Nâng cao hiệu quả tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu


Bằng phương pháp khảo sát trực tiếp 108 cán bộ công tác tại các đơn vị quản lý và sử dụng ngân sách trong lĩnh vực giáo dục huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, kết hợp với thu thập số liệu tại phòng Giáo dục huyện Hòa Bình, thông qua phương pháp thống kê mô tả, phân tích nhân tố và khảo sát chuyên gia, nghiên cứu tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công tại huyện Hòa Bình, gồm: Tổ chức bộ máy, quản lý con người và đào tạo, quản lý về dự toán tài chính, quản lý các khoản chi và quản lý nguồn thu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Qua kết quả nghiên cứu, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công huyện Hòa Bình thời gian tới.

Sau nhiều năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, đến nay, các cơ quan đơn vị sự nghiệp trực thuộc huyện Hòa Bình đã nhận thức được việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tạo nguồn tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức. Từ đó, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Huyện đã thực hiện nghiêm túc chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, cũng có không ít đơn vị chưa nhận thức được mục đích, ý nghĩa của Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Nhiều đơn vị chưa tự chủ trong hoạt động và thích ứng, hòa nhập với sự phát triển của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dẫn đến chất lượng hoạt động chưa đạt hiệu quả cao.

Hoạt động tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục huyện Hòa Bình

Tình hình triển khai và thực hiện cơ chế tự chủ tài chính

Năm 2007, huyện Hòa Bình tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP đến các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc. Từ đó đến nay, các đơn vị có nhiều chuyển biến trong nhận thức thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tạo nguồn tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Đến nay, tất cả các đơn vị sự nghiệp giáo dục công trực thuộc Huyện đều đã thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Cụ thể, Huyện có 34/34 đơn vị thực hiện Nghị định  số 43/2006/NĐ-CP, trong đó có 8 trường mầm non - mẫu giáo, 19 trường Trung học và 7 trường Trung học cơ sở. Sau 10 năm thực hiện tự chủ, đến nay, huyện Hòa Bình chưa có đơn vị sự nghiệp giáo dục tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động, toàn bộ đều tự chủ theo loại hình ngân sách đảm bảo 100% kinh phí hoạt động.

Thực trạng các nguồn thu ở đơn vị sự nghiệp giáo dục huyện Hòa Bình

Nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp giáo dục huyện Hòa Bình chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách cấp. Giai đoạn 2013 - 2017, nguồn ngân sách cấp chiếm tỷ trọng lớn trên 90% ở tất cả các khối. Các khoản thu ngoài ngân sách chỉ có nguồn xã hội hóa và học phí, các trường học chưa tạo được nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước.

Bảng 1: Tổng hợp các nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp giáo dục từ 2013-2017 (Triệu đồng)

Năm, Tên đơn vị

Tổng thu

Ngân sách cấp

Học phí

Xã hội hóa

Tỷ lệ %

Ngân sách /Tổng

Học phí /Tổng

Xã hội hóa /Tổng

Năm 2013

105.383

103.261

1.608

514

98,0

1,5

0,5

Năm 2014

104.923

102.508

1.739

676

97,7

1,7

0,6

Năm 2015

101.059

98.373

1.777

909

97,3

1,8

0,9

Năm 2016

125.771

122.732

2.425

614

97,6

1,9

0,5

Năm 2017

132.976

129.490

2.751

735

97,4

2,1

0,6

Tổng cộng

570.112

556.364

10.300

3.448

97,6

1,8

0,6

Mầm non - mẫu giáo

84.433

79.315

4.600

518

93,9

5,5

0,6

Trung học

322.052

320.031

0

2.021

99,4

0,0

0,6

Trung học cơ sở

163.627

157.018

5.700

909

96,0

3,5

0,6

 

Mức thu học phí các trường chỉ được thu theo mức quy định chung theo quyết định do Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành. Mức thu học phí thấp chưa tính đủ chi phí đào tạo, trong khi ngân sách nhà nước còn khó khăn, vì vậy các trường khó khăn về kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng giáo dục.

