Tăng cường quản lý nhà nước về phát triển thương mại điện tử

TS. Bạch Ngọc Hoàng Ánh - Trường Đại học Yersin Đà Lạt TS. Nguyễn Văn Đạt - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

Thương mại điện tử đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng lớn trong thương mại toàn cầu. Tại Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số đã phát triển tích cực, trở thành kênh phân phối quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần phát triển các dịch vụ tài chính, dịch vụ thanh toán điện tử. Tuy nhiên, hoạt động quản lý thương mại điện tử hiện nay vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Bài viết này đánh giá việc quản lý nhà nước về phát triển thương mại điện tử và đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển thị trường này trong thời gian tới.

Văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm phát triển thương mại điện tử (TMĐT), nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý thuế trong hoạt động TMĐT.

Nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này, Quốc hội đã ban hành nhiều bộ luật quan trọng, như: Bộ luật Dân sự 2015, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, Luật Viễn thông năm 2023, Luật An ninh mạng năm 2022… Bên cạnh đó, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 29/5/2021 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP đã quy định cụ thể về các quyền và nghĩa vụ của thương nhân về các hoạt động kinh doanh buôn bán, bảo mật thông tin cá nhân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021–2025. Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 quy định trách nhiệm của người quản lý trên sàn TMĐT... Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ được cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về giao dịch trên sàn TMĐT, qua đó, có các biện pháp thu thuế đúng và đủ theo quy định của pháp luật.

Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam chiếm 20% GDP và tăng lên 30% vào năm 2030.

Chiến lược đề ra các nhiệm vụ cụ thể về phát triển kinh tế số ở từng ngành, lĩnh vực trọng tâm, trong đó, TMĐT là một trong những lĩnh vực điển hình của kinh tế số... Việc xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật kịp thời đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của TMĐT trong những năm qua.

Thực trạng quản lý thương mại điện tử

TMĐT có bước tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây. Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom), năm 2022, quy mô giao dịch TMĐT bán lẻ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Xét riêng lĩnh vực bán lẻ hàng hoá, năm 2022, tỷ lệ bán lẻ hàng hoá trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hoá khoảng 7,2%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 6,7% của năm 2021. Quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD so với năm 2022 và cao gần gấp đôi so với năm 2019. Việt Nam hiện lọt nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới…

Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam (EBI 2024) của Vecom nêu rõ, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực TMĐT của Việt Nam năm 2023 đạt trên 25% so với năm 2022, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD, đóng góp khoảng 15-17% tổng giá trị của kinh tế số quốc gia.

Có được tốc độ tăng trưởng cao là bởi Việt Nam có những lợi thế đặc thù, như: (1) Chi phí tiếp cận mạng Internet tại Việt Nam thấp nhất Đông Nam Á; (2) Tỷ lệ sử dụng smartphone trên dân số cao. Tính đến đầu năm 2024, có 78,44 triệu người sử dụng internet tại Việt Nam trong khi tỷ lệ tiếp cận internet đạt 79,1%. Việt Nam có 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội vào tháng 1/2024, tương đương với 73,3% tổng dân số. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Bên cạnh đó, mạng 5G được đưa vào sử dụng là một bước tiến quan trọng trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; (3) Rào cản gia nhập hệ sinh thái kinh doanh trong môi trường điện tử thấp hơn so với thị trường truyền thống; (4) Bên cạnh đó là sự hỗ trợ ngày càng lớn của Chính phủ về chính sách, hạ tầng phục vụ TMĐT...

Mặc dù, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế số của Việt Nam, nhưng lĩnh vực TMĐT còn nhiều vấn đề cần giải quyết, đó là không gian mạng đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ. Nhiều đối tượng còn lợi dụng TMĐT để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt là nguy cơ mất an toàn dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng ngày càng lớn; tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được kiểm soát có xu hướng ngày càng tăng…

Những hành vi lừa đảo, gian lận trong kinh doanh TMĐT ngày càng tinh vi, khó lường, tác động tiêu cực tới người tiêu dùng, đồng thời gây thất thu thuế. Kết quả thực hiện thu thuế TMĐT năm 2022 đã thu được 83.000 tỷ đồng; năm 2023 thu được 97.000 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2024 đã thu được 50.000 tỷ đồng và đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài, tức là các tập đoàn công nghệ nước ngoài, như: Facebook, Google, Microsoft, Tik Tok... thực hiện đăng ký và nộp thuế trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về sàn thương mại xuyên biên giới; hiện nay đã nộp được 15,6 nghìn tỷ đồng thuế TMĐT, nhưng theo các nhà quản lý vẫn còn thất thu trong lĩnh vực này.

Về tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển TMĐT, các hoạt động truyền thông về TMĐT được triển khai khá đa dạng, nhưng hiệu quả chưa cao. Doanh nghiệp và người dân chưa hiểu rõ các quy định cũng như yêu cầu khi tham gia vào giao dịch trên sàn TMĐT, dẫn tới gặp nhiều khó khăn và rủi ro khi tham gia giao dịch. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương chưa thực sự chặt chẽ. Do vậy, khi triển khai các chương trình, dự án về TMĐT còn có sự chồng chéo và kém hiệu quả.

