Thực trạng và giải pháp quản trị vốn lưu động tại các doanh nghiệp toàn cầu và ở Việt Nam


Quản trị vốn lưu động (VLĐ) là một yếu tố quan trọng trong tài chính doanh nghiệp, nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính thanh khoản, rủi ro và khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay những bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính đã gây áp lực ngày càng lớn lên các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng của họ, do đó, việc tập trung vào tối ưu hóa khả năng thanh khoản và dòng tiền tự do của đơn vị là rất quan trọng. Nhiệm vụ của các nhà quản trị doanh nghiệp là nâng cao hiệu quả và vòng quay VLĐ đồng thời đảm bảo khả năng sinh lời được duy trì. Bài viết tổng hợp tình hình quản trị VLĐ tại các doanh nghiệp, qua đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản trị VLĐ.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Khái quát về vốn lưu động và quản trị vốn lưu động tại doanh nghiệp

Vốn lưu động

VLĐ là toàn bộ số tiền ứng trước mà DN bỏ ra để đầu tư hình thành nên các tài sản lưu động cần thiết đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Thông thường, các DN nhận diện VLĐ theo hình thái biểu hiện, bao gồm vốn bằng tiền, các khoản phải thu, hàng tồn kho. Khác với vốn cố định, VLĐ trong DN có những đặc điểm riêng, phù hợp với các đặc điểm của tài sản lưu động đó là:

- VLĐ có thời gian luân chuyển nhanh, chỉ tham gia vào một chu kỳ sản xuất kinh doanh do thời gian sử dụng tài sản lưu động ngắn.

- Hình thái biểu hiện của VLĐ luôn thay đổi qua các giai đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh: Từ hình thái vốn tiền tệ ban đầu trở thành vật tư, hàng hóa dự trữ sản xuất, tiếp đến trở thành sản phẩm dở dang, bán thành phẩm, thành phẩm và cuối cùng lại trở về hình thái vốn bằng tiền.

- Giá trị của VLĐ được chuyển dịch toàn bộ, một lần vào giá trị của hàng hóa dịch vụ sản xuất ra và được bù đắp lại khi DN thu được tiền bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Quản trị vốn lưu động

Quản trị VLĐ trong các DN là việc nhà quản trị lựa chọn và đưa ra các quyết định tài chính liên quan đến việc huy động và sử dụng VLĐ (vốn bằng tiền, vốn phải thu và vốn tồn kho dự trữ), tổ chức thực hiện các quyết định đó nhằm đạt được mục tiêu đặt ra trong hoạt động kinh doanh của DN.

Trong quá trình quản trị VLĐ thường phát sinh các tình huống đối lập nhau giữa mục tiêu tính thanh khoản và khả năng sinh lời. Do vậy, mục tiêu quản trị VLĐ là duy trì sự cân bằng tối ưu giữa các thành phần VLĐ để tối đa hóa giá trị cũng như khả năng sinh lời của DN, đồng thời đảm bảo tính thanh khoản để thanh toán các khoản nợ đến hạn chi trả, qua đó, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh được một cách thường xuyên, liên tục.

Tính thanh khoản là một chỉ tiêu đo lường khả năng tồn tại của một DN trên thị trường, tức là khả năng duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên, liên tục. Điều này có thể được minh họa khi xem xét từng yếu tố trong VLĐ như sau:

- Tiền mặt: Bất kể doanh nghiệp nào cũng cần một lượng tiền mặt cụ thể để thanh toán các khoản nợ khi đến hạn, và đặc biệt có thể tận dụng khoản chiết khấu thanh toán từ nhà cung cấp. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể cân nhắc việc kiếm được lợi nhuận tốt hơn bằng cách đầu tư thặng dư tiền mặt vào khoản đầu tư ngắn hạn có tỷ suất sinh lời cao. Do vậy, khi đảm bảo doanh nghiệp dự trữ đủ tiền mặt phục vụ thanh toán, doanh nghiệp đang giảm cơ hội sở hữu nhiều tài sản sinh lời hơn.

- Các khoản phải thu: Doanh nghiệp có thể quyết định không cấp tín dụng cho khách hàng, bởi vì việc chậm trễ trong thu hồi khoản phải thu từ khách hành sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu áp dụng chính sách này, trong dài hạn có thể làm sụt giảm lượng khách hàng dẫn đến doanh thu và lợi nhuận sẽ giảm.

- Hàng tồn kho: Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các công ty sản xuất và bán lẻ cần phải duy trì hàng tồn kho thành phẩm hoặc hàng hóa; để duy trì hoạt động sản xuất không bị gián đoạn, doanh nghiệp sản xuất cần duy trì hàng tồn kho nguyên vật liệu.

