại Việt Nam

Dương Thị Thanh Hiền - Trường Kinh Tế - Đại học Duy Tân

Kế toán môi trường là lĩnh vực mới đang phát triển nhằm tìm kiếm, cung cấp các thông tin quan trọng và cần thiết về các chi phí và doanh thu có liên quan đến môi trường, hướng dẫn doanh nghiệp trong việc ra các quyết định kinh tế, khuyến khích họ nỗ lực trong việc sử dụng tài nguyên hiệu quả, hạn chế hủy hoại môi trường, thay đổi các hành vi đối xử với môi trường sống. Bài viết này khái quát về kế toán môi trường nói chung và phân tích thực trạng kế toán môi trường tại các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam hiện nay.

Kế toán môi trường

Thuật ngữ kế toán môi trường (KTMT) được Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (USEPA, 1995) mô tả là một thành phần quan trọng của quản lý môi trường tổng thể của doanh nghiệp (DN), quản lý chất lượng và quản lý chi phí. USEPA (1995) đã định nghĩa về KTMT theo 3 ý nghĩa khác nhau: (1) KTMT trong bối cảnh quốc gia đó là kế toán thu nhập, đề cập đến kế toán tài nguyên thiên nhiên, có thể ảnh hưởng đến số liệu thống kê của một quốc gia hoặc khu vực, ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị của nguồn tài nguyên thiên nhiên; (2) KTMT trong bối cảnh kế toán tài chính (KTTC) thường đề cập đến việc chuẩn bị báo cáo tài chính (BCTC) cho đối tượng bên ngoài bằng cách sử dụng nguyên tắc kế toán chung được chấp nhận; (3) KTMT như là một khía cạnh của kế toán quản trị (KTQT) phục vụ các nhà quản lý trong việc đưa ra quyết định đầu tư, quyết định thiết kế; đánh giá hiệu suất và một loạt những quyết định kinh doanh tương lai.

Theo Ủy ban Phát triển bền vững Liên Hiệp Quốc (UNDSD, 2002), KTMT là việc nhận diện, thu thập, phân tích và sử dụng 2 loại thông tin phục vụ ra quyết định nội bộ, bao gồm: Thông tin cơ học (phi tiền tệ) về tình hình sử dụng, luân chuyển và thải bỏ năng lượng, nước và các loại nguyên vật liệu (bao gồm cả chất thải); Thông tin tiền tệ về chi phí, thu nhập và khả năng tiết kiệm liên quan đến môi trường.

Theo Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC, 2005), Kế toán môi trường (EA) là một thuật ngữ rộng được sử dụng trong một số bối cảnh khác nhau; KTMT là quản lý hoạt động kinh tế và môi trường thông qua việc triển khai, thực hiện hệ thống kế toán và hoạt động thực tiễn phù hợp có liên quan đến vấn đề môi trường.

- Ở cấp độ quốc gia:

KTMT được định nghĩa là hoạt động liên quan đến: (1) Đánh giá và công bố thông tin (CBTT) tài chính về môi trường trong bối cảnh KTTC và BCTC; (2) Đánh giá và sử dụng thông tin vật chất và tiền tệ liên quan đến môi trường trong bối cảnh KTQT môi trường; (3) Ước tính các tác động môi trường bên ngoài và chi phí, được gọi là Kế toán chi phí đầy đủ; (4) Kế toán cho các hàng tồn kho và dòng luân chuyển của các nguồn tài nguyên thiên nhiên (TNTN) cả về vật chất và tiền tệ (Kế toán nguồn TNTN); (5) Tổng hợp và báo cáo thông tin kế toán cấp tổ chức, thông tin kế toán nguồn TNTN và các thông tin khác cho mục đích kế toán quốc gia.

- Ở cấp độ DN:

KTMT là hoạt động diễn ra tại DN, bao gồm: KTQT môi trường (ví dụ: đánh giá chi phí của tổ chức đối với thiết bị kiểm soát ô nhiễm; doanh thu từ vật liệu tái chế; tiết kiệm tiền hàng năm từ thiết bị mới tiết kiệm năng lượng) và KTTC môi trường (ví dụ: đánh giá và báo cáo các khoản nợ hiện tại liên quan đến môi trường của tổ chức).

Theo tài liệu hướng dẫn KTMT của Bộ Môi trường Nhật Bản (Ministry of the Environment JAPAN - February 2005), KTMT được định nghĩa là một hệ thống tích hợp hoạt động tài chính và hoạt động môi trường. KTMT được coi là hoàn toàn độc lập với bất kỳ KTTC DN nào.

Tóm lại, thuật ngữ KTMT có thể hiểu như sau: KTMT là một bộ phận của kế toán trong DN, liên quan đến các thông tin về hoạt động môi trường trong phạm vi DN nhằm thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về môi trường cho đối tượng trong và ngoài DN sử dụng để ra quyết định.

