Xây dựng hệ thống kế toán môi trường trong doanh nghiệp


Kế toán môi trường được nhìn nhận như là một công cụ hữu ích trong việc cung cấp các thông tin về môi trường, làm cơ sở cho các nghĩa vụ bảo vệ môi trường của doanh nghiệp (DN), cũng như mức độ thỏa mãn các tiêu chuẩn hoặc quy định về môi trường. Bài viết trình bày một số nội dung cơ bản về kế toán môi trường, phân tích thực trạng từ đó đưa ra giải pháp nhằm tăng cường vận dụng kế toán môi trường tại các DN Việt Nam trong thời gian tới.

Kế toán môi trường là một bộ phận của kế toán trong doanh nghiệp
Kế toán môi trường là một bộ phận của kế toán trong doanh nghiệp

Những năm gần đây, vấn đề phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường trở thành xu hướng và mục tiêu chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Chính phủ các nước đã đặt ra các yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng chặt chẽ, buộc các DN phải thay đổi cách nhìn nhận về vấn đề môi trường khi tiến hành các hoạt động đầu tư hoặc sản xuất kinh doanh. Chính sách này đòi hỏi các DN phải thể hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường như phải hạn chế chất thải, làm sạch chất thải hoặc phải bồi thường thiệt hại khi gây ra sự cố về môi trường...

Trong bối cảnh đó, kế toán môi trường ra đời nhằm hỗ trợ các DN thực hiện nghĩa vụ với môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh. Ngoài sản xuất các sản phẩm để thỏa mãn nhu cầu thị trường, các DN còn phải tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, đảm bảo quá trình xử lý các đầu ra khác theo đúng quy định.

Theo đó, các DN cần tiếp cận mới về phương pháp kế toán, qua đó xác định rõ chi phí môi trường trong quản lý và sản xuất, đánh giá được đầy đủ các chi phí môi trường nhằm cân đối thu chi nội bộ và phân bổ vào từng sản phẩm.

Kế toán môi trường và vai trò đối với doanh nghiệp

Theo Ủy ban phát triển bền vững của Liên Hợp quốc UNDSD (2003), kế toán môi trường (KTMT) là việc nhận diện, thu thập, phân tích và sử dụng 2 loại thông tin phục vụ ra quyết định nội bộ, bao gồm: thông tin cơ học (phi tiền tệ) về tình hình sử dụng, luân chuyển và thải bỏ năng lượng, nước và các loại nguyên vật liệu (bao gồm cả chất thải); thông tin tiền tệ về chi phí, thu nhập và khả năng tiết kiệm liên quan đến môi trường. Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC, 2005) định nghĩa, kế toán môi trường là quản lý hoạt động kinh tế và môi trường thông qua việc triển khai, thực hiện hệ thống kế toán và hoạt động thực tiễn phù hợp có liên quan đến vấn đề môi trường.

Nhìn chung, kế toán môi trường là một bộ phận của kế toán trong DN, liên quan đến các thông tin về hoạt động môi trường trong phạm vi DN nhằm thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về môi trường cho đối tượng trong và ngoài DN sử dụng để ra quyết định. Khác với kế toán truyền thống, kế toán môi trường quan tâm rõ ràng tới tác động môi trường do hoạt động của DN gây ra. Xây dựng hệ thống kế toán môi trường sẽ giúp DN đạt được nhiều lợi ích, cụ thể là:

Thứ nhất, tiết kiệm chi phí cho DN. Một trong số những chức năng của kế toán môi trường là nhận diện, quản trị, nghiên cứu và cắt giảm chi phí liên quan đến môi trường trong DN. Ví dụ, kế toán môi trường thực hiện nghiên cứu, tìm ra các vật liệu thay thế thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí; nghiên cứu hệ thống xử lý rác thải, tìm kiếm nguồn tái chế, đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động chung toàn DN. Trên thực tế, DN khi chấp nhận bỏ chi phí nghiên cứu kết hợp sản xuất với phát triển bền vững với môi trường thì có thể tạo ra những giá trị lớn hơn trong tương lai.

Thứ hai, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Việc áp dụng kế toán môi trường sẽ giúp cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và toàn diện hơn để đo lường quá trình thực hiện, từ đó cải thiện hình ảnh của DN với các bên liên quan. Mặt khác, thực hiện tốt kế toán môi trường sẽ giúp DN sản xuất tốt hơn, sạch hơn, đem lại những sản phẩm có chất lượng, dẫn đến giảm giá thành, giúp DN có lợi thế cạnh tranh về giá bán và lợi nhuận cao hơn, giảm được các vấn đề về mặt pháp lý.