Thực trạng chi ở đơn vị sự nghiệp giáo dục huyện Hòa Bình

Số liệu Bảng 2 cho thấy, với khoản chi từ nguồn chi sự nghiệp, các đơn vị chưa tiết kiệm kinh phí để trích lập quỹ và tăng thêm thu nhập cho người lao động. Theo số liệu năm 2016 và 2017, số chi cho học phí tăng lên đáng kể nhưng các đơn vị lại chi cho hợp đồng lao động ngoài biên chế dẫn đến không có số tiết kiệm được để đầu tư và tăng thêm thu nhập cho người lao động.

Nhìn chung, với nguồn kinh phí ngân sách cấp thì nhóm chi cho con người chiếm đến 92,25%; Các khoản chi còn lại chiếm tỷ trọng rất nhỏ chỉ từ 0,18% - 5,04%. Trong nhóm chi con người thì chi cho quản lý hành chính và chi khác cao hơn so với chi cho hoạt động chuyên môn và chi mua sắm sửa chữa trang thiết bị. Số kinh phí tiết kiệm được tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục rất thấp chỉ chiếm 0,18% trên tổng số chi ngân sách.

Kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên của đơn vị

Các đơn vị chỉ tiết kiệm được nguồn kinh phí ngân sách cấp, các nguồn thu không cân đối được và không tạo được số tiết kiệm. Do số kinh phí tiết kiệm được của các đơn vị rất thấp nên ưu tiên chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức đơn vị, các đơn vị không trích lập được quỹ theo quy định của Nghị định số 16/NĐ/2015/NĐ-CP do không có nguồn.

Bảng 2: Tổng hợp các khoản chi từ nguồn NSNN cấp giai đoạn 2013 - 2017 (Triệu đồng)

Năm, Tên đơn vị

Tổng chi

Chi cho con người

Chi hoạt động chuyên môn

Chi mua sắm sửa chữa

Chi hành chính, chi khác

Chi kinh phí tiết kiệm

Năm 2013

103.261

97.022

1.520

2.107

3.995

1.060

Năm 2014

103.508

95.751

1.047

2.021

5.658

944

Năm 2015

98.373

94.678

942

655

2.945

874

Năm 2016

122.732

114.810

1.304

1.511

6.092

868

Năm 2017

129.490

117.455

1.218

1.926

9.739

1.278

Tổng cộng

563.395

519.716

6.031

8.220

28.429

999

Mầm non - mẫu giáo

81.603

72.797

1.288

1.801

5.592

125

Trung học

323.244

296.068

3.213

5.070

18.329

564

Trung học cơ sở

158.548

150.851

1.530

1.349

4.508

310

 

Số kinh phí tiết kiệm chi của các đơn vị tăng thêm qua các năm, tuy nhiên, 5 năm qua, Huyện chỉ có 19/34 trường có số tiết kiệm. Số kinh phí tiết kiệm này các đơn vị không duy trì được hàng năm, chỉ có 3/34  đơn vị có số tiết kiệm chi thu nhập hàng năm (Trung học Vĩnh Hậu A, Trung học Vĩnh Hậu B và Trung học cơ sở Hòa Bình).

Số đơn vị tiết kiệm được kinh phí tăng lên vào năm 2013 là 7/34 đơn vị, đến năm 2017 là 14/34 đơn vị. Sau khi Nghị định số 16/2015/NĐ-CP được ban hành (năm 2016 và 2017), số đơn vị tiết kiệm và số kinh phí tiết kiệm tăng lên so với trước đây.

Kết quả khảo sát

Số liệu sơ cấp được thu thập thông qua phiếu điều tra, khảo sát. Đối tượng khảo sát là các lãnh đạo và kế toán của Phòng Giáo dục và đào tạo và Phòng Tài chính - Kế hoạch, các lãnh đạo và kế toán các đơn vị sự nghiệp ngành Giáo dục, tiếp đó, dựa vào kinh nghiệm, hiểu biết của các nhà quản lý, các chuyên gia để kiểm tra tính chính xác, đánh giá và nâng cao tính đúng đắn của nguồn thông tin thu thập được. Tổng số người tham gia khảo sát là 108 người, số phiếu hợp lệ thu về là 108, sau đó được xử lý bằng phần mềm SPSS.