Tổng quan về phát triển ngành Thủy sản Việt Nam

Hiện nay, thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế với quy mô ngày càng mở rộng. Tính đến hết năm 2022, ngành Thủy sản chiếm trên 5% GDP, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu và đứng thứ 5 về giá trị xuất khẩu (sau điện tử, may mặc, dầu thô, giày dép).

Ngày 11/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2030 phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trong đó, một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 - 4,0%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản 7,0 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD. Giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước. Xây dựng các làng cá ven biển, đảo thành các cộng đồng dân cư văn minh, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tầm nhìn đến năm 2045: Thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm 3 nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm; bảo đảm an sinh xã hội, làng cá xanh, sạch, đẹp, văn minh; lao động thủy sản có mức thu nhập ngang bằng mức bình quân chung cả nước; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Cùng với Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 ban hành Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 được coi là tấm phiếu đảm bảo cho nguồn cung nguyên liệu bền vững phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Động thái này của Chính phủ được kỳ vọng sẽ dẫn dắt hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng, đi sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm cho xuất khẩu thủy sản trong 10 năm tới và các năm về sau. Để đưa ngành thủy sản nói chung cũng như các DN thủy sản phát triển hơn trong thời gian tới, các DN cần chú ý đến khâu nuôi trồng đạt chất lượng cao, nguồn nguyên liệu đầu vào, định hướng đầu ra và hướng tới phát triển bền vững đi kèm với bảo vệ môi trường.

Thực trạng kế toán môi trường trong các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam

Tại Việt Nam, trong lĩnh vực kế toán chưa có quy định, thông tư, chuẩn mực nào hướng dẫn tổ chức, thực hành quản lý tài sản, nợ phải trả, thu nhập và chi phí môi trường. Thực trạng tại các DN thủy sản Việt Nam cho thấy, chi phí môi trường chưa được phản ánh đúng hoặc không phản ánh đầy đủ, dẫn đến tình trạng xác định không đúng thu nhập, chi phí và giá bán của sản phẩm, dịch vụ.

Điều này ảnh hưởng gián tiếp đến sức cạnh tranh của DN, ngoài ra chưa hỗ trợ cho nhà quản trị đưa ra quyết định quản trị đúng đắn trên cơ sở đo lường, đánh giá và ghi nhận thành quả hoạt động đạt được trong một tổ chức, vốn phải được thiết lập dựa trên sự phân quyền rõ ràng cho các nhà quản trị, các bộ phận trong một tổ chức phù hợp với trách nhiệm quản lý của họ, nhằm cung cấp thông tin hữu ích giúp các nhà quản trị kiểm soát được hoạt động của các nhà quản trị cấp dưới thông qua trách nhiệm cá nhân về thành quả đạt được của bộ phận hướng tới kế hoạch và mục tiêu chung của tổ chức đã được đặt ra.

Ghi nhận kế toán môi trường

Đối với KTTC môi trường (KTTCMT), các DN thủy sản chưa niêm yết chủ yếu ghi nhận thông tin tài chính môi trường, bao gồm: chi phí môi trường (CPMT), nợ phải trả môi trường (NPTMT), tài sản môi trường (TSMT) và thu nhập môi trường (TNMT). Trong khi đó, thông tin phi tài chính môi trường thể hiện qua các chính sách môi trường, các mục tiêu môi trường hay các cam kết tuân thủ quy định môi trường vẫn chưa được các DN này quan tâm nhiều.

Điều này là vì các DN chưa niêm yết chủ yếu ghi nhận thông tin KTTC môi trường dựa trên các chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán hiện hành theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC và Thông tư số 133/2016/TT-BTC. Trong các thông tin tài chính môi trường thì CPMT là thông tin được ghi nhận nhiều nhất, sau đó là NPTMT, TSMT và cuối cùng là TNMT.

CPMT trong DN chế biến thủy sản Việt Nam được xác định theo các tiêu chí sau: Chi phí phát sinh trong quá trình trực tiếp chế biến sản phẩm, kể cả chi phí để sàn lọc, tuyển chọn nguyên liệu đầu vào; chi phí tổn thất nguyên liệu, năng lượng, nước trong quá trình chế biến; các chi phí phục hồi sức khỏe, trang bị bảo hộ cho nhân công trong môi trường độc hại; chi phí xử lý môi trường, lệ phí môi trường và các chi phí cho hoạt động bảo vệ môi trường.

