Thực trạng khung thể chế đối với các khu kinh tế ven biển tại Việt Nam và giải pháp đề xuất


Với gần 20 năm phát triển khu kinh tế và khu kinh tế ven biển, kinh tế nhiều địa phương, vùng và kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận nhờ đóng góp của các khu kinh tế ven biển, cơ cấu các ngành kinh tế, cơ cấu lao động từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa xứng với tiềm năng và nguồn lực đầu tư của xã hội, nguyên nhân một phần là do những hạn chế trong xây dựng, hoàn thiện khung thể chế phát triển khu kinh tế ven biển chưa theo kịp với xu hướng phát triển của thế giới, thiếu tầm nhìn dài hạn, hệ thống, đồng bộ và bền vững. Bài viết thông qua việc phân tích thực trạng khung thể chế phát triển khu kinh tế ven biển của Việt Nam hiện nay, rút ra các nhận xét đánh giá và đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm khắc phục tình trạng trên.

Giới thiệu

Với đường bờ biển dài 3.260 km, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia biển với nhiều lợi thế nhất định trong phát triển kinh tế biển (diện tích lãnh hải hợp pháp lên tới 1 triệu km2, gồm nhiều quần đảo lớn và hàng nghìn đảo nhỏ). Hiện tại 50% dân số của Việt Nam đang sống tại 28 tỉnh, thành phố ven biển, có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế như: lợi thế địa chính trị và địa kinh tế, nằm trên các tuyến đường hảng hải quốc tế và khu vực; có tiềm năng to lớn trong khai thác và chế biến khoáng sản trên và ven biển; khai thác và chế biến thủy hải sản cũng như phát triển du lịch biển. Có thể nhận thấy, những lợi thế trên tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội phát triển kinh tế biển, xây dựng các khu kinh tế biển (KKTB) để tận dụng tối đa tiềm năng, tạo ra các cú huých nhằm bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Để thực sự phát triển kinh tế biển bền vững, đòi hỏi cần có những động lực thúc đẩy kinh tế biển quốc gia, trong đó việc xây dựng và phát triển các KKTB là một trong những công cụ hữu hiệu, giúp các nhà nước và địa phương khai thác tối đa các lợi thế, tiềm năng kể trên. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, việc phát triển các KKTB hiện nay chưa đạt được những kỳ vọng.

Nghiên cứu này thông qua tìm hiểu tình hình phát triển khung thể chế dành cho các KKTB của Việt Nam, tìm ra những hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện khung thể chế dành cho các KKTB trên cả nước, giúp phát huy tối đa hiệu quả kinh tế - xã hội của các KKTB trong tương lai.

Thực trạng các khu kinh tế biển của Việt Nam thời gian qua

Hiện quy mô kinh tế biển và ven biển của Việt Nam mỗi năm đóng góp khoảng 47-48% vào GDP quốc gia. Trong đó, tỷ trọng đóng góp của các ngành kinh tế “thuần biển” chiếm tới 20-22%. Trong những năm qua, việc xây dựng hệ thống 18 KKTB đã bước đầu giúp hình thành các vùng kinh tế biển và ven biển của Việt Nam, cụ thể:

- Khu vực kinh tế ven biển phía Bắc, từ Quảng Ninh tới Ninh Bình, hằng năm mức đóng góp của các KKTB vào GDP cả nước khá ổn định (từ 7,1-7,3%).

- Khu vực kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ (Thanh Hóa – Bình Thuận): Đóng góp vào GDP cả nước có xu hướng tăng, từ 13,33% năm 2010 lên 14,22% năm 2016.

- Khu vực kinh tế ven biển Đông Nam Bộ đóng góp vào GDP cả nước luôn ở mức cao, khoảng 24-29% trong giai đoạn 2010 - 2016.

- Khu vực kinh tế ven biển Tây Nam Bộ: Đóng góp vào GDP cả nước khá khiêm tốn, đạt khoảng 6 - 6,4% trong giai đoạn 2010 – 2016 (Ban soạn thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, 2017).