Thứ ba, nâng cao vị thế của DN, củng cố và làm hài lòng các mối quan hệ. DN có thái độ và hành vi tốt với môi trường sẽ là một thuận lợi rất lớn trong quá trình phát triển, nâng vị thế của DN đối với thị trường trong nước và toàn cầu, giúp DN hoà nhập vào thị trường quốc tế một cách dễ dàng hơn. Việc áp dụng tốt kế toán môi trường vào DN sẽ làm hài lòng và củng cố lòng tin với các bên có liên quan vì các cơ quan nhà nước, các tổ chức môi trường luôn quan tâm đến phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. DN sẽ được nhiều ưu đãi từ những cơ quan nhà nước cũng như tổ chức môi trường khi thực hiện tốt công việc này.

Kế toán môi trường là một bộ phận của kế toán trong DN, liên quan đến các thông tin về hoạt động môi trường trong phạm vi DN nhằm thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về môi trường cho đối tượng trong và ngoài DN sử dụng để ra quyết định.

Thực trạng áp dụng kế toán môi trường trong doanh nghiệp tại Việt Nam

Trước hệ lụy do ô nhiễm môi trường gây ra đối với nền kinh tế - xã hội, Việt Nam đã có những chính sách tích cực để bảo vệ môi trường. Cụ thể, Việt Nam đã ban hành Luật Môi trường lần đầu vào năm 1993 và Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vào năm 2005; Luật Thuế Bảo vệ môi trường (Luật số 57/2010/QH12); Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08/08/2011 của Chính phủ quy định về đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường; Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường…

Mặc dù, đã xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động bảo vệ môi trường, song đối với lĩnh vực kế toán môi trường, Việt Nam vẫn còn thiếu những văn bản pháp quy. Thực tế cho thấy, Việt Nam chưa ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về công tác kế toán môi trường cũng như hệ thống tài khoản, báo cáo kế toán về chi phí, thu nhập do công tác bảo vệ môi trường của DN đem lại. Các chi phí liên quan đến môi trường đang phản ánh chung trong các tài khoản chi phí quản lý và các nhà quản lý kinh tế không thể phát hiện, không thể thấy được quy mô và tính chất của chi phí môi trường nói chung và từng khoản chi phí môi trường nói riêng. Nội dung của kế toán môi trường chưa được phổ biến, truyền thông mạnh mẽ đến các nhà quản trị và những người làm công tác kế toán trong DN.

Ở góc độ DN, các nhà quản lý chưa quan tâm đến công tác kế toán môi trường trong hoạt động của mình. Nhận thức về trách nhiệm xã hội của DN, tổ chức đối với cộng đồng còn ở trình độ thấp. Hiện nay, các DN chủ yếu chỉ quan tâm đến lợi nhuận, lợi ích ngắn hạn, chưa có tầm nhìn vĩ mô trong các hoạt động sản xuất nhằm giữ gìn môi trường để đạt tới sự phát triển bền vững, điều này khiến cho rất nhiều chi phí liên quan đến môi trường đang phản ánh chung trong các tài khoản chi phí quản lý, khiến các nhà quản lý khó phát hiện quy mô và tính chất của chi phí môi trường nói chung và từng khoản chi phí môi trường nói riêng. Ngay cả trên các tài khoản kế toán cũng chưa ghi nhận các chi phí đáng kể liên quan đến môi trường như: chi phí sửa chữa, đền bù, chi phí khắc phục sự cố và chi phí dọn dẹp, xử lý trong các vụ tai nạn, hủy hoại môi trường sinh thái...

Trong khi đó, công tác đào tạo về kế toán môi trường ở nước ta vẫn còn hạn chế nên chưa xây dựng được một đội ngũ kế toán viên chuyên nghiệp về lĩnh vực môi trường. Mặc dù, đã có một số trường đại học, học viện đưa vào giảng dạy kế toán quản trị môi trường nhưng các chương trình giảng dạy mới chỉ dừng lại ở mức độ sơ sài và nằm trong chương trình của ngành Quản lý môi trường. Trong chương trình đào tạo ngành Kế toán - kiểm toán của tất cả các trường đại học tại Việt Nam đều không có nội dung của chương trình này.