Các CPMT có thể bao gồm các chi phí cho việc ngăn ngừa ô nhiễm và quản lý môi trường, chi phí xử lý chất thải và khí thải và các khoản phạt do vi phạm pháp luật về môi trường, thuế, phí môi trường. Ngoài ra, CPMT trong các chế biến thủy sản, còn có thêm chi phí vật liệu của phế thải là giá trị của các vật liệu nằm trong các đầu ra phi sản phẩm như chất thải rắn, nước thải... và các chi phí chế biến phát sinh không tạo ra thành phẩm như chi phí lao động và chi phí khấu hao thiết bị để chế biến các đầu ra phi sản phẩm. Một thách thức khác là chế biến hải sản tiêu thụ một lượng nước lớn, do đó, các công ty chế biến hải sản thường có chi phí cao cho tiêu thụ nước và xử lý nước thải.

CPMT được phản ánh vào các tài khoản chi tiết cấp 2, cấp 3 của các khoản chi phí chung, cụ thể: phí dịch vụ vệ sinh, phí khám sức khoẻ định kỳ, phí khai thác tài nguyên nước (TK 6422), phí vận chuyển, xử lý rác thải, nước thải, phí thực hiện báo cáo giám sát môi trường (TK 6273), phí bảo vệ môi trường (TK 6274, TK 6425, TK 6425), phí dịch vụ vệ sinh (TK 6426), phí địa phương, phí cơ sở hạ tầng (TK 6278, TK 6279), thuế tài nguyên (TK6278, TK 6425), phí bảo hộ lao động (TK 6275, TK 6273), phí bảo dưỡng máy móc thiết bị định kỳ (TK 6272) Việc đo lường CPMT được tiến hành như các chi phí thông thường khác được quy định trong VAS 01.

Các thông tin khác về TSMT, NPTMT, thu nhập môi trường được ghi nhận như thông tin về KTTC nói chung. Cụ thể:

- Tài sản môi trường: Các tài sản này được ghi nhận là tài sản cố định hữu hình nếu nguyên giá của chúng và các tài sản có liên quan không vượt quá tổng giá trị có thể thu hồi từ các tài sản đó và các tài sản có liên quan. TSMT có thể là tài sản cố định hoặc các tài sản ngắn hạn (vật liệu, hóa chất xử lý môi trường; công cụ, dụng cụ sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường…). Về TSMT chưa tách biệt giá trị và phản ánh chung vào các tài khoản chi tiết cấp hai của TSCĐ hữu hình như: nhà cửa, vật kiến trúc (TK 2111), công cụ dụng cụ (TK 1531) và tài khoản ký quỹ ký cược (TK 244). Giá trị TSMT hình thành ban đầu được xác định theo nguyên tắc giá gốc giống như tài sản thông thường quy định tại chuẩn mực kế toán Việt Nam số 03. Việc trích khấu hao TSMT được các DN thủy sản thực hiện theo Thông tư 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 và Thông tư số 147/2016/TT-BTC ngày 13/10/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 45/2013/TT-BTC.

- Nợ phải trả môi trường: NPTMT được thể hiện trên BCTC phần lớn là nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước. Bao gồm các khoản thuế bảo vệ môi trường được quy định của pháp luật. Ngoài các khoản phải nộp Nhà nước, còn có các khoản trích trước để mua sắm tài sản cố định bảo vệ môi trường, hay các khoản trích trước phí dịch vụ môi trường được trình bày trong mục Chi phí phải trả. Ngoài ra khoản mục NPTMT phát sinh liên quan đến thực hiện các hành động khắc phục hậu quả, phục hồi các vùng bị ô nhiễm môi trường, đóng cửa hoặc loại bỏ cho đến khi hoạt động xử lý môi trường hoặc hoạt động di dời hoàn thành... Trong trường hợp phát sinh một khoản NPTMT chưa chắc chắn về giá trị và thời gian sẽ được xác định là khoản dự phòng phải trả môi trường. Giá trị khoản dự phòng NPTMT được xác định dựa trên ước tính hợp lý nhất của khoản tiền sẽ phải chi để thanh toán nghĩa vụ nợ hiện tại tại ngày kết thúc kỳ kế toán. Về NPTMT được phản ánh hầu hết vào TK 333 - Thuế và các khoản phải trả Nhà nước, cụ thể: thuế tài nguyên (TK 3336), phí dịch vụ môi trường rừng (TK 3338), phí bảo vệ môi trường, phí xử lý nước thải (TK 3339) và dự phòng phục hồi môi trường (TK 352).

- Thu nhập môi trường: Đối với các khoản TNMT được thể hiện trên BCTC là các khoản viện trợ từ chính phủ cho DN thủy sản để bảo vệ môi trường và các khoản tiền liên quan đến việc bán chứng chỉ giảm phát thải. Tuy nhiên, Việt Nam không có chuẩn mực kế toán tương ứng theo IAS 20 - Kế toán tài trợ chính phủ, do đó tất cả các khoản tài trợ của chính phủ dưới dạng tiền hoặc tài sản đang được các DN ghi nhận vào thu nhập khác. Về TNMT chưa được nhận diện riêng, tách biệt với thu nhập bán hàng thông thường nên được phản ánh chung vào TK 511. TNMT được đo lường theo quy định trong VAS 01, VAS 14.