- Các khoản phải trả: Để cải thiện thanh khoản, doanh nghiệp có thể quyết định chậm trả hoặc thỏa thuận kéo dài thời hạn thanh toán với nhà cung cấp. Khi đó, doanh nghiệp sẽ mất quyền được hưởng chiết khấu thanh toán, đồng thời, có nguy cơ bị đánh giá thấp mức tín nhiệm về kỷ luật thanh toán. Nếu tình trạng chậm thanh toán các khoản phải trả kéo dài, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung ứng trong dài hạn.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận kế toán rất tốt nhưng lại mất khả năng thanh toán, do vậy duy trì tính thanh khoản ổn định là một yếu tố then chốt trong doanh nghiệp.

Một số công cụ cơ bản và truyền thống được sử dụng trong quản trị VLĐ:

(i) Xác định nhu cầu VLĐ của doanh nghiệp.

(ii) Quản trị vốn bằng tiền: Xác định đúng đắn mức dự trữ tiền mặt hợp lý để đáp ứng các nhu cầu thanh toán của DN trong kỳ; Quản lý chặt chẽ các khoản thu chi tiền mặt; Lập dự toán tiền mặt (dự toán dòng tiền) định kỳ theo tháng, quý, năm.

(iii) Quản trị hàng tồn kho: Xác định lượng tồn kho và thời gian tồn kho dự trữ hợp lý; Theo dõi sự biến động giá cả, duy trì hàng tồn kho; thực hiện quản lý xuất nhập, kiểm kê; Thiết lập mức dự trữ hàng tồn kho tối đa – tối thiểu; Xác định điểm đặt hàng và mức đặt hàng kinh tế (mô hình EOQ)…

(iv) Quản trị nợ phải thu: Xây dựng chính sách bán chịu hợp lý; phân tích tình hình tài chính để xây dựng hạn mức công nợ cho khách hàng đầy đủ; thực hiện đồng bộ các biện pháp thu hồi công nợ khách hàng.

(v) Quản trị nợ phải trả: Quản lý công nợ chi tiết với từng nhà cung cấp, theo từng thời hạn thanh toán; Xây dựng chính sách mua hàng, xây dựng kế hoạch thanh toán tiền hàng; duy trì theo dõi chính sách giá của các nhà cung cấp; Xây dựng danh mục nhà cung cấp thay thế…

Tình hình vốn lưu động tại các doanh nghiệp trên ton cầu vở Việt Nam

Năm 2019, PwC ban hành Báo cáo về VLĐ “Tạo lập giá trị qua VLĐ – giải phóng dòng tiền trong kỷ nguyên số”. Báo cáo dựa trên kết quả khảo sát, nghiên cứu và phân tích tình hình tài chính của các doanh nghiệp niêm yết có quy mô lớn nhất toàn cầu, trong đó tập trung vào VLĐ và các chỉ số trọng yếu liên quan. Báo cáo đánh giá tiềm năng trong tạo lập giá trị doanh nghiệp qua cải thiện quản trị VLĐ. Xu thế chung hiện nay cho thấy, doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệthông tin trong quản trị hiệu quả VLĐ. Phân tích dữ liệu có thể được sử dụng để đạt được sự minh bạch liên quan đến hiệu suất tiền mặt, qua đó, điều chỉnh tốt hơn hiệu suất các chức năng về vận hành doanh nghiệp hay thực hiện các hoạt động thương mại. Hơn nữa, trí tuệ nhân tạo (AI), các giải pháp dựa trên đám mây chuyên dụng và tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) ngày càng trở thành trọng tâm trong việc tối ưu hóa VLĐ tại doanh nghiệp. Báo cáo nhận định trong 05 năm qua, hơn một nửa trong số doanh nghiệp khảo sát thuộc các ngành công nghiệp đã đạt được một số tiến bộ trong việc giải quyết thách thức về VLĐ, nhưng không phải là tất cả. Điều này cho thấy, vẫn còn nhiều cơ hội để tạo ra giá trị thông qua việc tối ưu hóa mức VLĐ tại doanh nghiệp.

Trong các năm 2017, 2018, xu hướng cải thiện trong tình hình sử dụng VLĐ có thể kể đến như sau: VLĐ ròng tăng 360 tỷ euro trong năm 2018 (tăng 9,4% vào năm 2017), hiệu suất tương đối về số ngày đã được cải thiện giảm nhẹ 0,1 ngày); Số ngày chiếm dụng khoản phải trả từ nhà cung cấp (DPO) giảm (2,6 ngày), cần lưu ý rằng việc sử dụng DPO làm công cụ khắc phục tức thời tình hình thanh khoản (kéo dài thời hạn trả nợ) không có tính bền vững về lâu dài trong các chiến lược quản trị VLĐ.