Tại nhiều địa phương KKTB thực sự đã trở thành đầu tàu phát triển, kéo theo sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách địa phương. Đặc biệt, việc hình thành và phát triển các KKTB cũng đã giúp phát triển cơ sở hạ tầng của các địa phương ven biển và trên các đảo. Việc phát triển các KKTB cũng tạo điều kiện mở rộng các cảng biển hiện có, hệ thống cảng hàng không cũng được đầu tư xây dựng và nâng cấp thành 5 cảng hàng không quốc tế và 8 cảng hàng không nội địa ven biển; Hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc, cấp điện, cấp nước tại các vùng biển, đảo được nâng cấp, hoàn thiện.

Tuy nhiên, khi đánh giá việc phát triển của KKTB một cách hệ thống, có thể thấy, các KKTB hiện đang phát triển chưa xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Hầu hết quy mô của các dự án thu hút trong các KKTB còn nhỏ, tỷ lệ lấp đầy đạt dưới 10%, cơ cấu các ngành nghề trong các lĩnh vực kinh tế biển chưa hợp lý, chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế. Hệ thống kinh tế cảng biển phát triển chậm, mô hình quản lý chậm được nâng cấp, chưa tích hợp công nghệ trong quản lý, dẫn tới dịch vụ cảng và hậu cần chưa đồng bộ, khó khai thác hết công suất thiết kế mặc dù hệ thống hạ tầng cảng biển được phát triển khá nhanh. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển thời kì 2007 – 2017 tăng rất chậm, đạt khoảng 5,4%/năm, khối lượng hàng hóa vận chuyển đường biển chỉ tăng ở mức 3,6%/năm (2007 – 2016).

Bên cạnh đó, năng lực đóng tàu và sửa chữa tàu biển còn rất kém, năng lực đóng mới chỉ đạt 1.000.000 DWT/năm. Các nhà máy hoạt động có lãi còn ít, cơ bản chỉ duy trì hoạt động bằng các hợp đồng gia công; khả năng đóng mới các tàu hàng, tàu chuyên dụng không nhiều.

Trong khi đó, một số lĩnh vực như khai thác và chế biến dầu khí gặp khó khăn; năng lực khai thác dầu đạt 167,9 triệu tấn, năng lực khai thác khí đạt 101,7 tỷ m3 trong giai đoạn 2007 – 2017, việc chế biến sâu các sản phẩm dầu khí còn rất hạn chế.

Việc đầu tư kết cấu hạ tầng vùng biển, ven biển, hải đảo tuy đã được đầu tư nhưng các cảng biển, các khu kinh tế, sân bay ven biển còn nhỏ bé, chưa hợp chỉnh lại thành hệ thống kinh tế biển vững chắc, bền vững… Mặc dù đã có nhiều nỗ lực phát triển hạ tầng kinh tế biển nhưng về cơ bản chưa đảm bảo tính đồng bộ, việc đầu tư nhìn chung khá dàn trải, việc vận hành còn mang nặng tính truyền thống, chưa tạo đột phá (chưa có các trung tâm cảng biển, logistics đạt được các tiêu chuẩn quốc tế), làm giảm tính cạnh tranh của các KKTB trong nước so với các KKTB khu vực và thế giới, làm giảm sức hấp dẫn trong thu hút các dự án có chất lượng...

Việc khai thác và sử dụng đất ven bờ biển, mặt nước biển ven bờ còn lãng phí; việc khai thác các nguồn lợi thủy sản chưa mang lại giá trị gia tăng cao, hoạt động khai thác thiếu bền vững, khai thác ồ ạt, không có quy hoạch chi tiết, không tính tới các tác động tiêu cực, dẫn tới sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên, nhất là các nguồn tài nguyên không có khả năng tái tạo. Các hệ sinh thái ven bờ biển (rừng ngập mặn, vùng triều, rạn san hô...) có xu hướng suy giảm nghiêm trọng do tác động của hoạt động kinh tế, xây dựng...

Thực trạng khung thể chế dành cho các khu kinh tế biển

Thứ nhất, khung chính sách về phát triển các KKTB tại Việt Nam đã được hình thành và đang trong quá trình hoàn thiện.

