Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với thế giới
Đó là thông tin được nêu ra tại Hội nghị cung cấp thông tin và tập huấn kỹ năng viết bài truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge Canada tổ chức ngày 25/9 tại Hà Nội. Như vậy, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với trung bình thế giới (56%), thấp hơn đa số các nước ASEAN.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Lâm - Chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá ở Việt Nam hiện áp dụng ở mức 70% giá xuất xưởng. Tuy nhiên, tính theo chuẩn quốc tế là “tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ”, thì tỷ lệ thuế đối với thuốc lá của Việt Nam (bao gồm cả thuế VAT) chỉ chiếm 35,6% giá bán lẻ thuốc lá. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với trung bình thế giới (56%), thấp hơn đa số các nước ASEAN.
Khảo sát của WHO cho thấy, hiện Việt Nam là quốc gia có lượng tiêu dùng thuốc lá cao, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 9 trên thế giới về số người hút thuốc lá. Trung bình cứ hai nam giới trưởng thành thì có một người hút thuốc, tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên (15-24 tuổi) là 24,3%. Việt Nam đã và đang chịu gánh nặng bệnh tật và kinh tế khổng lồ do sử dụng thuốc lá.
Mỗi năm Việt Nam tốn 24.000 tỷ đồng cho chi phí điều trị bệnh, tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và bệnh tật, tổn thất vì tử vong sớm do hút thuốc lá gây ra (tương đương gần 1% GDP của năm ước tính 2011).
Theo WHO, ước tính mỗi năm có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra tại Việt Nam, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả.
Theo số liệu khảo sát của Trường Đại học thương mại phối hợp với Tổ chức HealthBridge Canada thực hiện, đa số thanh thiếu niên nhận định giá thuốc lá hiện đang ở mức rẻ và trung bình (76,2%) và ủng hộ việc tăng thuế để tăng giá thuốc lá (83,5%).
Để giảm tỷ lệ hút thuốc trong cộng đồng, giảm gánh nặng cho sức khỏe, kinh tế và góp phần tăng thu ngân sách, các chuyên gia tại Hội nghị đều khẳng định tăng thuế là giải pháp hiệu quả trong tổng số các giải pháp, nhằm giảm sức mua thuốc lá, qua đó giảm số người hút, ngăn ngừa bệnh tật.
Theo tính toán của WHO và Ngân hàng Thế giới, nếu tăng thuế ở mức làm giá thực của thuốc lá tăng lên 10% sẽ giảm tiêu dùng thuốc lá ở mức 5% ở các nước đang phát triển, và giảm tiêu thụ thuốc lá tới 10% ở trẻ em và người nghèo.
Theo Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế TTĐB, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân được Bộ Tài chính đăng tải lấy ý kiến lần đầu ngày 18/9/2017 có đề xuất, từ ngày 01/1/2020 bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành sẽ áp dụng bổ sung thuế TTĐB tuyệt đối ở mức 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu; 15.000 đồng/điếu xì gà.
Theo WHO, phương án bổ sung thuế tuyệt đối 1.000 đồng theo đề xuất trên có tác động giúp giảm 1,5% tỷ lệ hút thuốc lá và tăng thu cho ngân sách khoảng 3.949 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu được thông qua thì cũng chỉ giúp đạt 1/4 mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc vào năm 2020.
Nghiên cứu mô hình ước tính của WHO cho thấy, để đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, cần áp dụng mức bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 5.000 đồng/bao thuốc. Khi đó tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 6,3%, đạt mục tiêu Chiến lược Quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020, tăng doanh thu thuế thuốc lá thêm 10.700 tỷ đồng/năm và giúp tránh được 900.000 ca tử vong sớm do hút thuốc.
Tại Hội nghị, đánh giá tác động của tăng thuế thuốc lá đối với sản lượng và việc làm ở Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Thu Hiền - Đại học thương mại cho biết, qua nghiên cứu cho thấy, lao động trong ngành Thuốc lá ở Việt Nam chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế (chiếm 0,42%). Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, tăng thuế thuốc lá cao hơn còn có tác động tích cực đến việc làm trong toàn bộ nền kinh tế. Cụ thể, tổng số việc làm trong nền kinh tế sẽ tăng lên từ 13.999 đến 33.831 lao động khi mô phỏng tăng thuế thuốc lá theo các phương án bổ sung thuế tuyệt đối 1.000 đồng, và 5.000 đồng bên cạnh mức thuế suất theo tỷ lệ hiện hành.