Thực trạng xây dựng chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, công chức ngành Tài chính và một số đề xuất
Trong những năm qua, ngành Tài chính không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Để làm tốt nhiệm vụ này, ngành Tài chính thường xuyên chú trọng xây dựng chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, công chức ngành Tài chính, đáp ứng những nguyên tắc và tiêu chí đặc thù của Ngành. Bài viết đánh giá thực trạng xây dựng chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, công chức ngành Tài chính trong những năm qua, từ đó đề xuất một số giải pháp cho giai đoạn tới.
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến hoạt động quản lý tài chính-ngân sách
Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã và đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có lĩnh vực tài chính-ngân sách. CMCN 4.0 mang lại nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng tạo ra không ít khó khăn, thách thức trong quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính-ngân sách nói riêng. CMCN 4.0 tác động đến hoạt động quản lý nhà nước về tài chính-ngân sách trên những phương diện sau:
Về nhận thức, quan điểm: CMCN 4.0 diễn ra với tốc độ rất nhanh, quy mô rất lớn, tạo ra những thay đổi sâu rộng trong mọi lĩnh vực trong đó có lĩnh vực tài chính-ngân sách. Do đó, cần phải nhận thức sâu sắc, quyết tâm nắm bắt thời cơ, phải xem đây là vấn đề hàng đầu, sống còn đối với ngành Tài chính hiện nay.
Về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính - ngân sách: Thực hiện việc chuyển đổi số trong bối cảnh CMCN 4.0, ngành Tài chính cần hoàn thành xây dựng chiến lược Tài chính toàn diện, trong đó nhấn mạnh vai trò ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phù hợp với định hướng phát triển kinh tế số; xây dựng các cơ chế chính sách tài chính đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển, đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực CNTT và các công nghệ tiên tiến khác, đồng thời tạo ra nhiều nguồn thu mới từ nền kinh tế số.
Ngành Tài chính hướng tới hoàn thành các mục tiêu về Chính phủ điện tử, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính-ngân sách. Hình thành hệ sinh thái tài chính số trên cơ sở dữ liệu mở ngành Tài chính, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức dễ dàng, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của ngành Tài chính; Hoàn thiện môi trường làm việc điện tử theo hướng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, tinh giản và tự động hóa các quy trình hoạt động nội bộ, cung cấp khả năng tra cứu thông tin và xử lý nghiệp vụ trên thiết bị di động, hướng tới văn phòng không giấy tờ...
Vấn đề phát triển nguồn nhân lực ngành Tài chính: Nhân lực là yếu tố then chốt, tạo ra sự phát triển đột phá, là đặc trưng của phương thức phát triển mới trong nền kinh tế tri thức - thông minh. Do đó, cần đổi mới mô hình tổ chức, quản lý xây dựng chương trình bồi dưỡng cho tất cả đội ngũ công chức, viên chức ngành Tài chính theo chuẩn quốc tế, tạo ra đội ngũ công chức ngành Tài chính chất lượng cao, có kỹ năng và năng lực sáng tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa đất nước trong CMCN 4.0.
Vấn đề xây dựng chiến lược và hoàn thiện cơ chế, chính sách chuyển đổi số: Việc xây dựng chiến lược và hoàn thiện cơ chế, chính sách chuyển đổi số trong những năm tới đòi hỏi tập trung vào xây dựng Chiến lược tài chính đến năm 2030 và chiến lược của từng lĩnh vực như: thuế, hải quan, kho bạc, nợ công, tài sản công, chứng khoán, dự trữ quốc gia, giá, bảo hiểm, kế toán - kiểm toán... phù hợp với định hướng phát triển kinh tế số.
Việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách phải xây dựng được kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài chính, kiến trúc cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính hướng tới kiến trúc tài chính số, xây dựng kế hoạch 5 năm ứng dụng CNTT giai đoạn 2021-2025 của ngành Tài chính và các đơn vị trong ngành phù hợp với Chiến lược tài chính đến năm 2030 và Chiến lược chuyển đổi số ngành Tài chính đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Vấn đề xây dựng chính phủ điện tử, quản trị thông minh: Bộ Tài chính cần nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, công khai minh bạch hoạt động quản lý nhà nước về tài chính-ngân sách trên môi trường mạng, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng, đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công của Bộ Tài chính, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Đồng thời, phát triển tài chính điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới tài chính số bằng việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng kết nối Chính phủ tới tất cả các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị, thậm chí tới từng hộ gia đình, từng người dân; đổi mới tổ chức bộ máy, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Tài chính theo hướng tinh gọn, hợp lý, phù hợp với yêu cầu, chức năng, quản lý nhà nước về tài chính – ngân sách.
Thực trạng xây dựng chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực công chức ngành Tài chính giai đoạn 2011-2019
Trong những năm qua, ngành Tài chính luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Cụ thể, thực hiện Quyết định số 1216/QĐ-TTG ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã Ban hành Quyết định số 2123/QĐ-BTC ngày 27/8/2012 phê duyệt “Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tài chính giai đoạn 2011-2020”, trong đó, đẩy mạnh xây dựng các chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức.
