Thương hiệu quốc gia tạo sức bật cho doanh nghiệp
Hội đồng thương hiệu quốc gia đã tổ chức Lễ công bố 54 doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm được lựa chọn tham gia Chương trình Thương hiệu quốc gia năm 2012. Mỗi doanh nghiệp là một cách xây dựng thương hiệu, một kinh nghiệm hay cho các doanh nghiệp khác tham khảo để nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Mặc dù nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đạt tiêu chí để được xét gắn biểu tượng Thương hiệu quốc gia. Các doanh nghiệp tham gia chương trình duy trì tốc độ tăng trưởng cao cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu, đặc biệt có doanh nghiệp tăng trưởng 207% trong thời kỳ này. Trong quá trình hội nhập, khi các hiệp định song phương và đa phương do Việt Nam ký kết với các nước trên thế giới với những quy định khắt khe về chất lượng hàng hóa cũng tạo áp lực đối với các doanh nghiệp trong nước, phải cạnh tranh về giá, về chất lượng hàng hóa, về cách thức mua bán, về tiếp cận thị trường. Đối với ngành chè, câu chuyện xây dựng thương hiệu là tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và hàm lượng chế biến sạch, vì các thị trường xuất khẩu đang đòi hỏi tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm.
Giám đốc Công ty cổ phần sinh thái trà Cozy Trần Xuân Thủy cho biết, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu Quốc gia sẽ giúp mỗi đơn vị có ý thức tốt hơn về việc gìn giữ và phát triển thương hiệu. Điều này cũng giúp cho doanh nghiệp có điều kiện cạnh tranh với thương hiệu quốc tế và đưa thương hiệu ra thị trường thế giới. Khi sản phẩm của doanh nghiệp được lựa chọn vào Chương trình Thương hiệu quốc gia thì tự mỗi đơn vị cũng phải tiếp tục nỗ lực không ngừng để tạo ra thương hiệu mạnh, có thể cạnh tranh bình đẳng với thương hiệu quốc tế.
Phát triển và xây dựng thương hiệu không chỉ thể hiện trên phương diện xuất khẩu mà ngay cả ở trong nước cũng được các doanh nghiệp quan tâm, vì khi xuất khẩu gặp khó khăn cũng chính là lúc doanh nghiệp và người dân càng phải hưởng ứng cuộc Vận động của Bộ Chính trị Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Công ty Xe đạp Thống Nhất là một trong nhiều doanh nghiệp thành công khi đa dạng hóa, mở rộng thị trường bán lẻ đến nhiều vùng, miền trong cả nước. Chiến lược tối ưu hóa các khoản đầu tư chi phí, tập trung vào mảng sản phẩm cốt lõi vì phát triển sản phẩm mới là tương đối khó khăn vì người tiêu dùng trong nước rất cân nhắc khi lựa chọn sản phẩm, vì vậy phát triển những thương hiệu đã có thương hiệu 4 - 5 năm nay sẽ tạo sự cạnh tranh tốt hơn và tối ưu hóa chi phí sản xuất để có giá thành cạnh tranh và chất lượng ổn định nhất.
Để có được 54 doanh nghiệp gắn biểu tượng Thương hiệu quốc gia năm 2012, trong đó có 25 doanh nghiệp lần thứ 3 đạt Thương hiệu quốc gia, cần phải kể tới sự nỗ lực của các cơ quan Chính phủ, đứng đầu là Bộ Công thương. Bộ đã xây dựng các chương trình hành động cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm được lựa chọn, định vị vào 3 giá trị chất lượng - đổi mới sáng tạo - năng lực tiên phong và quảng bá hình ảnh Việt nam gắn với các giá trị này trên thị trường trong nước cũng như thế giới tới các đối tượng mục tiêu. Tổng thư ký Hội đồng thương hiệu quốc gia Đỗ Thắng Hải cho biết, các cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá hình ảnh tại thị trường trong và ngoài nước. Nhưng doanh nghiệp cũng cần nỗ lực hơn nữa trong quá trình xây dựng giá trị thương hiệu cho mình.
Thương hiệu quốc gia là chương trình xúc tiến thương mại dài hạn nhằm xây dựng, quảng bá xúc tiến thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa dịch vụ của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Đây sẽ là cú hích, tạo động lực cho các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô, đồng thời tăng cường sự nhận biết của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.