Cụ thể, chủ trương xây dựng thí điểm các đặc khu kinh tế, khu mậu dịch tự do ven bờ biển các địa phương có đủ điều kiện đã được nêu ra tại Hội Nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (1997); tiếp tục được làm rõ trong Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa X. Tiếp đó, các ý kiến chỉ đạo trong Thông báo của Bộ Chính trị số 79-TB/TW; của Ban Chấp hành Trung ương Đảng số 155-TB/TW; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16/8/2004 (Bộ Chính trị); Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ... đều thống nhất việc phát triển kinh tế biển nói chung, KKTB nói riêng là một chủ trương đúng đắn, đảm bảo sự phát triển lâu dài của quốc gia trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế biển sẵn có. Từ đó giúp hình thành khung pháp lý và cơ sở hoạt động cho các KKTB một cách lâu dài và bền vững.

Thứ hai, khung khuyến khích đối với các khu kinh tế ven biển

Chính sách khuyến khích đầu tư vào các KKTB đã từng bước được xây dựng nhưng chưa có sự khác biệt rõ rệt so với khung chính sách và khung khuyến khích áp dụng đối với các KKT nói chung và KKT cửa khẩu nói riêng. Cụ thể:

- Ưu đãi thuế TNDN: Tại nhiều địa phương, việc áp dụng ưu đãi thuế tuân theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP. Các doanh nghiệp đầu tư vào các KKTB đều được miễn thuế trong 04 năm và giảm 50% mức thuế suất trong 9 năm tiếp theo. Thời gian được hưởng thuế suất thuế TNDN 10% trong 15 năm. Đối với các thu nhập khác như thu nhập từ chuyển nhượng BĐS sẽ không áp dụng quy định trên. Đối với các doanh nghiệp đặc thù hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu khí phải chịu mức thuế suất từ 32% - 50%; thăm dò khai thác mỏ tài nguyên quý hiếm chịu thuế suất 50%...

- Ưu đãi thuế nhập khẩu: Để khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu trong KKTB, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 cho phép các doanh nghiệp này được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu (đối với tài sản cố định hoặc nguyên vật liệu, linh kiện trong nước chưa tự sản xuất được, phục vụ cho dự án đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô, đổi mới hoặc thay thế công nghệ cũ).

- Ưu đãi thuế thu nhập cá nhân (TNCN): Lao động Việt Nam và nước ngoài làm việc tại các KKTB được miễn giảm 50% thuế TNCN theo quy định của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP.

- Nới rộng thời hạn sử dụng đất dự án đầu tư tại các KKTB (lên tới 70 năm), cùng với miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong suốt thời hạn thuê đất (áp dụng cho các dự án được ưu đãi đặc biệt) (Nguyễn Thường Lạng, 2014).

- Hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng KKTB: trong phạm vi KKTB, các kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội của KKTB được hỗ trợ bởi ngân sách trung ương như: đầu tư xây dựng giao thông nội khu; bồi thường và GPMB, đầu tư xây dựng các khu nhà ở công nhân, khu tái định cư cho người dân bị thu hồi đất do phát triển KKTB; đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải tập trung của các khu chức năng thuộc KKTB.

Nhìn chung, Việt Nam đã dần hình thành đồng bộ, đầy đủ khung thể chế cho việc phát triển các KKTB, tuy nhiên, chất lượng khung thể chế chưa cao, còn nhiều quy định chồng chéo, rườm rà, nặng thủ tục hành chính. Đặc biệt, khung thể chế phát triển KTTB của các địa phương có tính cá biệt hóa chưa cao, phụ thuộc nhiều vào khung thể chế của Chính phủ, chính sách khuyến khích còn dựa chủ yếu vào các lợi thế sẵn có, dễ bắt chước.

Thứ ba, khung quy định đối với các khu kinh tế ven biển

Khung quy định đối với việc tổ chức quản lý nhà nước đối với KKTB được thực hiện theo Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP, Nghị định số 114/2015/NĐ-CP; theo đó:

- Quyền quản lý thống nhất đối với các KKTB thuộc về Chính phủ. Các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và Ban quản lý các KKTB được phân công nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể trong xây dựng, thực hiện các quy hoạch (tổng thể và chi tiết), kế hoạch thực hiện và ban hành các chính sách, công văn, văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách KKTB.

