Chú trọng bảo vệ môi trường làng nghề
Làng nghề là một trong những đặc thù của nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đưa ra những quy định cụ thể về bảo vệ môi trường làng nghề nhằm đảm bảo phát triển các làng nghề theo hướng bền vững.
Hoạt động trong các làng nghề là những hoạt động kinh tế phi nông nghiệp bao gồm các nghề thủ công, hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất vừa và nhỏ với các thành phần kinh tế như hộ gia đình, hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân... Đặc điểm của làng nghề về quy mô, công nghệ, loại hình sản xuất, sản phẩm cũng không giống nhau theo các vùng miền.
Làng nghề phát triển, sản xuất kinh doanh được mở rộng có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn, tuy nhiên, lượng chất thải gây ô nhiễm phát sinh càng nhiều, nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Vì vậy, mục tiêu giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong các làng nghề và vùng lân cận nhằm đảm bảo phát triển các làng nghề theo hướng bền vững đang trở thành nhu cầu cấp thiết.
Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường quy định về bảo vệ môi trường làng nghề gồm các nội dung:
Thứ nhất, làng nghề phải có phương án bảo vệ môi trường, có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường và hạ tầng bảo vệ môi trường.
Hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề bao gồm: Có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề; Hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung (nếu có) bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; Có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; khu xử lý chất thải rắn (nếu có) bảo đảm quy định về quản lý chất thải rắn hoặc có phương án vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý chất thải rắn nằm ngoài địa bàn.
Thứ hai, cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề có trách nhiệm thực hiện quy định về xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường và tuân thủ kế hoạch di dời, chuyển đổi ngành, nghề sản xuất theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Điều 34 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường cũng quy định các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề.
Cụ thể, cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải thực hiện các quy định về đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Công trình bảo vệ môi trường của cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải đáp ứng các yêu cầu sau: Có hệ thống thu gom, thoát nước mưa, nước thải theo quy định của chính quyền địa phương, bảo đảm phù hợp với hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề; Có công trình xử lý nước thải hoặc công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong trường hợp hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; Có công trình xử lý khí thải hoặc công trình, thiết bị xử lý khí thải tại chỗ đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong trường hợp có phát sinh khí thải phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Các cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề cũng phải thực hiện các giải pháp kỹ thuật để giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường xung quanh; Có biện pháp, công trình thu gom, lưu giữ chất thải rắn theo quy định của pháp luật.