Thương mại điện tử 8 tỷ USD, thanh toán tiền mặt đến 97% và “ước mơ” của đại diện Ngân hàng Nhà nước

Theo Nguyễn Thắm/bizlive.vn

Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, quy mô thương mại điện tử đạt 8 tỷ USD nhưng 97% vẫn thanh toán tiền mặt cho thấy tồn tại rất lớn trong phát triển kinh tế số.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019, Phiên Hiến kế về Kinh tế số, đại diện các bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng thảo luận về thanh toán không dùng tiền mặt, một trong các yếu tố quan trọng nhằm phát triển kinh tế số tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, trong 5 năm gần đây, thương mại điện tử này tăng trưởng với tốc độ 25-30% mỗi năm với tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử năm 2018 đạt 8 tỷ USD, tuy nhiên chủ yếu phương thức thanh toán vẫn là tiền mặt.

Chỉ 3-5% lượng giao dịch sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, với tỷ lệ thanh toán trực tuyến chiếm tỷ trọng rất thấp, đến 80% khách hàng hiện vẫn dùng phương thức nhận hàng trả tiền (COD).

"Việc thay đổi thói quen của khách hàng, cải thiện quy trình thanh toán là đòi hỏi cấp thiết, không chỉ riêng với thương mại điện tử mà cả với sự phát triển của kinh tế số", bà Huyền đánh giá.

Theo đại diện Bộ Công Thương, mấu chốt để thay đổi điều này là xây dựng niềm tin của người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Chính phủ cần đưa ra những hành lang pháp lý, những thể chế để thúc đẩy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, cũng cần có những giải pháp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, thay đổi niềm tin của khách hàng với quy trình thanh toán không dùng tiền mặt.

Về câu chuyện thanh toán không dùng tiền mặt, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) nói "ước mơ" là đưa "mọi dịch vụ ngân hàng lên nền tảng mobile".

Những dịch vụ ngân hàng, theo Vụ trưởng Thanh toán, chỉ cần đáp ứng được quy tắc 3-1-0 sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn.

Quy tắc này, hiểu một cách đơn giản, là mọi nghiệp vụ phải hoàn thành trong thời gian 3 phút, ứng dụng phải đáp lại yêu cầu trong thời gian 1 giây và 0 có sự can thiệp của con người trong quy trình này.

"Khẩu hiệu 3-1-0 cực kỳ đơn giản, dễ nhớ, những làm được hay không lại là điều không dễ", ông Dũng nhận xét.

Rào cản lớn nhất về việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, là thói quen của người tiêu dùng. Nhiều người vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt, dù rằng áp dụng công nghệ, những ứng dụng thanh toán, mang lại sự tiện lợi hơn rất nhiều.

Một rào cản khác cho sự thay đổi, theo ông Dũng, là khoảng cách giữa nói và làm. "Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới, sẽ tiến tới là Bộ đầu tiên xây dựng cơ chế sandbox - khung pháp lý thử nghiệm", ông Dũng cho biết.

Đánh giá hành lang pháp lý đang đi chậm hơn so với công nghệ từ 3-5 năm, ông Dũng cho rằng nếu không có những cơ chế thí điểm quản lý thì việc theo kịp với sự phát triển của công nghệ là điều rất khó.