- Thủ tướng Chính phủ được phép phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể KKTB; phê duyệt quyết định thành lập, mở rộng quy mô, diện tích, phân khu chức năng thuộc KKTB.

- Các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh được thực hiện các chức năng, nhiệm vụ đã phân công thuộc lĩnh vực chuyên môn, trong phạm vi lãnh thổ hành chính đối với KKTB, giao trách nhiệm cho các Ban quản lý KKT quản lý các lĩnh vực theo quy định của pháp luật.

- Các ban quản lý kKTB được trực tiếp quản lý, tổ chức cung ứng các dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác cho các phân khu chức năng và các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trong KKTB; thực hiện quản lý về thương mại, xây dựng, lao động, môi trường thuộc thẩm quyền trong KKTB; được phép cấp quyết định đầu tư các dự án thuộc nhóm B, C, sử dụng NSNN theo ủy quyền của UBND tỉnh; giao đất cho các dự án đăng ký đầu tư...

Đánh giá về khung thể chế đối với khu kinh tế ven biển

Kết quả đạt được

Thứ nhất, nhận thức về vai trò và tầm quan trọng, chiến lược của kinh tế biển nói chung và các KKTB đang dần được nâng lên. Các KKTB được coi là hạt nhân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, vùng, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu, tăng cường cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và tạo việc làm.

Thứ hai, khung chính sách đối với KKTB đã được hình thành và từng bước hoàn thiện, phù hợp với nhận thức chung về KKTB, đồng thời cung cấp khuôn khổ pháp lý cho KKTB, tạo thuận lợi cho các địa phương trong thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, giải quyết các vấn đề về tăng trường, phát triển.

Thứ ba, khung khuyến khích đối với đầu tư trong KKTB đã được hình thành, tận dụng được các lợi thế cạnh tranh của địa phương để thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn FDI. Giai đoạn vừa qua, nhờ chính sách khuyến khích, ưu đãi, Việt Nam đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn.

Thứ tư, khung quản lý đã bắt đầu có sự phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quản lý KKTB. Đặc biệt đã bắt đầu tách biệt giữa vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương và điều hành của Ban quản lý các KKT. Các cải cách hành chính nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong các KKT cũng được quan tâm hơn.

Hạn chế

Một là, nhận thức về kinh tế biển và KKTB một số nơi, một số lúc còn nhiều hạn chế

Mặc dù khung thể chế phát triển KKTB của Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều tiệm cận với xu hướng phát triển bền vững biển và quản lý biển dựa trên hệ sinh thái, tuy vậy cách nhận thức và triển khai chưa thực sự đồng đều giữa các địa phương. Khung thể chế chưa thực sự tạo ra sự bứt phá trong phát triển kinh tế của những địa phương có biển, chưa tham gia sâu vào Chuỗi giá trị toàn cầu; chưa phát huy được tác động “lan tỏa” trong phát triển kinh tế địa phương, vùng và quốc gia. Đặc biệt, tác động lan tỏa từ KKTB sang các khu vực nội địa khác là chưa cao. Những ngành công nghiệp được xác định có vị trí chiến lược như hàng hải, dầu khí, đóng tàu phát triển còn hạn chế, hiệu quả kinh tế thấp, chưa đạt được các chỉ tiêu đặt ra, thậm chí để xảy ra thất thoát, lãng phí, ảnh hưởng xấu đến kinh tế, tác động đến niềm tin của nhân dân và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hai là, về khung chính sách đối với KKTB

Tính hiệu lực, ổn định của hệ thống pháp luật chưa cao; chưa thống nhất trong quy định chung và quy định chuyên ngành.

Do Khung thể chế chưa ổn định, việc quy hoạch các KKTB chưa theo kịp nhịp phát triển của các KKTB trên thế giới và khu vực. Đặc biệt quy hoạch các KKTB chịu sự tác động của quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quy hoạch phát triển ngành công nghiệp; quy hoạch phát triển vùng… nhưng hiện chưa có cơ chế đối chiếu, thẩm định các phân khu trong KKT. Chất lượng quy hoạch thấp, thiếu tiêu chuẩn đánh giá, chất lượng kém, hiệu suất sử dụng các phân khu chức năng chưa cao.