Giải pháp thúc đẩy áp dụng kế toán môi trường tại các doanh nghiệp

Để thúc đẩy công tác kế toán môi trường tại các DN, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Về phía Nhà nước

Hoàn chỉnh và đồng bộ hệ thống pháp luật về kế toán và môi trường. Cần phối hợp với hiệp hội nghề nghiệp để ban hành những chuẩn mực về kế toán môi trường, quy định những thông tin môi trường trình bày trong báo cáo cung cấp cho bên ngoài DN, nhằm đảm bảo sự thống nhất quản lý về môi trường. Các chuẩn mực này cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước phát triển ứng dụng hiệu quả kế toán môi trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản... nhằm tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Nghiên cứu bổ sung tài khoản kế toán, các nguyên tắc và phương pháp kế toán đối với hoạt động môi trường, các chỉ tiêu liên quan đến hoạt động môi trường trong hệ thống báo cáo tài chính.

Tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy định có liên quan đến môi trường và quản lý môi trường chặt chẽ và rõ ràng nhằm tạo nền tảng cơ sở và hành lang pháp lý cho việc phát triển hạch toán quản lý môi trường một cách rõ ràng và cụ thể hơn. Một hệ thống chỉ tiêu trong báo cáo môi trường được xây dựng trên cơ sở khoa học, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, tính đến điều kiện đặc thù của các DN trong nước sẽ là công cụ hữu hiệu để quản lý môi trường, tạo ra sân chơi bình đẳng cho các DN.

Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức, DN nghiên cứu và áp dụng kế toán môi trường trong các hoạt động của họ nhằm đảm bảo đồng thời lợi ích của DN và lợi ích cho môi trường.

Về phía doanh nghiệp

- Thay đổi nhận thức và trách nhiệm xã hội của mình đối với vấn đề môi trường. Các nhà quản trị DN cần thường xuyên quan tâm cập nhật và thực hiện kế toán môi trường trong các DN, nhất là đối với các DN sản xuất.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thực hiện kế toán quản trị môi trường. Cụ thể là thường xuyên tổ chức đào tạo nâng cao nghiệp vụ, bao gồm: đào tạo chuyên môn kế toán quản trị và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong kế toán. Quá trình thu thập, xử lý, phân tích thông tin môi trường cho các quyết định của nhà quản trị các cấp khá phức tạp, đòi hỏi người làm kế toán có nhiều kỹ thuật khó, phải thực sự am hiểu toàn diện về quy trình công nghệ sản xuất, các tác động môi trường và chuyên môn kế toán nên quá trình đào tạo chuyên sâu càng trở nên cần thiết hơn.

- Chú trọng đầu tư nguồn lực tài chính cho bộ máy kế toán, trong đó có kế toán môi trường đối với các DN Việt Nam, trong giai đoạn đầu, nên được thử nghiệm công tác kế toán môi trường tại một dây chuyền hoặc một bộ phận trước khi tiến hành áp dụng đại trà cho toàn bộ DN.

- Xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn có tính đến các tác động của các tiêu chuẩn và quy định môi trường của sản phẩm.

Về phía các cơ sở đào tạo chuyên ngành kế toán

Cần tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật nhằm nâng cao chất lượng của các giáo trình giảng dạy về kế toán môi trường. Các trường đại học, học viện có chuyên ngành kế toán cần đưa kế toán môi trường vào giảng dạy như một học phần chuyên sâu, tổ chức thành các chuyên đề để sinh viên trao đổi, thảo luận và rút ra kinh nghiệm. Qua đó, tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về công tác kế toán phục vụ cho các DN nhằm góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, mang đến sự phát triển bền vững cho các DN.

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện tái cấu trúc và thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững. Để thực hiện được mục tiêu này, trong quá trình phát triển kinh tế, không thể xem nhẹ vấn đề môi trường. Thực tế đó cũng đặt ra yêu cầu về việc ứng dụng nhiều hơn nữa kế toán môi trường trong hoạt động DN.

Tài liệu tham khảo:

1.Chính phủ (2011), Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08/08/2011 quy định về đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường;

2. Nguyễn Thị Thùy Linh, (2016), Thực trạng và giải pháp triển khai kế toán môi trường tại các DN Việt Nam, Tạp chí Tài chính, tháng 12/2016;

3. Đỗ Thị Lan Anh (2016), Kế toán quản trị môi trường, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất đối với Việt Nam, Tạp chí Tài chính, Số tháng 4/2016;

4. Nguyễn Thái Hà, Lê Ngọc Mai (2020), Kế toán môi trường tại các DN và một số đề xuất, Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 6/2020;

5. International Federation of Accountants IFAC (2005), Environmental management accounting, International guildance document, New York;

6.UNDSD (2003), Environmental Management Accounting Procedures and Principles.

(*) Đỗ Thị Hồng Hạnh - Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 5/2021.