Nhân lực là yếu tố then chốt, tạo ra sự phát triển đột phá, là đặc trưng của phương thức phát triển mới trong nền kinh tế tri thức - thông minh. Do đó, cần đổi mới mô hình tổ chức, quản lý xây dựng chương trình bồi dưỡng cho tất cả đội ngũ công chức, viên chức ngành Tài chính theo chuẩn quốc tế, tạo ra đội ngũ công chức ngành Tài chính chất lượng cao, có kỹ năng và năng lực sáng tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa đất nước trong Cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo đó, từ năm 2011 đến nay, Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc Bộ đã ban hành trên 100 chương trình và tài liệu bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 69 chương trình bao gồm chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, lãnh đạo quản lý và bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành (Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính trình Bộ ban hành 53/69 chương trình, chiếm tỷ lệ 76,8%). Công tác xây dựng các chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, công chức ngành Tài chính trong những năm qua đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực công chức ngành Tài chính giai đoạn 2011-2019 được xây dựng đảm bảo chất lượng hơn, nội dung được đổi mới theo hướng tích cực, quy mô bồi dưỡng tăng nhanh. Số lượng chương trình và tài liệu được tổ chức xây dựng và biên soạn nhiều hơn, hầu hết các chương trình bồi dưỡng được chú trọng và đổi mới cả về mặt nội dung và loại hình bồi dưỡng; nội dung chương trình đã đi sâu vào những vấn đề nghiệp vụ thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách của các đơn vị.
Chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực công chức ngành Tài chính được biên soạn phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành và yêu cầu của thực tiễn phát triển ngành Tài chính theo từng giai đoạn. Nội dung chương trình về cơ bản bảo đảm kết hợp giữa lý luận và thực tiễn; kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng thực hành, có bổ sung, cập nhật, nâng cao phù hợp với tình hình thực tế.
Mặc dù, công tác xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính đã đạt những kết quả đáng ghi nhận nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Số lượng các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý và chương trình có tính chất chuyên ngành (vừa chuyên ngành, vừa vị trí việc làm) còn ít (59 chương trình giai đoạn 2011-2019 so với 112 chuyên ngành và 563 vị trí việc làm).
Nội dung chương trình được xây dựng và thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu khung năng lực theo tiêu chuẩn chuyên ngành và vị trí việc làm trong điều kiện ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách và xây dựng chính phủ điện tử, quản trị thông minh.
Ngoài ra, các chương trình bồi dưỡng đào tạo cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành với thời gian đào tạo thường ngắn hạn (chương trình đào tạo thường là 03 ngày, nhiều chương trình chỉ 0,5-1 ngày) nên dung lượng kiến thức ít, thường mang tính tập huấn chính sách, chế độ nên chưa đáp ứng yêu cầu tính chuyên ngành.
Nâng cao chất lượng xây dựng chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, công chức ngành Tài chính
Trong bối cảnh CMCN 4.0 yêu cầu về năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng cao. Vì vậy, chương trình bồi dưỡng đào tạo cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính cũng phải đảm bảo các nguyên tắc cụ thể như sau:
Thứ nhất, tuân thủ nguyên tắc bảo đảm tính trọn vẹn, hệ thống của nội dung bồi dưỡng. Các nội dung đưa vào chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực công chức cần đảm bảo tính hệ thống, trang bị kiến thức, kỹ năng trọn vẹn theo các nhóm đối tượng cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ hai, đảm bảo nguyên tắc phân tầng kiến thức, kỹ năng trong chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Chương trình bồi dưỡng cần được xây dựng phù hợp với các nhóm đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và gắn với mục tiêu các chương trình, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức phải học lại những kiến thức cơ bản ở nhiều chương trình bồi dưỡng khác nhau.
Thứ ba, tuân thủ nguyên tắc thể hiện được mối quan hệ giữa tiêu chí năng lực nghề nghiệp, phát triển năng lực với các nội dung bồi dưỡng. Nội dung bồi dưỡng phải hướng đến bổ sung những khoảng trống về năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, phát triển năng lực của cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung chương trình bồi dưỡng phải tập trung trang bị những kiến thức, kỹ năng mà cán bộ, công chức, viên chức phải có, cần có, nên có.
Thứ tư, chương trình bồi dưỡng cần hướng đến việc đáp ứng nhu cầu cá nhân về học tập, nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức. Chương trình bồi dưỡng cần phải đa dạng và có những khoảng mở để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng bổ sung các nội dung phù hợp với các nhóm đối tượng bồi dưỡng nhằm đảm bảo hiệu quả bồi dưỡng.
Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu năng lực công chức ngành Tài chính, chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành Tài chính cần phải đảm bảo một số tiêu chí khac gồm: tính phù hợp, tính khoa học, tính cân đối và tính ứng dụng của chương trình.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Văn Dũng (2018), “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức”, Đề tài khoa học cấp Bô, Ủy ban Dân tộc;
2. Nguyễn Xuân Dung (2016), Cơ sở khoa học xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm, tiêu chuẩn ngạch và chức vụ lãnh đạo, quản lý, Đề tài khoa học cấp Bộ, Bộ Nội vụ;
3. Đàm Bích Hiên (2015), Cơ sở khoa học xây dựng chương trình bồi dưỡng công chức theo tiêu chuẩn ngành nội vụ;
4. R. Diamon (2003), Thiết kế và Đánh giá chương trình khoá học (Cẩm nang hữu dụng), NXB Đại học quốc gia;
5. George J. Posner (2004), Analysing the Curriculum, 3rd edition, Cornell University;
6. Tyler, R.W. (1949), Basic principles of curriculum and instruction. Chicago: University of Chicago Press.