Thương mại điện tử: Đường dài không mấy dễ đi


Thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 đạt 22 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2023. Tăng trưởng thần tốc của thương mại điện tử cũng tạo nhiều cạnh tranh.

Thị trường thương mại điện tử đang tăng tốc mạnh mẽ. Ảnh: P.Thảo
Thị trường thương mại điện tử đang tăng tốc mạnh mẽ. Ảnh: P.Thảo

Không hẳn là "mảnh đất hào quang"

Thị trường đã và đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các cửa hàng bán lẻ truyền thống sang nền tảng thương mại điện tử. Nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử từ giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD. Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020 và 16,4 tỷ USD năm 2022. Với doanh thu đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C chiếm khoảng 7,8 - 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Năm 2024, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C tiếp tục chiếm 8 - 9% và đạt 22 tỷ USD.

Sự tăng trưởng thần tốc của các sàn thương mại điện tử đã khiến hàng loạt cửa hàng truyền thống phải đóng cửa do không thể cạnh tranh với nền tảng trực tuyến, đã giúp những nhà bán đầu tiên trên nền tảng này kinh doanh khá dễ dàng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại cũng như dự báo thời gian tới thương mại điện tử sẽ không còn là “mảnh đất hứa” với tất cả doanh nghiệp, khi mà thương mại điện tử xuyên biến giới phát triển nhanh như vũ bão. Với hàng triệu nhà bán lẻ cùng tham gia, đây là môi trường cạnh tranh rất khốc liệt.

Thực tế hiện nay, theo chia sẻ của không ít doanh nghiệp, những khó khăn thách thức họ gặp phải như: Hạn chế về kiến thức, kỹ năng số; năng lực cạnh tranh chưa cao; thiếu thông tin thị trường và các vấn đề liên quan đến rào cản pháp lý, thuế quan, logistics, thanh toán; ngôn ngữ…

Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - cho biết, một nền tảng thương mại điện tử hoạt động cần rất nhiều sàn. Để lên sàn kinh doanh được có nhiều vấn đề, như: Tiếp thị, quản lý giao hàng đảm bảo vượt trội… Với thương mại điện tử xuyên biên giới còn liên quan đến việc thích nghi văn hóa, pháp luật nước sở tại… cùng nhiều yêu cầu mà doanh nghiệp phải thật cố gắng mới có thể đáp ứng được.

Theo ông Trần Quốc Bảo - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO, kiêm Giám đốc điều hành kênh thương mại điện tử E2E: 3 khó khăn cỗi lõi khi doanh nghiệp tham gia thị trường thương mại điện tử, đó là công nghệ; sự kiên trì và quy mô.

Giới chuyên gia có chung nhận định, vấn đề lớn nhất hiện nay là khả năng cạnh tranh giữa các sàn thương mại điện tử trong nước và Trung Quốc. Việc thành - bại phụ thuộc chủ yếu vào năng lực của doanh nghiệp Việt trong sản xuất, kinh doanh, phân phối. Nếu doanh nghiệp không chịu bứt phá từ khâu sản xuất đến lưu thông phân phối, cộng thêm các giải pháp bảo hộ thì hàng Việt sẽ thua ngay trên sân nhà.

Những thách thức này Bộ Công Thương cũng đã nhìn nhận, thương mại điện tử ở Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn đó là: Người tiêu dùng phải đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn thấp chưa được kiểm soát chặt chẽ đã và đang bao vây, sẵn sàng đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng; thất thu thuế.

Lối đi nào cho doanh nghiệp?

Dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng chuyển đổi sang các sàn thương mại điện tử là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp bán lẻ tồn tại. Song để giải quyết thách thức, nhà bán lẻ cần có chiến lược rõ ràng và linh hoạt. Trước tiên, họ cần sử dụng các công cụ như AI và Big Data nghiên cứu kỹ thị trường, đối thủ cạnh tranh để tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu. Bên cạnh đó, cần xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng. Nhà bán hàng cần tận dụng công cụ hỗ trợ từ sàn thương mại điện tử và chương trình khách hàng thân thiết để tăng cường sự gắn kết của khách hàng.

Ths. Đặng Thúy Hà - Giám đốc Nghiên cứu, Đại diện Khu vực phía Bắc tại NielsenIQ Việt Nam – cho biết, giá cả và khuyến mãi là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử. Bên cạnh đó, thương hiệu là yếu tố hàng đầu được tìm kiếm khi người tiêu dùng mua hàng. Ngoài ra, bài đánh giá và tìm kiếm trực tuyến có ảnh hưởng lớn khi người tiêu dùng khám phá thương hiệu mới. Trong khi chi phí giao hàng là rào cản lớn khi người tiêu dùng mua sắm trực tuyến...

Do vậy, để chiến thắng trong cuộc đua thương mại tiện tử, bà Hà cho hay, cần đo lường xu hướng, hiệu suất cạnh tranh cho danh mục ở mức sản phẩm và theo dõi kết quả thường xuyên; tối ưu hóa phân phối và giảm tình trạng hết hàng bằng phân tích thương mại điện tử hàng ngày ở mức cửa hàng; tối ưu hóa nội dung để cải thiện khả năng người tiêu dùng phát hiện, tăng hiệu suất tìm kiếm, đảm bảo người tiêu dùng tìm thấy các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của họ; mang tới sản phẩm chất lượng, hiểu rõ người tiêu dùng và những gì họ đang tìm kiếm trực tuyến.

Theo ông Trần Đình Toản - Phó Chủ tịch, OSB Group: Sự chênh lệch giữa các doanh nghiệp và địa phương trong việc ứng dụng thương mại điện tử đang giảm dần nhờ hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước. Doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa ngày càng có cơ hội tham gia xuất khẩu thông qua thương mại điện tử… Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hơn nữa, cơ quan chức năng cần tổ chức các chương trình đào tạo về kỹ năng vận hành thương mại điện tử, bao gồm quản lý gian hàng, tối ưu hóa marketing số, logistics và quản lý thanh toán.

Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt xu hướng mới, xây dựng chiến lược xuất khẩu thông qua thương mại điện tử một cách bài bản; trang bị cho doanh nghiệp kiến thức về các công nghệ mới như Big Data, AI, VR&AR, Blockchain... để tối ưu hóa hoạt động.

Bên cạnh đó, có cơ chế hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp công nghệ trong việc xây dựng hạ tầng thương mại điện tử, logistics, thanh toán quốc tế, sàn giao dịch tín chỉ carbon...

Để thương mại điện tử phát triển bứt phá hơn nữa trong những năm tiếp theo, các chuyên gia cho rằng, cần sự chung tay của các bộ ngành đưa ra nhiều chiến lược và giải pháp tổng thể, hướng đến các mục tiêu như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng; phát triển xanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương và vùng miền thông qua nền tảng số.

Theo Báo Công thương