Kết quả khảo sát kiểm định độ tin cậy thể hiện như sau:

Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA đạt yêu cầu: phân tích nhân tố khám phá EFA cho thấy thang đo đạt yêu cầu với nhân tố trích, phương sai trích lớn hơn 50% (Kết quả phương sai trích = 72.043%) và trọng số yếu tố phần lớn đều lớn hơn 0.50. Trong đó:

Bảng 3: Tổng hợp kết quả phân tích nhân tố bằng Cronbach’s alpha

STT

Nhân tố

Biến quan sát ban đầu

Biến quan sát sau khi bị loại

Cronbach's Alpha

1

Tổ chức bộ máy

6

6

.892

2

Quản lý con người và đào tạo

4

4

.836

3

Quản lý về dự toán tài chính

3

3

.828

4

Quản lý các khoản chi

10

10

.812

5

Quản lý nguồn thu

7

5

.708

 

Tổng

30

28

 

 

Nhân tố thứ nhất, Tổ chức bộ máy và dự toán tài chính, có 01 biến không đo lường được khái niệm ban đầu là quản lý nguồn thu, QLNT7 (Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật).

Nhân tố thứ hai, Quản lý các khoản chi có 01 biến không đo lường được khái niệm ban đầu là tổ chức bộ máy, TCBM6 (Bộ máy quản lý tài chính của đơn vị).  

Nhân tố thứ ba, con người và đào tạo có 01 biến không đo lường được khái niệm ban đầu là quản lý nguồn thu: QLNT2 (Nguồn thu học phí).

Nhân tố thứ tư, quản lý nguồn thu.

Nhân tố thứ năm là quản lý các khoản chi đạt yêu cầu.

Giải pháp nâng cao hiệu quả tự chủ tài chính

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 05 nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động cơ chế tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp giáo dục công trực thuộc huyện Hòa Bình.Số thứ tự ảnh hưởng là: (1) Tổ chức bộ máy,(2) Quản lý con người và đào tạo, (3) Quản lý về dự toán tài chính, (4) Quản lý các khoản chi; (5) Quản lý nguồn thu. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

- Về phía nhà nước: Cần tích cực, khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP; xây dựng lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo Nghị định số 16/2012/NĐ-CP; Ban hành cơ chế hoạt động và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo phân cấp thuộc phạm vi quản lý. Thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công theo chỉ đạo của Trung ương (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Các đơn vị sự nghiệp giáo dục công trực thuộc huyện cần đa dạng hóa các nguồn tài chính để không chỉ cải thiện khả năng tài chính của các đơn vị mà còn giúp các đơn vị đứng vững trước những thay đổi của môi trường bên ngoài.

Mở rộng quy mô các ngành nghề đào tạo hướng đến lợi ích của xã hội và của người học; Có chính sách thu hút cán bộ, giáo viên thông qua các chính sách ưu đãi về thu nhập, cơ hội học tập, cơ hội thăng tiến...

Thường xuyên cập nhật kiến thức, đào tạo cán bộ giảng dạy nâng cao trình độ, tiếp cận với khoa học công nghệ hiện đại; Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ mang tính chi tiết, đảm bảo tính công khai, dân chủ và công bằng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, ngày 14/02/2015 của Chính phủ “Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập”;
  2. Chương trình số 23-CTr/TU ngày 25/01/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu khóa XV thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”;
  3. Quyết định số 143/QĐ-UBND ngày 04/02/2017 của Ủy ban nhân dân huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu “Về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập”;
  4. Ủy ban nhân dân huyện Hòa Bình (2013-2017), Báo cáo Quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước của huyện Hòa Bình (từ năm 2013  đến năm 2017);
  5. Ủy ban nhân dân huyện Hòa Bình (2013-2017), Báo cáo tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ của huyện Hòa Bình (từ năm 2013  đến năm 2017).