Thương mại điện tử tiếp sức cho doanh nghiệp vượt khó

Theo Thúy Lâm/ Báo Bạc Liêu

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc, thay đổi thói quen mua bán từ trực tiếp sang hình thức mua sắm trực tuyến. Nắm bắt nhu cầu đó, nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất - kinh doanh (SX-KD) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu nhanh chóng khai thác và ứng dụng hiệu quả thương mại điện tử (TMĐT) vào các hoạt động tư vấn, bán và chăm sóc, hỗ trợ khách hàng...

Cơ sở bánh đậu xanh Hương Sen tham gia quảng bá sản phẩm tại hội nghị kết nối cung - cầu OCOP Bạc Liêu. Ảnh: T.Q
Cơ sở bánh đậu xanh Hương Sen tham gia quảng bá sản phẩm tại hội nghị kết nối cung - cầu OCOP Bạc Liêu. Ảnh: T.Q

Điều này không chỉ giúp duy trì hoạt động SX-KD, đảm bảo doanh thu mà còn là cơ hội để quảng bá, mở rộng thị trường, góp ph.ần thúc đẩy phát triển TMĐT, hướng tới nền kinh tế số trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Hiệu quả khi tham gia thương mại điện tử

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 bùng phát khiến không ít cơ sở SX-KD, DN trong tỉnh lao đao, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản bởi việc tiêu thụ sản phẩm chậm, thu không đủ chi. Tuy nhiên, nhờ chuyển hướng kinh doanh sang nền tảng số, từ bán hàng đến tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc khách hàng theo hình thức trực tuyến thông qua hệ thống website, fanpage, sàn TMĐT... nên nhiều DN, cơ sở SX-KD vẫn trụ vững, thậm chí phát triển thị phần mới.

Anh Vưu Vĩnh Phương Khoa - chủ cơ sở bánh đậu xanh Hương Sen (Phường 8, TP. Bạc Liêu) cho biết: “Thời gian đầu tôi gặp khó khăn trong quá trình thâm nhập, tiếp cận các thị trường trong nước. Tuy nhiên, sau khi sản phẩm được giới thiệu trên mạng xã hội (Facebook, Zalo…) và các trang TMĐT thì ngày càng có nhiều người biết đến. Đến nay, bánh đậu xanh Hương Sen đã xuất hiện trên kệ của hơn 400 siêu thị và cửa hàng tiện ích. Ngoài ra, bánh đậu xanh Hương Sen còn là mặt hàng được ưa chuộng tại các thị trường: Mỹ, Đài Loan… Hiện tôi đang tiếp tục đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên website, fanpage nhằm phát triển thị trường tiêu thụ trong thời gian tới”.

Sau khi đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, chào hàng trên các trang TMĐT như: Voso, Sendo, sàn giao dịch TMĐT của tỉnh… đã giúp cơ sở sản xuất tôm khô Đa Giàu (TX. Giá Rai), bánh phồng sữa Nông sản Việt (huyện Phước Long), yến sào Mai (TP. Bạc Liêu)… kinh doanh ngày thêm khởi sắc.

Hỗ Trợ doanh nghiệp phát triển thông qua thương mại điện tử

Nhằm thực hiện mục tiêu đưa TMĐT trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong các cơ quan quản lý nhà nước và các DN, năm 2013, UBND tỉnh thành lập sàn giao dịch TMĐT tỉnh Bạc Liêu. Hiện sàn giao dịch có 67 thành viên tham gia, chủ yếu là các DN, cơ sở nhỏ và vừa với các sản phẩm như: cá khô, tôm khô, bánh phồng sữa, bánh phồng tôm, cà phê, yến sào…

Các sản phẩm tham gia sàn giao địch đều được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) kiểm tra, giám sát, đối chiếu thông tin từ người bán, kiểm soát chất lượng hàng hóa, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện trên sàn, qua đó giúp người tiêu dùng không phải đối mặt với nguy cơ về lừa đảo, nhận hàng kém chất lượng.

Theo ông Quách Kim Bó, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại: “TMĐT được xem là một công cụ quan trọng giúp các DN, cơ sở sản xuất tăng năng lực trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Khi tham gia vào sàn giao dịch TMĐT của tỉnh, các thành viên sẽ được miễn tất cả các chi phí, được hỗ trợ tham gia quảng bá sản phẩm tại hội chợ, các chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu… Qua đó giúp DN, cơ sở SX-KD hoạt động một cách hữu hiệu nhất”.

Nhằm giúp các DN, cơ sở SX-KD nhanh chóng khai thác và ứng dụng hiệu quả TMĐT, thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại sẽ tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ DN, cơ sở SX-KD tham gia sàn giao dịch TMĐT của tỉnh để quảng bá, tăng lợi thế cạnh tranh và phát triển thị trường trong và ngoài nước.