Nhiều doanh nghiệp đạt được những bước tiến đầu tiên trong cải thiện chỉ tiêu về kỳ luân chuyển phải thu khách hàng (DSO) (bình quân giảm 1,3 ngày) và số ngày lưu trữ hàng tồn kho (DIO) (giảm 0,9 ngày). Điều này là yếu tố cần thiết giảm áp lực lên các chính sách tăng hiệu quả từ DPO.

Tại Việt Nam, PwC cũng công bố Báo cáo về Tăng trưởng bền vững và khả năng thanh khoản – Đánh giá hiệu quả sử dụng VLĐ Việt Nam 2019/2020. Báo cáo được tổng hợp và phân tích từ 509 doanh nghiệp đang niêm yết thuộc 15 nhóm ngành khác nhau. Năm 2018 so với năm 2017, doanh thu của các doanh nghiệp tăng 15% nhưng lợi nhuận hoạt động chỉ tăng 3% do ảnh hưởng từ áp lực chi phí.

Đồng thời, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc cải thiện chu kỳ tiền mặt, năm 2018, chu kỳ tiền mặt trung bình 67 ngày, tăng 3 ngày so với năm 2017, trong khi đó, mức bình quân toàn cầu là 47 ngày. Khi so sánh chỉ tiêu này với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam là một trong 4 quốc gia có kết quả kém nhất. Tại Việt Nam, nếu chỉ xét riêng chu kỳ tiền mặt, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Khách sạn, dịch vụ giải trí và công nghiệp nặng có kết quả sụt giảm nhiều nhất khi so với năm 2017.

Giải pháp tăng cường hiệu quả sử dụng vốn lưu động trong doanh nghiệp

Việc xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và quản trị VLĐ tại doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố và thực trạng tại mỗi đơn vị. Tuy nhiên, ngoài các công cụ cơ bản đã đề cập ở trên, doanh nghiệp nên rà soát và xây dựng chiến lược trên cơ sở hướng tới quản trị có vận dụng công nghệ trong phân tích và kiểm soát dữ liệu, quản trị theo quy trình và các hoạt động vận hành.

- Đối với vốn bằng tiền: Xây dựng các quy trình và chính sách quản lý ngân quỹ toàn diện; Xem xét các chính sách hiện tại và xác định các điểm cần điều chỉnh; Xây dựng cơ chế dự phòng tiền mặt; Đánh giá và đưa ra giải pháp phù hợp cho các vấn đề liên quan đến tài chính/cấp vốn; Tập trung công nghệ hóa để nâng cao hiệu quả, kiểm soát và sử dụng nguồn lực trong đó có dòng tiền.

- Đối với vốn hàng tồn kho: Tham gia vào chuỗi cung ứng như một chức năng chiến lược của doanh nghiệp để loại khối lượng dư thừa tích lũy trong hàng tồn kho; Nâng cao tầm nhìn và sự liên kết với nhu cầu hàng tồn kho trong tương lai; Xây dựng các chính sách xử lý hàng tồn kho chậm luân chuyển và lỗi thời.

- Đối với công nợ phải thu: Phân tích tác động của hợp đồng với khách hàng tới VLĐ và đánh giá tình huống “đánh đổi” giữa chi phí và tiền mặt (thiết lập chính sách chiết khấu thanh toán); Tạo quy trình thanh toán hiệu quả để giảm thiểu các hóa đơn bị chậm trễ hoặc không chính xác; Tập trung chủ động thu hồi công nợ khách hàng kết hợp tích cực theo dõi tuổi nợ các khoản phải thu, xây dựng cơ chế dự báo rủi ro công nợ.

- Đối với công nợ phải trả: Cải thiện hiệu quả quy trình thanh toán nâng cao hiệu quả sử dụng VLĐ và mối quan hệ với nhà cung cấp; Ngăn chặn sự gia tăng hoặc bổ sung các điều khoản thanh toán và điều chỉnh thiếu hợp lý các điều khoản tiêu chuẩn dựa gắn với ngành nghề và khu vực hoạt động. Tài liệu tham khảo:

  1. Hà Quốc Thắng, 2019, LATS “Quản trị Vốn lưu động tại các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty 319”, Học viện Tài chính;
  2. “Vốn lưu động và quản lý vốn lưu động”, website: https://www.etop.vn/ huong-dan/von-luu-dong-va-quan-ly-von-luu-dong-1086;
  3. PwC, 2019, Cash for growth or growth for cash? 2019/2020 Vietnam Working Capital Study;
  4. PwC, 2019, Working Capital Report 2019/20: Creating value through working capital - Unlocking cash in a digital age.

(*) Nguyễn Tuấn Sơn - Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 7/2022