Chính sách phát triển hạ tầng KKT và KKTB còn đơn điệu, cứng nhắc. Do đó, giảm sức hấp dẫn của các KKTB đối với các nhà đầu tư lớn, các đối tác chiến lược nước ngoài.

Các KKTB có vị trí địa lý gần nhau thường tương đồng về lợi thế so sánh, sự liên kết giữa các KKT còn mang tính hành chính, văn bản là chủ yếu, chưa có sự phân công chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị. Khung chính sách chưa thực sự trao quyền cho chính quyền địa phương trong định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong mối liên kết với quy hoạch vùng và ngành, giúp địa phương định hướng, điều phối, thu hút đầu tư, quản trị không gian kinh tế và tạo nên sự liên kết với các KKT khác.

Ba là, về khung khuyến khích

Hiện nay, phạm vi chủ động của chính quyền địa phương trong ban hành khung khuyến khích cho KKTB chưa cao, do vậy, các điều kiện khuyến khích vẫn dựa trên khung chung của quốc gia, thiếu sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và gây ra sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các KKTB trong cùng một khu vực, vùng.

Chính sách khuyến khích dành cho các dự án trong KKTB chưa nhất quán, mới dựa vào những lợi thế sẵn có, thu hút dựa trên những ưu đãi tài chính.

Bốn là, về khung quy định

Hiện nay, Chính phủ chưa ban hành quy định cụ thể về đầu mối quản lý KKTB về mặt quản lý nhà nước trên phạm vi cả nước, vùng. Ở cấp tỉnh, các ban quản lý KKT được phân cấp và phân quyền nhưng chỉ giới hạn ở một số nhiệm vụ, lĩnh vực nhất định, chủ yếu là về thủ tục hành chính, kiểm tra và giám sát một số hoạt động liên quan tới thuê đất, giải phóng mặt bằng và môi trường...

Giải pháp hoàn thiện khung thể chế đối với khu kinh tế ven biển tại Việt Nam

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện tư duy hệ thống và bền vững trong xây dựng thể chế phát triển khu kinh tế ven biển

Các KKTB của Việt Nam hiện nay đều được xây dựng dựa trên các điều kiện tự nhiên sẵn có, mặc dù đã được điều chỉnh quy hoạch phát triển, tập trung đầu tư nhưng điểm yếu nhất vẫn là ít hàng hóa tự nhiên, nguồn hàng khan hiếm. Để thực sự phát triển các KKTB cần gắn sự phát triển của KKT với các vùng đô thị ven biển và không có biển, tạo thành các chuỗi đô thị gắn với các cảng biển nước sâu và KKTB. Điều này có thể thực hiện thông qua việc tạo ra những nhu cầu nội vùng, xây dựng mối quan hệ với kinh tế nội vùng và KKTB. Đặc biệt, việc xây dựng các KKTB mới phải có sự tương hợp với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và sân bay.

Cần mở rộng tư duy phát triển KKTB không chỉ giới hạn trong KKT, mà còn là hệ thống đất đai, công nghiệp phụ trợ, hạ tầng đô thị tại các khu vực ven biển, bắt đầu bằng giao thông, cơ sở hạ tầng rồi tới các khu công nghiệp và khu đô thị. Cần chú trọng phát triển du lịch biển nhằm khai thác tốt tiềm năng tự nhiên, thu hút đầu tư quốc tế.

Đặc biệt, cần căn cứ vào các lợi thế tự nhiên của từng vùng, từng địa phương, có hướng phát triển kinh tế biển bền vững, khai thác tối đa lợi thế sẵn có, phát triển các lợi thế mới cho địa phương và toàn vùng. Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm hữu hình, cần chú trọng khai thác các sản phẩm, lợi thế vô hình, có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, dựa trên thâm dụng công nghệ mới; hình thành các đầu mối liên kết kinh tế giữa các vùng trong nước và các nước trong khu vực.

Việc phát triển các KKTB phải dựa trên tư duy hệ thống, mở, hướng vào thị trường khu vực và thế giới, ưu tiên phát triển mạng lưới logistics và năng lượng tái tạo.

Thứ hai, khung thể chế cần tăng cường quy định và yêu cầu nhằm thúc đẩy quy hoạch theo hướng liên kết và phát triển các khu kinh tế ven biển sinh thái.