- Đối với kế toán quản trị môi trường (KTQTMT): Các DN thủy sản chưa niêm yết chịu ảnh hưởng của kế toán truyền thống nên thông tin KTQTMT được ghi nhận thiên về thông tin tiền tệ dễ nhận diện như chi phí kiểm soát, xử lý chất thải, chi phí phòng ngừa và quản lý môi trường. Nhiều CPMT “ẩn” trong chi phí sản xuất kinh doanh của DN đặc biệt là các chi phí tạo ra chất thải chưa được nhận diện riêng biệt. Hầu hết các DN này đều chưa chú trọng đến thông tin vật lý môi trường về dòng luân chuyển vật liệu, nước và năng lượng trong quy trình sản xuất hay lượng chất thải phát sinh học. Hơn nữa, vì CPMT được ghi nhận vào các chi phí chung nên các DN thủy sản này vẫn còn sử dụng các tiêu thức phân bổ truyền thống thay vì phân bổ CPMT theo đặc tính, mức độ tác động môi trường.

Công bố thông tin kế toán môi trường

- Đối với KTTCMT trong các DN thủy sản chưa niêm yết: Các DN thủy sản này thực hiện công bố thông tin môi trường ra bên ngoài thông qua các BCTC. Vì chưa có hướng dẫn riêng về KTMT nên thông tin KTTCMT tại các DN thủy sản được trình bày theo hướng dẫn thực hiện KTTC thông thường quy định tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC, Thông tư số133/2016/TT-BTC. Do đó, thông tin môi trường công bố ra bên ngoài còn rải rác, chưa tập trung, chưa rõ ràng, thiếu tính chuẩn hoá. Trên BCTC, thông tin môi trường được thể hiện nhiều nhất trong thuyết minh, chủ yếu là NPTMT (các khoản thuế phải nộp nhà nước: thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, phí cơ sở hạ tầng). Bên cạnh đó, một vài DN thủy sản còn trình bày TSMT (phải thu khác hoặc chi phí trả trước như: ký quỹ môi trường, quạt công nghiệp) hoặc CPMT (chi phí trả trước như: phí đền bù hoa màu, chi phí lập báo cáo tác động môi trường, phí xử lý nước thải).

- Đối với KTTCMT tại các DN thủy sản niêm yết: BCTC, BCTN được các DN thủy sản niêm yết sử dụng để công bố thông tin môi trường đến người sử dụng thông tin bên ngoài theo quy định của Thông tư số 200/2014/TT-BTC và Thông tư số 155/2015/TT-BTC. Do DN niêm yết trên thị trường vốn nên thông tin môi trường được công bố đa dạng hơn so với DN chưa niêm yết. Đối với BCTC, các DN thủy sản lần lượt trình bày các thông tin môi trường, chủ yếu là NPTMT, cụ thể: chi phí xả thải (chi phí trả trước), dự phòng chi phí hoàn nguyên môi trường (dự phòng phải trả), tiền ký quỹ phục hồi môi trường (phải thu khác), thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường (thuế và các khoản phải nộp nhà nước). Đối với báo cáo thường niên, các DN thủy sản niêm yết phải công bố thêm thông tin phi tài chính môi trường tại mục 6 phần II về khối lượng nước, vật liệu, năng lượng và tuân thủ quy định môi trường, trách nhiệm với cộng đồng địa phương. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu công ty đại chúng có trách nhiệm báo cáo tác động về môi trường và xã hội theo quy định của Thông tư số 155/2015/TTBTC các DN thủy sản còn ghi nhận thêm các thông tin phi tài chính về khối lượng vật liệu, nước, năng lượng, tuân thủ quy định môi trường (số tiền phạt, hình phạt).

Kết luận

KTMT là vấn đề khá mới ở Việt Nam nhưng đã xuất hiện ở các nước phát triển từ nhiều thập niên. Đối với các DN thủy sản, việc thường xuyên xả những chất thải trong sản xuất và sinh hoạt vào môi trường khiến cho KTMT ngày càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Bài viết này đưa ra các khái niệm về KTMT, giới thiệu tổng quan về các DN thủy sản tại Việt Nam và đưa ra thực trạng về một số vấn đề liên quan đến KTMT trong các DN thủy sản tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 2/2/2014 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp;
  2. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa;
  3. Luật Bảo vệ môi trường (2014), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội;
  4. IFAC (International Federation of Accountants) (2005), International Guidance Document: Environmental Management Accounting, International Federation of Accountants;
  5. UNCTAD (2002), Unctad Annual Report 2002, United Nations, New York and Geneva;
  6. UNSD (2021), System of Environmental-Economic Accounting – Ecosystem Accounting Final.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2023