Giải pháp quản lý nhà nước về thương mại điện tử

Một là, cơ quan quản lý nhà nước cần đưa các chủ thể tham gia kinh doanh TMĐT hoạt động theo khung khổ quy định. Vừa qua, lần đầu tiên, khái niệm nền tảng số đã được đưa vào Luật Giao dịch điện tử. Vai trò của các nền tảng giao dịch điện tử, nền tảng số trung gian, như: Shopee, Lazada… ngày càng được quan tâm, theo đó, sẽ tăng cường quản lý nhóm nền tảng số trung gian lớn có số lượng khoảng 3 triệu người dùng trực tiếp. Các nền tảng số trung gian có trách nhiệm báo cáo các bộ quản lý chuyên ngành, như: Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông… Quy định này sẽ giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi người sử dụng dịch vụ TMĐT, xử lý kịp thời những tranh chấp trong giao dịch TMĐT hàng hóa.

Hai là, kiểm soát TMĐT. Ngành Công Thương kiểm tra, giám sát về việc tuân thủ các quy định, pháp luật về TMĐT, nhằm bảo đảm cho TMĐT hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, nhằm hạn chế tình trạng trốn thuế khi tham gia kinh doanh trên sàn TMĐT, các cơ quan quản lý thuế thường xuyên tổ chức các hoạt động thanh tra việc tuân thủ trách nhiệm nộp thuế của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, các cơ quan thuế đẩy mạnh tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định trách nhiệm cung cấp thông tin của các sàn giao dịch TMĐT cho cơ quan thuế được thực hiện định kỳ hàng quý bằng phương thức điện tử qua Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Với phương thức này sẽ tránh được tình trạng thất thu thuế cho Nhà nước.

Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Tổng cục Hải quan thường xuyên tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký. Ngoài ra, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, có những biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới.

Ba là, xây dựng và ban hành pháp luật về TMĐT. Hoàn thiện về chính sách, pháp luật về TMĐT, như: hoàn thiện hơn về các quy định công bố thông tin, chất lượng sản phẩm, trên website TMĐT; chú trọng đến trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ và bán hàng hóa dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp bảo vệ thông tin, quyền riêng tư của người tiêu dùng.

Bốn là, xây dựng Chiến lược phát triển TMĐT quốc gia phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, nghĩa là chiến lược phải dài hạn và mang tính tổng quát, đồng thời, đưa ra những dự báo về sự phát triển của TMĐT trong nước và quốc tế.

Năm là, đối với TMĐT liên quan đến các giao dịch xuyên biên giới, cần xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế, chống thất thu thuế.

Sáu là, có các chính sách thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về TMĐT. Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển TMĐT. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và phổ biến về TMĐT tới người tiêu dùng và doanh nghiệp; đào tạo, hỗ trợ nâng cao trình độ, khả năng triển khai TMĐT đối với các doanh nghiệp. Tiếp tục xây dựng và triển khai các chương trình phát triển TMĐT phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và xu hướng phát triển TMĐT trên thế giới. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế TMĐT, như: Tham gia xây dựng khung khổ pháp lý quốc tế về TMĐT, nghiên cứu pháp luật, kinh nghiệm các quốc gia có TMĐT phát triển. Cần có cơ chế trong phối hợp tổ chức thực hiện của các đơn vị liên quan, nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án, tránh chồng chéo về chức năng nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ nhằm phổ biến kiến thức TMĐT cho doanh nghiệp, tổ chức, thương nhân.

Bảy là, thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp, cá nhân, thiết lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ hơn, đồng bộ hơn, tiến bộ hơn trong lĩnh vực TMĐT. Cần đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra về các nội dung: việc cung cấp thông tin điện tử bán hàng; giao kết hợp đồng trên sàn; vấn đề thu thập, bảo vệ và sử dụng thông tin cá nhân; các vấn đề tranh chấp, khiếu nại của khách hàng. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng của cán bộ thanh tra. Xây dựng và ban hành các quy chế, hình thức xử phạt nghiêm khắc và đủ sức răn đe hơn.

Tám là, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều tiết thị trường về các hoạt động TMĐT, minh bạch thông tin nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Đặc biệt, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân giải quyết mâu thuẫn trong tranh chấp TMĐT; hỗ trợ về những xúc tiến thương mại tốt; hỗ trợ cơ sở vật chất…

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2015), Luật số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 Bộ Luật Dân sự năm 2015;
  2. Quốc hội (2023), Luật số 19/2015/QH15 ngày 20/6/2023 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
  3. Quốc hội (2023), Luật số 24/2015/QH15 ngày 24/11/2023 Luật Viễn thông năm 2023;
  4. Chính phủ (2022), Nghị định số 53/2022/NĐ-CP ngày 115//2022 quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng;
  5. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 phê duyệt đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”;
  6. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025;
  7. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (2022), Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam, https://idea.gov.vn/?page=document.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 12/2024