Các thành phần của khung thể chế cần tăng cường quy định và hướng dẫn đối với việc quy hoạch và liên kết quy hoạch vùng, quốc gia nhằm phát huy thế mạnh đặc thù của từng địa phương, tạo thế mạnh thu hút chuỗi giá trị đầu tư, tương hỗ lẫn nhau trong phát triển kinh tế biển bền vững; đồng thời góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư, tránh trường hợp đầu tư dàn trải, lãng phí. Điều này đòi hỏi cần phải điều chỉnh quy mô phát triển các KKTB nhằm mở ra cơ hội phát triển cho từng địa phương ven biển, hình thành chuỗi liên kết mô hình phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch hoặc nông nghiệp tùy vào tình hình cụ thể của từng vùng.

Minh chứng từ sự điều chỉnh quy hoạch của KKT Nhơn Hội và Chu Lai cho thấy việc điều chỉnh chức năng các KKT theo hướng hình thành các KKT đa ngành, với trọng tâm phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, cảng biển, thủy sản đã tạo thành các cực phát triển của vùng, trở thành đầu mối về giao thông trong nước và quốc tế. Thành công này là do trong quá trình quy hoạch, đã xác định được phương án quy hoạch kinh tế - xã hội tổng thể, đồng bộ không chỉ cho KKTB mà cả vùng kinh tế trọng điểm, có tầm nhìn dài hạn và bền vững.

Thứ ba, xây dựng các mô hình liên kết giữa các địa phương gần kề nhằm phát triển kinh tế ven biển
Để thực sự phát triển các KKTB, việc liên kết không chỉ cần được hình thành trong ngành Du lịch, mà cần hình thành trong các ngành công nghiệp hiện hữu nhằm phát triển các ngành công nghiệp bổ trợ lẫn nhau giữa các địa phương, các vùng, dựa trên lợi thế so sánh của mỗi KKTB, tập trung vào 05 trụ cột chủ yếu của các địa phương có biển như: ngư nghiệp; du lịch; cảng biển; công nghiệp chế tạo, chế biến; năng lượng tái tạo.

Không những chỉ liên kết trong chuỗi sản phẩm, việc liên kết cũng cần được hình thành nhằm tận dụng các nguồn lực để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của khu vực, nhằm đảm bảo phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng KKT, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng tại Việt Nam. Việc phát triển kết cấu hạ tầng phải đảm bảo tính chất đa mục tiêu, mang tính hệ thống, kết nối được với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, góp phần thúc đẩy hình thành chuỗi đô thị ven biển, hướng ra biển, gắn kết với KKTB; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, vùng dựa trên hệ sinh thái kinh tế, tự nhiên một cách hợp lý, gắn với CMCN 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế.

Kết luận

Với gần 20 năm phát triển KKT và KKTB, kinh tế nhiều địa phương, vùng và kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận nhờ đóng góp của các KKTB, cơ cấu các ngành kinh tế, cơ cấu lao động từng bước hoàn thiện. Tuy vậy, nhiều chuyên gia nhận định rằng, kinh tế biển và sự phát triển của các KKTB chưa tương xứng với tiềm năng, nguyên nhân chủ yếu là do thể chế đối với các KKTB chưa hoàn thiện, còn nhiều hạn chế. Điều này đặt ra yêu cầu đối với hệ thống quản lý nhà nước trong giai đoạn tiếp theo cần tập trung khắc phục các hạn chế này, để tận dụng tối đa lợi thế của quốc gia biển, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về phát triển kinh tế biển.

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo các Ban quản lý KKT, KCN tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế (năm 2021);
  2. Ban soạn thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (2017), Báo cáo tổng kết hoạt động các mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế và các mô hình tương tự khác;
  3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nội vụ (2015), Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT- BKHĐT-BNV ngày 3/9/2015 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, Hà Nội;
  4. Chính phủ (2018), Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018, Quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, Hà Nội;
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội;
  6. Đan Đức Hiệp (2012), Khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia.

* ThS. Lê Thành Đông - Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, Nghiên cứu sinh Trường Đại học Kinh tế quốc dân
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 4/2022