Thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông

Minh Anh

Trước những thắc mắc, đề nghị hướng dẫn về thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông của doanh nghiệp xuất khẩu, tại Công văn số 4831/TCHQ-TXNK năm 2023 về thuế bảo vệ môi trường (BVMT), Tổng cục Hải quan đã có ý kiến trả lời cụ thể về vấn đề này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng cục Hải quan cho hay, về việc xác định đối tượng chịu thuế BVMT đối với hàng hóa nhập khẩu, Điều 1 Thông tư số 159/2012/TT-BTC ngày 28/09/2012 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 hướng dẫn thi hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08/08/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế BVMT quy định: Túi ni lông thuộc diện chịu thuế (túi nhựa) là loại túi, bao bì nhựa mỏng có hình dạng túi (có miệng túi, có đáy túi, có thành túi và có thể đựng sản phẩm trong đó) được làm từ màng nhựa đơn HDPE, LDPE hoặc LLDPE, trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận túi ni lông thân thiện với vấn đề theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bao bì đóng gói sẵn hàng hóa (kể cả có hình dạng túi và không có hình dạng túi) tại khoản này được quy định cụ thể như sau: Bao bì đóng gói sẵn hàng hóa bao gồm: Bao bì mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất hoặc nhập khẩu để đóng gói sản phẩm do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó sản xuất, gia công ra hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói.

Ví dụ 1: Doanh nghiệp A tự sản xuất hoặc nhập khẩu 100 kg bao bì (túi ni lông)để đóng gói sản phẩm giầy (sản phẩm giầy do doanh nghiệp A sản xuất, gia công ra hoặc mua về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói) thì 100 kg bao bì nêu trên không thuộc diện chịu thuế BVMT.

Bao bì mà người sản xuất hoặc người nhập khẩu đã có cam kết hoặc khai báo tại khâu nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, nhưng sau đó không sử dụng để đóng gói sản phẩm mà đã sử dụng để trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho thì người sản xuất hoặc người nhập khẩu bao bì phải kê khai, nộp thuế BVMT và bị xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Ví dụ 2: Doanh nghiệp A tự sản xuất hoặc nhập khẩu 100 kg bao bì (túi ni lông), doanh nghiệp A đã có cam kết hoặc khai báo tại khâu nhập khẩu để đóng gói sản phẩm giầy (sản phẩm giầy do doanh nghiệp A sản xuất, gia công ra hoặc mua về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói), nếu doanh nghiệp A chỉ sử dụng 20 kg bao bì để đóng gói sản phẩm giầy và đã sử dụng 30kg bao bì để trao đổi, 40kg bao bì để tiêu dùng nội bộ, 10kg bao bì để tặng cho thì doanh nghiệp A phải kê khai, nộp thuế BVMT đối với 80 kg bao bì đã sử dụng để trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho và bị xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Bao bì sản xuất hoặc nhập khẩu được xác định là bao bì đóng gói sẵn hàng hóa quy định tại khoản này phải có các giấy tờ sau: Đối với bao bì nhập khẩu thì người nhập khẩu bao bì phải cung cấp cho cơ quan hải quan khi nhập khẩu: Hồ sơ hải quan bao bì nhập khẩu theo quy định. Người nhập khẩu tự khai báo, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về nội dung khai báo nhập khẩu bao bì để đóng gói sản phẩm hoặc để bán trực tiếp cho người mua bao bì để đóng gói sản phẩm.

Khi bán trực tiếp bao bì nhập khẩu (đã khai báo để đóng gói sản phẩm khi nhập khẩu) cho người mua bao bì để đóng gói sản phẩm thì người nhập khẩu bao bì phải có: Bản chụp Hợp đồng mua bán bao bì được ký trực tiếp giữa người nhập khẩu bao bì và người mua bao bì; Bản chính văn bản cam kết về việc mua bao bì để đóng gói sản phẩm có chữ ký của đại diện theo pháp luật của người mua bao bì và đóng dấu (nếu người mua bao bì là pháp nhân) do người mua bao bì gửi cho người nhập khẩu bao bì (trong văn bản cam kết nêu rõ số lượng sản phẩm dự kiến sản xuất hoặc gia công ra đối với trường hợp người mua bao bì để đóng gói sản phẩm do mình sản xuất hoặc gia công ra; số lượng sản phẩm dự kiến mua về để đóng gói đối với trường hợp người mua bao bì để đóng gói sản phẩm do mình mua về; số lượng sản phẩm dự kiến nhận đóng gói đối với trường hợp người mua bao bì làm dịch vụ đóng gói; số lượng sản phẩm cần đóng gói và số lượng bao bì sử dụng để đóng gói sản phẩm).

Bên cạnh đó là bảng kê hóa đơn bán bao bì theo mẫu số 03/TBVMT ban hành kèm theo Thông tư này. Khi lập hóa đơn bán bao bì phải ghi đầy đủ các chỉ tiêu được quy định trên hóa đơn giá trị gia tăng (hoặc hóa đơn bán hàng dùng cho cơ sở nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp), ngoài ra ghi thêm dòng bán theo Hợp đồng... số... ngày... tháng... không chịu thuế BVMT trên hóa đơn.”

Căn cứ vào quy định nêu trên, Tổng cục Hải quan đề nghị công ty nghiên cứu quy định nêu trên, đối chiếu với hàng hóa thực tế nhập khẩu của công ty để xác định hàng hóa thuộc/không thuộc đối tượng chịu thuế BVMT. Trường hợp vẫn còn vướng mắc, đề nghị công ty liên hệ với Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) và cung cấp các tài liệu có liên quan để được hướng dẫn thực hiện.

Về việc hoàn thuế BVMT, theo Tổng cục Hải quan, Điều 1 Thông tư số 159/2012/TT-BTC ngày 28/09/2012 của Bộ Tài chính quy định: “Trường hợp bao bì nhập khẩu đã được thông quan theo quy định của pháp luật thì người nhập khẩu bao bì không được kê khai lại để được áp dụng đối tượng không chịu thuế BVMT”.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp hàng hóa của doanh nghiệp đã thông quan thì không được kê khai lại để áp dụng đối tượng không chịu thuế BVMT.